MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu không thể tập trung ngồi một chỗ, hãy thử phương pháp thiền động đầy khác biệt này: Sức khỏe được nâng cao, tinh thần thêm bình tĩnh

14-08-2020 - 20:00 PM | Sống

Sau khi tập thiền động, bạn sẽ cảm thấy cơ thể mình trở nên thật bình tĩnh và yên lặng, như thể mọi thứ đang thăng hoa.

Đối với nhiều người, việc ngồi một chỗ và nhắm mắt thiền là vô cùng khó khăn. Bạn sẽ nghĩ về đủ thứ trong đầu mình, cảm thấy mỗi phút kéo dài đến vô tận. Bạn đã thử mọi phương pháp thiền khác nhau, từ tập yoga cho đến sử dụng các ứng dụng hướng dẫn (Calm, ILY…) nhưng vẫn không thể tĩnh tâm.

Tuy nhiên, mọi chuyện có thể sẽ khác nếu bạn thử phương pháp thiền động.

Thiền động là gì?

Điểm tuyệt vời nhất của thiền động là bạn có thể đang thực hiện nó một cách vô thức. Bởi lẽ, khác với các phương pháp thiền cổ điển đòi hỏi bạn phải ngồi lặng yên và tĩnh tâm, thiền động cho phép bạn được vận động và nói: vung tay chân, la hét, nhảy lên xuống.

"Thiền động giống như một cơn giận dữ tột cùng của người lớn", Caitlin Fox - người sáng lập studio thiền The Glow Club ở Washington D.C. - cho biết. "Đây là cách giải tỏa tâm lý toàn thân bằng cách vận động và phát tiếng ồn ngẫu nhiên, nhằm giúp cơ thể được thoải mái và tận hưởng khoảnh khắc hiện tại".

Kỹ thuật này ra đời lần đầu vào năm 1970 bởi một ẩn sĩ người Ấn Độ tên là Osho, sau đó trở nên phổ biến cho tới tận ngày nay nhờ các phòng tập.

"Ông ấy tin rằng nhờ trạng thái xuất thần hỗn loạn và phi tuyến tính này mà tâm trí và ý thức có thể vào trong cơ thể, đánh thức trái tim thông qua sự vận động ngẫu nhiên, sau đó di chuyển khắp toàn thân", Coltrane Lord - một giáo viên thiền - giải thích.

Theo Lord, nhờ nguyên lý trên mà thiền động có thể đem lại sự tĩnh tâm, tăng thêm không gian giữa các tế bào cho cơ thể, đồng thời giúp người tập cảm thấy thanh thản từ đầu đến chân không kém gì các phương pháp thiền khác.

Nếu không thể tập trung ngồi một chỗ, hãy thử phương pháp thiền động đầy khác biệt này: Sức khỏe được nâng cao, tinh thần thêm bình tĩnh - Ảnh 1.

Thiền động khác gì so với các phương pháp thiền truyền thống?

Câu trả lời rất đơn giản: Trong khi thiền truyền thống tập trung vào sự yên tĩnh (thụ động), thiền động chú trọng sự vận động hỗn loạn (chủ động).

"Hãy nghĩ về thiền động như thế này: Bạn tạo ra sự hỗn loạn ở bên ngoài để giải quyết sự hỗn loạn bên trong mình. Trái lại, các phương pháp thiền truyền thống lại yêu cầu bạn ngồi im để cảm thấy tĩnh tâm", Fox giải thích.

Ngoài ra, thời gian tập mỗi loại thiền này cũng khác nhau. Các ứng dụng thiền truyền thống thường yêu cầu người tập thực hành từ 3-60 phút hoặc hơn, trong khi dạng phổ biến nhất của thiền động chỉ kéo dài khoảng 60 phút.

Thiền động có thể đem lại lợi ích gì?

Dù chú trọng nhiều vào vận động và tiếng ồn, thiền động vẫn đem lại những lợi ích tương tự các dạng thiền truyền thống khác đòi hỏi phải ngồi yên lặng.

"Thiền động cũng giúp bạn nâng cao ý thức về bản thân, cải thiện giấc ngủ, tăng cường mức độ tập trung, cải thiện tâm trạng", Fox nó. "Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là thiền động thực sự có ích trong việc loại bỏ những cảm xúc dồn nén trong tâm hồn khiến bạn mệt mỏi".

Bên cạnh đó, thiền động còn tác động tích cực lên thể chất của người tập, chẳng hạn như gia tăng dung tích phổi.

"Rất nhiều người trong số chúng ta thở bằng ngực, tức là bằng phần trên của phổi", Fox giải thích. Điều này sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong việc thở, nhất là khi mới tập thiền động. "Khi bạn tập, cơ hoành sẽ đẩy thêm không khí vào phần dưới của phổi, nhờ đó mở rộng đường thở và các mao mạch nhỏ".

Bằng cách này, dung tích phổi sẽ tăng lên, cho phép bạn tiếp nhận nhiều oxi hơn, cũng như thải ra nhiều khí CO2 hơn. "Bạn sẽ cảm thấy tràn trề năng lượng và thoải mái hơn rất nhiều", nữ giáo viên kết luận.

Nếu không thể tập trung ngồi một chỗ, hãy thử phương pháp thiền động đầy khác biệt này: Sức khỏe được nâng cao, tinh thần thêm bình tĩnh - Ảnh 2.

