Nếu lợi cho người dân thì khó cấm
Cuộc chiếc taxi tiếp tục nóng khi một số DN taxi truyền thống than thua lỗ, hàng nghìn lái xe mất việc và Hiệp hội taxi Hà Nội đề xuất dừng khẩn cấp hoạt động của Uber, Grab. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng như nhiều chuyên gia cho rằng, các DN taxi truyền thống nên bình tĩnh tìm hướng chuyển mình trong một cuộc chơi sòng phẳng chứ không thể
Không có cơ sở dừng hoạt động Uber, Grab
Trao đổi với báo Lao Động ngày 2.10, lãnh đạo vụ Vận tải, Bộ GTVT cho rằng, không có cơ sở yêu cầu Uber, Grab dừng hoạt động và nhận định trong cuộc chiến taxi có một số DN cảm thấy bị thua thiệt nhưng thua thiệt này, nhiều khi là mang tính tất yếu vì khi áp dụng công nghệ mới vào, đương nhiên năng suất tăng cao thì có người được hưởng lợi nhiều hơn và có người sẽ bị thiệt thòi so với trước khi có đổi mới. Do đó, vị này cho rằng các DN taxi nên hết sức bình tĩnh, phân tích nguyên nhân tại sao lại thua thiệt hơn và khi đánh giá đúng nguyên nhân thì từ đó sẽ có cái điều chỉnh cho phù hợp, có kế sách, chiến lược để đối phó với hoàn cảnh này.
Trong thời gian qua, một số DN taxi truyền thống đã thầm lặng nghiên cứu và có giải pháp tích cực nên ngoài Uber và Grab có 8 DN tham gia thí điểm chương trình này. Hiện nay, theo Bộ GTVT việc ứng dụng KHCN này không còn nằm trong taxi hay xe hợp đồng nữa mà còn áp dụng với cả xe bus và quan điểm của bộ là sẽ khuyến khích việc ứng dụng KHCN lên tất cả các loại hình vận tải kể cả các loại hình vận tải hành khách hay hàng hoá để tạo ra kết nối nhanh hơn và cung cầu gặp nhau để đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất lao động, theo đúng tinh thần của cách mạng 4.0.
Liên quan tới việc một số DN taxi tố hàng nghìn lái xe mất việc vì Uber, Grab, lãnh đạo Vụ Vận tải cho rằng họ không mất việc mà đơn giản là chuyển sang hoạt động ở công ty khác và bản thân một số lãnh đạo ở Cty Mai Linh cũng thừa nhận sắp tới sẽ có những cách cho thuê phần mềm rẻ hơn Uber, Grab và tìm cách thu hút trở lại các taxi đã chuyển sang Uber. “Nhiều lái xe taxi bỏ việc không phải là họ thất nghiệp mà họ chuyển sang Uber, Grab và những phần mềm của VN xây dựng, họ thấy lợi hơn thì họ chuyển sang” - ông nhận định.
Bình luận về Uber, Grab, đại diện này cho rằng, Uber, Grab có chất lượng dịch vụ tốt, giá thành hạ một cách hợp lý, vấn đề an toàn và an ninh đều đảm bảo vì cơ quan chức năng kiểm soát hành trình, họ (Uber, Grab) quản lý rất chặt chẽ. Do đó, “Là cái tốt mình phải ủng hộ họ chứ, sao lại cấm họ” - ông nói.
Cùng quan điểm một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải nhận định những lý do mà Hiệp hội taxi Hà Nội mới đây đưa ra để kiến nghị ngừng Uber, Grab là chưa thỏa đáng vì chưa hết thời gian thí điểm loại hình này và nhiều doanh nghiệp hiện tại cũng học hỏi mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đặt xe như đã nêu trên.
