Nếu không có Galaxy S/Note, nhiều tiến bộ công nghệ có lẽ không tồn tại
Ngày nay, sở hữu một chiếc smartphone với màn hình to đẹp, thiết kế sang trọng, cấu hình khủng là việc quá dễ dàng với hầu hết tất cả mọi người. Nhưng nhìn lại 10 năm trước, chúng ta mới thấy được sự thay đổi đến chóng mặt của thế giới công nghệ.
Ra đời và trở thành ngọn cờ đầu trong chính giai đoạn chuyển mình đó, Galaxy S/Note là biểu tượng đã góp phần không nhỏ giúp "định hình" cũng như thúc đẩy sự phát triển chung của thế giới công nghệ hiện đại.
Màn hình AMOLED - bước ngoặt cho trải nghiệm hình ảnh di động
Có thể nhận thấy rõ ràng sự chuyển dịch về số lượng điện thoại sử dụng màn hình LCD đang ngày càng tụt giảm, kéo theo đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của công nghệ AMOLED. Tuy không phải là hãng đầu tiên sử dụng màn hình AMOLED trên điện thoại, nhưng Samsung lại chính là người đưa công nghệ màn hình này "phổ cập" trong thế giới smartphone.
(Nguồn Gsmarena)
Minh chứng cho thực tế đó chính là việc ngay cả những đối thủ sừng sỏ nhất cũng vẫn đang sử dụng màn hình đặt từ Samsung, giúp hãng chiếm đến 90% thị phần màn hình OLED di động. Với việc Galaxy Note 9, Galaxy S10 hay gần đây Note10 luôn đứng đầu trong danh sách của hãng đánh giá hiển thị DisplayMate thì chất lượng hình ảnh, sự ổn định của những màn hình AMOLED Samsung là không phải bàn cãi.
Không chỉ bằng những con số, thiết kế của Galaxy S/Note mới là thứ tạo nên diện mạo của hầu hết những chiếc điện thoại. Ứng dụng khả năng linh hoạt của màn hình AMOLED, Samsung đã tạo nên Galaxy Note Edge, tiền đề cho thiết kế màn hình cong. Những thế hệ đàn em như S6 Edge, S7 đã hoàn thiện để đưa đến hiện tại, hầu hết các hãng sản xuất đều sử dụng đúng thiết kế "chuẩn mực" này cho những smartphone cao cấp.
Không những vậy, màn hình cong siêu mỏng của những chiếc Galaxy S/Note còn "kích thích" ham muốn trải nghiệm hình ảnh vô cực, tạo xu hướng thiết kế tràn viền, mở ra kỷ nguyên phát triển cho những điện thoại với màn hình kích thước lớn. Bên cạnh đó, thành công suốt 10 năm kể từ khi ra đời của Galaxy Note còn là minh chứng cho tầm quan trọng của một chiếc bút trong bối cảnh không gian trải nghiệm hình ảnh đang ngày càng mở rộng.
UFS - thước đo mới cho hiệu năng sử dụng
Ở thời điểm hiện tại, khi mà hầu hết điện thoại đều có thể đáp ứng cơ bản khả năng sử dụng mượt mà thì CPU cao cấp hay số lượng RAM "khủng" đã không còn mang tính quyết định cho hiệu năng của smartphone. Những trò chơi, phim ảnh, tác vụ giải trí ngày càng có chất lượng cao đòi hỏi việc xử lý nhanh hơn nhằm đáp ứng lập tức yêu cầu của người dùng thì khả năng truy xuất bộ nhớ trong lại được đề cao hơn bao giờ hết.
Cũng như trên máy tính, một chiếc ổ cứng SSD có thể làm thay đổi tốc độ lớn đến thế nào thì trên điện thoại, công nghệ UFS đóng vai trò quan trọng tương đương. Với cương vị là nhà sản xuất bộ nhớ hàng đầu thế giới, Samsung lần đầu tiên giới thiệu công nghệ UFS 2.0 trên chiếc Galaxy S6, gây sửng sốt với hiệu suất đọc ghi dữ liệu vượt trội gấp nhiều lần so với chuẩn eMMC thời bấy giờ.
Để đến UFS 2.1 trên Galaxy S8, nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc còn tạo nên bước nhảy vọt về hiệu năng, biến công nghệ này trở thành "chuẩn chung" cho hầu hết smartphone cho tới tận ngày nay. Và Galaxy Note10, hãng đã một lần nữa làm thế giới công nghệ đứng ngồi không yên khi giới thiệu bộ nhớ UFS 3.0.
Tốc độ vượt trội ở cả đọc và ghi của Galaxy Note10 đảm bảo smartphone này có được hiệu năng sử dụng mạnh mẽ giống như một chiếc laptop thực sự. Mặc dù hiện tại mới chỉ có Galaxy Fold cùng một hãng điện thoại khác sử dụng bộ nhớ này, nhưng UFS 3.0 chính là công nghệ mà chắc chắn các sản phẩm điện thoại cao cấp tiếp theo sẽ ứng dụng trong tương lai gần.
Định hướng tương lai ngành công nghệ
Ở thời điểm hiện tại, cần phải đầu tư rất lớn mới có thể có được trải nghiệm với công nghệ thực tế ảo VR. Tuy nhiên, Samsung một lần nữa đã "hiện thực hoá" công nghệ này ngay trên Galaxy Note10. Tính năng vẽ tay AR cùng bút S Pen cho phép bạn sáng tạo nên cả một thế giới mới để thoả mãn ước mơ bay bổng.
Những trải nghiệm độc đáo, vượt ra ngoài những quy chuẩn thông thường sẽ là đòn bẩy kích thích khả năng sáng tạo, và đặt dấu mốc đầu tiên để các nhà sản xuất khác ứng dụng công nghệ này cho các thế hệ tiếp theo.
Khi 5G đang là từ khoá "hot" trong giới viễn thông nói chung trong năm 2018 thì Samsung, với vai trò tiên phong đã chế tạo và tích hợp con chip 5G trên chính "con cưng" Galaxy S10 5G ra mắt đầu năm nay. Đây cũng chính là chiếc điện thoại cao cấp đầu tiên trên thế giới có thể đáp ứng công nghệ này và tạo thành trào lưu cho rất nhiều những chiếc điện thoại ra mắt trong năm 2019.
Bên cạnh đó việc liên minh Wi-Fi công bố Galaxy Note10/Note10+ chính là hai mẫu smartphone đạt "chuẩn" kết nối Wifi 6 về tốc độ kết nối đã cho thấy những bước đi ngoạn mục của Samsung đón đầu công nghệ mới. Để từ đây, người sử dụng ngày càng có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với những trải nghiệm chưa từng có trước đây.
Luôn sẵn sàng cho những thử nghiệm và hoàn thiện các công nghệ mới, Galaxy S/Note là thành quả của quá trình phát triển nhằm đưa đến trải nghiệm tối đa cho người dùng của Samsung. Đó cũng chính là tiền đề giúp định hình thế giới công nghệ, góp phần thay đổi diện mạo cuộc sống hiện đại.