MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu dịch bệnh phức tạp, thị trường bất động sản có thể trầm lắng trong năm 2022

13-12-2021 - 14:36 PM | Bất động sản

Nếu dịch bệnh phức tạp, thị trường bất động sản có thể trầm lắng trong năm 2022

Thị trường bất động sản đã trải qua một năm đầy biến động khi dịch bệnh Covid-19 tác động và ảnh hưởng nặng nề. Giai đoạn "đóng băng" kéo dài do dịch bệnh và chính sách giãn cách xã hội đã khiến thị trường địa ốc đang cần khoảng thời gian dài để phục hồi. Kịch bản của thị trường bất động sản 2022 vẫn là ẩn số.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất Động sản Việt Nam, thị trường bất động sản năm 2021 đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, đặc biệt là trong quý III/2021. Nguồn cung đã sụt giảm từ những năm trước, tiếp tục bị sụt giảm bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Giao dịch trên thị trường thường xuyên đối mặt đứt gãy, gián đoạn bởi dịch bệnh. 

Tuy nhiên, cũng năm 2021, thị trường xuất hiện lực cầu F0. Trạng thái của thị trường thay đổi nhiều và mạnh, có giai đoạn sốt cao, có giai đoạn trầm lắng. 

Bài toán mất cân đối cung – cầu có tính nghiêm trọng đã và đang diễn ra ở nhiều đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM. Một trong những vấn đề nổi cộm của thị trường năm 2021 đó là giá bất động sản nói chung đã leo và leo ở mức cao.

Dự báo về thị trường bất động sản năm 2022, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, nguồn cung trên thị trường sẽ chưa có nhiều cải thiện. Nguyên nhân đến từ thủ tục đầu tư vẫn chưa thể tháo gỡ triệt để vướng mắc, nhất là Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đó, xu hướng giá bất động sản có thể tiếp tục tăng ở mức cao. 

Nếu dịch bệnh phức tạp, thị trường bất động sản có thể trầm lắng trong năm 2022 - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ).

Theo ông Đính, lực cầu vẫn được duy trì, thậm chí có thể mạnh hơn. Trong năm 2022, đất nền và bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng tiếp tục được các nhà đầu tư quan tâm nhiều. Trong khi đó, bất động sản công nghiệp sẽ tăng trưởng tốt. Còn bất động sản bán lẻ sẽ ổn định và xu hướng tăng trưởng. 

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam cho rằng, thị trường bất động sản năm 2022 phải phụ thuộc vào nhiều điều kiện, yếu tố và khó lường trước những diễn biến vĩ mô.

Ở thời điểm hiện tại, nếu giả định rằng tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt và chúng ta đã xác định sống chung với Covid-19, các hoạt động kinh tế - xã hội - du lịch sẽ từng bước phục hồi. Năm 2022, dự báo GDP của Việt Nam có thể lên đến 6,5 - 7,5%, tương đương mức GDP của năm 2019 trở về trước. Thị trường bất động sản sẽ đi theo hướng, nửa đầu năm 2022, nguồn cung mới và sức mua được duy trì ổn định như quý IV/2021, có thể sẽ tăng nhẹ nhưng không quá mạnh mẽ.

Nửa cuối năm 2022, thị trường sẽ sôi động hơn với cả nguồn cung mới và sức mua. Tuy nhiên, sẽ không có sốt đất hoặc sốt bất động sản trong năm 2022 vì theo quan sát, có thể thấy Nhà nước đang kiểm soát tốt những yếu tố gây sốt hoặc bong bóng bất động sản như: chính sách tài chính, kiềm chế lạm phát, lãi suất và giá trị đồng nội tệ ổn định trong mấy năm qua, kênh đầu tư thay thế bất động sản cũng đa dạng hơn...

Ngoài ra, áp lực tăng giá bất động sản ẽ rất lớn bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ quý I/2021. Đặc biệt, từ quý II/ 2022, khi kinh tế phát triển mạnh trở lại (nhiều dự báo cho rằng GDP năm 2022 có thể lên đến 6.5 - 7.5%), Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân (cho cả trẻ em), bất động sản sẽ càng có đà tăng giá.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng, nếu ở kịch bản khi dịch bệnh vẫn diễn biến phưc tạp thì thị trường bất động sản có thể rơi vào trạng thái trầm lắng như giai đoạn từ tháng 6-9/2021, bởi nguồn cung sẽ giảm khi dịch bệnh khó kiểm soát. Các biện pháp phòng chống dịch có thể khiến chủ đầu tư gặp khó trong việc triển khai dự án, tổ chức bán hàng…, còn nhà đầu tư sẽ trở lại với tâm lý thận trọng, chờ đợi diễn biến của dịch bệnh để ra quyết định. 

Ông Hoàng nhấn mạnh, dịch bệnh là một biến số rất quan trọng, nếu giãn cách một lần nữa, dù ở mức độ nhẹ hơn, thị trường bất động sản sẽ khó khăn, sức mua cũng giảm mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản cho hay, hiệu quả của vaccine cùng sự hoàn thiện các quy định pháp lý để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản khiến ông có niềm tin lạc quan vào thị trường. Nguồn vốn chưa được đưa vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh đã dịch chuyển vào các kênh đầu tư, trong đó có bất động sản. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn cho đến cuối năm 2022.

Sự bùng nổ của hạ tầng giao thông cũng như chính sách thúc đẩy đầu tư công đã đẩy tăng giá trị bất động sản ở nhiều nơi. Xu hướng đô thị hóa, quy hoạch mở rộng theo chiều ngang sẽ còn diễn ra trong giai đoạn tới. Đây là yếu tố chính thúc đẩy kỳ vọng của các thành viên thị trường.

Ông Lập còn cho rằng, dòng tiền từ chứng khoán, tiền ảo sẽ dịch chuyển vào bất động sản, điều này cũng góp phần làm thị trường sôi động, mạnh mẽ hơn. 

Hải Nam

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên