MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu số ca mắc Covid-19 ở TP HCM tăng thì có phong tỏa lại hay không?

Nếu số ca mắc Covid-19 ở TP HCM tăng thì có phong tỏa lại hay không?

PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Trường Đại học Y dược TPHCM cho biết, muốn sống chung an toàn và bền vững với Covid-19 thì phải có được miễn dịch cộng đồng. Ngoài ra, TPHCM cần mạnh dạn xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm tranh thủ thời cơ để phục hồi kinh tế.

Sáng nay, đại diện các sở, ban ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia đã tham gia hội thảo khoa học về "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025" do UBND TPHCM tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận định, mặc dù tình hình dịch bệnh tại TPHCM đã được cải thiện, tuy nhiên, dịch vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, đòi hỏi thành phố cần nỗ lực nhiều hơn để kiểm soát được hoàn toàn.

"Trong bối cảnh hiện nay, thành phố vừa phải tập trung phòng chống dịch, vừa phải tính toán có lộ trình để phục hồi kinh tế - xã hội. Hai việc này tiến hành song song", Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

Liên quan đến việc sống chung với Covid-19 trên phương diện y tế, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Trường Đại học Y dược TPHCM cho biết, muốn sống chung an toàn và bền vững với Covid-19 thì phải có được miễn dịch cộng đồng. Trong đó, an toàn có nghĩa là không bị tăng nguy cơ tử vong, bền vững là các bước phục hồi kinh tế phải liên tục, không gián đoạn.

"TPHCM chưa đạt miễn dịch cộng đồng hoàn toàn vậy nếu số ca mắc Covid-19 gia tăng thì có nguy cơ phải phong tỏa TPHCM thêm một lần nữa hay không?", PGS.TS. Đỗ Văn Dũng hỏi.

Nếu số ca mắc Covid-19 ở TP HCM tăng thì có phong tỏa lại hay không? - Ảnh 1.

PGS.TS. Đỗ Văn Dũng phát biểu tại hội thảo. Nguồn: TTBC TPHCM

Lấy việc sống chung với Covid-19 ở Singapore là ví dụ, đại diện Trường Đại học Y dược TPHCM nhấn mạnh, ở thời điểm hiện tại, Singapore là một cảnh báo cho VIệt Nam về khả năng tăng số ca nhiễm và phải dừng lại việc nới lỏng các quy định giãn cách xã hội. Song, vị chuyên gia cũng cho rằng, hoàn cảnh của Singapore khác với TPHCM.

Lý giải cho nhận định này, theo PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, TPHCM đã từng bị dịch bệnh hoành hành nên có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng tốt hơn. Do đó, khi nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế, số ca mắc mới có thể sẽ tăng nhưng không tăng nhanh như Singapore.

Ngoài ra, ông Dũng cho hay, việc phủ 2 mũi tiêm vaccine cho trên 90% người trên 65 tuổi, và trên 80% cho người trên 50 tuổi là cách để thành phố có thể bảo vệ được nhóm đối tượng này. Đồng thời, không làm tăng số ca tử vong và không làm quá tải hệ thống y tế. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết, việc có ca nhiễm Covid-19 ở một số lượng nhất định cũng giúp tạo ra yếu tố kích thích miễn dịch trong cộng đồng.

"Điều này cho thấy khi chúng ta đã bảo vệ được người cao tuổi thì sự tồn tại của Covid-19 không chỉ có mặt có hại mà còn có mặt có lợi", ông Dũng cho hay.

Từ đó, PGS. TS. Đỗ Văn Dũng nhận định, TPHCM có thể bớt khắt khe hơn trong các biện pháp chống dịch. Cụ thể, các biện pháp chế tài cực đoan có thể không phù hợp mà thay vào đó sử dụng biện pháp chế tài kinh tế có thể có hiệu quả cao hơn.

Đồng thời, để tránh việc thành phố phải một lần nữa có nguy cơ bị phong tỏa, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng đề nghị TPHCM tiếp tục thực hiện 5K; cho phép doanh nghiệp tự chủ trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng, thành phố chấp nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng miễn là tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Nếu F1 đã có đủ 2 mũi vaccine thì có thể không cần thiết phải cách ly.

"TPHCM cần mạnh dạn xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm tranh thủ thời cơ. Nguy cơ thành phố phải dừng các kế hoạch phát triển kinh tế là nhỏ", PGS.TS Đỗ Văn Dũng đánh giá.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên