Nếu giảm phụ thuộc vào Fe Credit, VPBank còn võ gì để "chiến" với thị trường?
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho rằng dự kiến trong 10 năm tới tín dụng tiêu dùng vẫn phát triển mạnh...
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – VPB) vừa có báo cáo tài chính quý 4/2017. Theo đó, kết thúc năm 2017, ngân hàng hợp nhất đạt doanh thu hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2016, trong đó tăng trưởng doanh thu từ lãi thuần là 36%; doanh thu về dịch vụ thuần tăng 70%. Sau khi trừ đi chi phí và dự phòng, ngân hàng còn hơn 8.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Đáng chú ý, đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận năm vừa qua có tới 51% là của công ty con Fe Credit. Tỷ lệ này đã tăng lên đáng kể so với năm 2016 và các năm trước đó. Theo kế hoạch năm 2018, VPBank vẫn đặt Fe Credit là động lực chính của sự tăng trưởng với trên một nửa đóng góp trong tổng 10.000 tỷ đồng lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất kỳ vọng đạt được.
Trả lời băn khoăn của người viết, rằng VPBank còn phụ thuộc vào Fe Credit đến bao giờ khi mà vai trò của ngân hàng cốt lõi đang ngày càng mờ nhạt? Bên cạnh đó, thị trường cũng bày tỏ quan ngại rằng công ty tài chính tiêu dùng có quá nhiều rủi ro bởi cho vay tín chấp không hề có tài sản đảm bảo? Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, dự kiến trong 10 năm tới tín dụng tiêu dùng vẫn phát triển mạnh, vì thế chẳng có gì là sai khi VPBank đặt niềm tin vào "con gà đẻ trứng vàng" này.
Tuy nhiên, "VPBank không xác định tỷ lệ đóng góp của Fe Credit là mãi mãi, mà mảng quan trọng là ngân hàng bán lẻ" – ông Vinh nói, đồng thời cho biết thêm mảng bán lẻ ngân hàng đã đầu tư suốt 5 năm qua, đến 2016 mới bắt đầu có lãi và 2017 lãi cao hơn chút ít, đến 2018 dự kiến sẽ lãi mạnh.
Ngoài ngân hàng bán lẻ thì tín dụng tiểu thương và ngân hàng số cũng sẽ là nguồn thu chính trong tương lai của VPBank. Ông Vinh cho biết, cho đến nay tín dụng tiểu thương vẫn chưa có lãi và ngân hàng số cũng vậy, ngân hàng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng dự kiến vài năm nữa mới cho lợi nhuận đáng kể (riêng ngân hàng số phải sau 2020).
Khi đề cập đến lý do lựa chọn bán lẻ và tín dụng tiêu dùng làm trọng tâm, ông Vinh cho biết bản thân ban lãnh đạo ngân hàng xác định sẽ có rủi ro hơn so với các hoạt động khác, tuy nhiên ngân hàng vẫn tin tưởng vào lựa chọn của mình.
"Mỗi ngân hàng có cách chọn mô hình kinh doanh khác nhau. Đâu đó người ta nói rằng chúng tôi liều, bởi xưa nay thị trường không có cho vay tín chấp mà nay lại có một ngân hàng làm như vậy. Chúng tôi có biết điều đó hay không? Biết chứ, nhưng chúng tôi đã chọn phân khúc rủi ro là chấp nhận đương đầu và tìm cách để kiểm soát rủi ro thật tốt" – ông Vinh nói.
Cũng theo CEO của VPBank, mỗi ngày ngân hàng này có bình quân khoảng 3.000 khoản vay, dù rằng kiểm tra hết tất cả các khoản vay là điều không thể nhưng ngân hàng có các cách thức để kiểm soát bằng việc phân tích toán học, đánh giá một cách tổng thể. Ngoài việc kiểm soát thì ngân hàng còn tự hào ở đội ngũ thu hồi và nhắc nợ nhiều nhất trong hệ thống hiện nay, với riêng Fe Credit có khoảng 1.600 cán bộ, chưa kể các cộng tác viên, còn VPBank cũng có tới 800 cán bộ làm việc này.
Về nợ xấu, hiện ngân hàng riêng lẻ có tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,33% trên tổng dư nợ, còn nếu tính cả Fe Credit thì ở mức 2,89%. Bên cạnh đó ngân hàng cũng dành khoản dự phòng rủi ro khá vững, bằng khoảng 50% trong tổng doanh thu sau khi đã trừ đi chi phí hoạt động (8.000 tỷ trên tổng hơn 16.000 tỷ).