“Vậy nếu ngừng việc đặt xe như Uber, Grab thì những đơn vị đang triển khai áp dụng như vậy sẽ phải như thế nào? Chúng ta cần phải xem xét hết sức cẩn trọng chứ không phải vì đụng chạm quyền lợi tới “một nhóm lợi ích nào đó” mà triệt tiêu đi sự phát triển. Mặt khác, chúng ta phải đặt lợi ích chung, lợi ích cộng đồng ở đây là trên hết, rõ ràng, khi kiến tạo môi trường kinh doanh thì cần phải lấy thước đo của sự thành công chính là sự hài lòng của khách hàng” - ông nói.
Đang quản Uber, Grab rất chặt
Theo Bộ GTVT, Uber và Grab đang được quản lý rất chặt thông các hành lang pháp lý như Nghị định 86, thông tư 63. Tất cả các xe Uber, Grab đều phải đăng ký xe vận tải theo hình thức xe hợp đồng, đơn vị kinh doanh có đầy đủ hồ sơ, tiêu chí theo quy định nộp cho Sở GTVT họ kiểm tra rồi mới cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Từng xe đều phải dán phù hiệu, phải trang bị thiết bị giám sát hành trình, phải dán phù hiệu và niêm yết bên cạnh xe cùng số điện thoại của xe. Hàng tháng Uber, Grab đều gửi báo cáo về các sở GTVT, thời gian hoạt động xe Uber, Grab chỉ được 8 năm.
Thời gian qua, sở GTVT TPHCM khi phát hiện ra 5 xe Grab quá niên hạn và đã xử lý vấn đề này. Với xe hợp đồng bình thường, các hộ cá thể có thể đăng ký nhưng tham gia Uber, Grab buộc phải là DN hoặc HTX. Hằng tháng Tổng cục Đường bộ đều có báo cáo, các sở đều có báo cáo là đã xử phạt qua thiết bị giám sát hành trình (xử phạt nguội) trong số xe đó có nhiều xe hợp đồng, xe Uber, Grab.
“Có một số cán bộ khi nghiên cứu chưa kỹ thì cho là khó quản lý nhưng thực ra họ đang quản lý mà không biết, thông qua giám sát hành trình người ta phát hiện ra từ quản lý tốc độ tới quản lý việc dừng đỗ có đúng nơi quy định tới quản lý thời gian làm việc của lái xe” một quan chức Bộ GTVT cho biết, đồng thời nhận định không thể nhầm lẫn giữa việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật với việc thực thi văn bản pháp luật.
Cũng liên quan tới câu chuyện này, ông Hà Huy Quang - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho báo Lao Động hay, trước những băn khoăn, ý kiến của Hiệp hội Taxi, trước đó, Sở GTVT cũng đã có những thông tin liên quan để phúc đáp và đã kiến nghị UBND TP.Hà Nội cho phép chủ trì, phối hợp với công an thành phố rà soát các tuyến đường có biển cấm xe taxi hoạt động để đề xuất, báo cáo UBND thành phố bổ sung biển báo phụ cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi tham gia thí điểm nhằm hạn chế lượng phương tiện tham gia giao thông, giảm ùn tắc giao thông.
Chạy đua với Uber, Grab, Mai Linh nhảy vào cuộc chơi “xe ôm công nghệ”
Mai Linh Hà Nội vừa công bố Bảng giá cước dịch vụ xe ôm ngay trước khi Cty CP Mai Linh Miền Bắc lấy ý kiến cổ đông về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh “Vận tải hành khách bằng xe lam, xe lôi, xe máy”.
Theo đó, Mai Linh Hà Nội gọi dịch vụ xe ôm công nghệ của mình là M.Bike. Đối với loại xe M.bike thông thường, mức giá cước được áp dụng là 11.000 đồng/2km đầu và 3.800 đồng/km tiếp theo. Với dịch vụ M.Bike Premium, giá cước gấp đôi M.Bike thông thường.
Mức giá trên không quá chênh lệch khi so sánh với uberMOTO và GrabBike. Chẳng hạn cước phí uberMOTO là 3.700 đồng/km và mỗi phút sử dụng dịch vụ bị tính cước 200 đồng, cước phí hủy chuyên 5.000 đồng và đặt ra mức cước phí tối thiểu 10.000 đồng. K.H
Lao động