Các giai đoạn khi tập thiền động

Khi Osho sáng tạo phương pháp thiền động này, ông đã chia kỹ thuật kéo dài 60 phút này ra thành 5 giai đoạn khác nhau. "Mục đích là để bạn giải tỏa cảm xúc, tìm thấy bình yên trong tâm hồn và lấy lại cảm giác kết nối", Fox giải thích.

Giai đoạn 1: Thở mạnh (10 phút)

"Hãy thở thật nhanh bằng mũi - sâu và nhanh, không cần theo nhịp gì cả", Fox hướng dẫn. "Giai đoạn này nhằm giúp bạn bồi đắp toàn bộ năng lượng bên trong. Bạn sẽ muốn sử dụng và vận động toàn thân để bồi đắp năng lượng cho đến điểm giới hạn, nhưng đừng bỏ qua thứ gì trong giai đoạn đầu tiên này".

Giai đoạn 2: Giận dữ (10 phút)

"Hãy thả lòng và giải tỏa mọi năng lượng và cảm xúc mà đã tích tụ và dồn nén bấy lâu nay", Fox nói. "Bạn có thể hét vào gối, múa, khóc, hát, nhảy, đấm đá - cho phép bản thân được bùng nổ. Quan trọng là bạn không được để cho tinh thần kiểm soát hành động. Cứ thoải mái giải tỏa bất cứ cảm giác xấu hổ nào đang tồn tại. Hãy cho phép mình ‘được điên’."

Giai đoạn 3: Niệm chú (10 phút)

"Nhảy lên và nhảy xuống với hai tay giơ cao trên đầu, đồng thời hét to câu thần chú ‘Hoo!’ liên tục", Fox hướng dẫn. Còn theo Lord, làm như vậy sẽ đánh thức sacral chakra (trung tâm sức mạnh) - nơi cảm xúc, tính dục và tính sáng tạo tồn tại.

"Kỹ thuật này sẽ đánh thức năng lượng sống đang tồn tại im lìm trong khu vực sacral chakra phía dưới cột sống và đưa nó thẳng trung tâm trái tim", cô giải thích.

Nếu không thể tập trung ngồi một chỗ, hãy thử phương pháp thiền động đầy khác biệt này: Sức khỏe được nâng cao, tinh thần thêm bình tĩnh - Ảnh 3.

Giai đoạn 4: Đóng băng (15 phút)

"Dù bạn đang ở đâu và làm gì, hãy dừng tất cả lại", Fox nói. "Đừng di chuyển cơ thể hay ngồi thẳng dậy. Mọi hành động chỉnh sửa dáng lúc này đều sẽ làm hỏng luồng năng lượng tốt mà bạn đã tích tụ vừa qua. Điều bạn cần làm lúc này là quan sát cơ thể và cảm nhận mọi thứ mà cơ thể đang trải qua lúc này.

Giai đoạn 5: Ăn mừng hoặc thư giãn (15 phút)

"Bạn đã thành công; giờ là lúc để ăn mừng", Fox nói. "Bạn có thể nhảy múa với âm nhạc, thể hiện tất cả những gì có trong tâm hồn mình dưới dạng ăn mừng." Nếu không hứng thú với nhảy múa, Lord khuyên bạn nên thư giãn. "Hãy làm bất cứ điều gì mà cơ thể muốn", cô nói. "Đây là giai đoạn mà bạn sẽ cảm thấy cơ thể tràn ngập sức sống và thoải mái nhất. Nó sẽ đón nhận bất cứ thứ gì mà bạn muốn nó cảm nhận."

Đối tượng nào thích hợp để tập thiền động?

Bất cứ ai cũng có thể thực hành thiền động. Nếu bạn không thể làm theo các phương pháp truyền thống nhưng vẫn muốn tận hưởng lợi ích mà thiền định mang lại, thiền động chính là một sự lựa chọn tuyệt vời.

"Bởi vì cơ thể bạn sẽ hoạt động trong lúc thiền, tâm trí bạn sẽ khó bị gián đoạn", Fox giải thích. "Với cường độ vận động mạnh như vậy, khi mọi thứ dừng lại, bạn sẽ dễ dàng tĩnh tâm và cảm nhận sự bình yên của khoảnh khắc hiện tại."

Nếu không thể tập trung ngồi một chỗ, hãy thử phương pháp thiền động đầy khác biệt này: Sức khỏe được nâng cao, tinh thần thêm bình tĩnh - Ảnh 4.

Làm thế nào để bắt đầu tập thiền động?

Cách đơn giản nhất là bắt đầu. "Là giáo viên hướng dẫn, tôi khuyên bạn nên bắt đầu tập một mình trong nhà, trước khi sẵn sàng để tập ở những nơi đông người hơn", Lord cho biết.

Theo Fox, thời điểm thích hợp nhất cho thiền động là sáng sớm. "Tuy nhiên, bạn muốn tập vào lúc nào cũng được", cô nói. "Bạn có thể tập theo 5 giai đoạn ở trên, hoặc tự tập theo cách của riêng mình. Thiền động sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất khi tập theo nhóm."

Nếu tự tập, bạn nên kết hợp cùng những bản nhạc mà Osho gợi ý, hoặc tự chọn một danh sách của riêng mình.

(Theo Hello Giggles)

Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên