New York siết quản lý dịch vụ lưu trú ngắn ngày: Nhìn lại sự thay đổi khó ngờ của đế chế từng 'làm mưa làm gió' Airbnb
Airbnb (mô hình kết nối người cần thuê nhà, thuê phòng nghỉ với những người có nhu cầu) giờ đây đã khác xa so với tôn chỉ và mục đích hoạt động ban đầu.
"Buổi sáng sau đám cưới ở bang Vermont (Mỹ) vào mùa hè này, khi bạn bè đang ngâm mình thư giãn trong bồn tắm nước nóng ở khách sạn còn tôi thì tôi vật lộn với mớ rác thải bừa bộn ở căn phòng thuê. Tôi hì hục cọ rửa quầy bếp, xếp gọn gàng chiếc giường, lọc rác có thể tái chế. Các bạn của tôi đều vui vẻ tại một khách sạn trước khi lái xe 6 giờ đồng hồ để trở lại New York - ngoại trừ tôi và bạn trai. Chúng tôi là 2 kẻ đã phạm sai lầm khi... thuê nhà trên Airbnb.
Bất chấp việc phải nộp phí dọn dẹp là 95 USD (tương đương 2,3 triệu VNĐ) cho chủ nhà, chúng tôi vẫn không thể hiểu nổi danh sách một loạt các việc vệ sinh phòng thuê trước khi thanh toán, trả phòng.
Có điều gì đó hơi "không ổn" với Airbnb những ngày này. Những vị khách du lịch muốn tìm kiếm một không gian cổ kính và ấm cúng giờ đây thường phải chấp nhận mức giá cao, mức phí không nhất quán, quy trình thanh toán phức tạp, hình ảnh và mô tả của chủ nhà cho thuê thì không đáng tin cậy, thậm chí khác xa thực tế.
Bạn có nguy cơ kết thúc chuyến đi giống như tôi ở Vermont. Không chỉ khách hàng nổi giận, bày tỏ sự phẫn nộ trên mạng xã hội, mà các thành phố cũng đang tiến hành "trấn áp" hình thức thuê nhà này".
Đó là lời tâm sự có ý phàn nàn của một vị khách về tình trạng thực tế của loại hình dịch vụ kinh doanh Airbnb hiện nay. Nó không nói lên hết được tình hình nhưng cũng là một dấu hiệu cho thấy, phải chăng "thời hoàng kim của Airbnb đã qua?".
Qua hay không thì chưa rõ nhưng Đạo luật quy định về cho thuê nhà ở ngắn và dài hạn mà thành phố New York mới thông qua hồi đầu tháng 9 thực sự là đón giáng mạnh cho Airbnb.
Theo đó, thành phố New York cấm mọi hình thức cho thuê nhà có thời gian dưới 30 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc có một lượng lớn trong 36.000 căn hộ cung cấp dịch vụ nhà ở ngắn hạn tại thành phố này bị loại khỏi "cuộc chơi" cho thuê.
Bên cạnh đó, New York còn yêu cầu tất cả những người chủ có nhà cho thuê phải đăng ký với Văn phòng thị trưởng và trả một khoản phí 145 USD, 2 năm 1 lần. Sau khi thực hiện quy định này, chính quyền thành phố đã tiếp nhận 3.800 đơn đăng ký cung cấp dịch vụ cho thuê nhà, tuy nhiên đến nay mới chỉ có gần 300 đăng ký được phê duyệt.
Nhớ về những ngày đầu
Hẳn ai cũng biết về câu chuyện ra đời của "đế chế kỳ lân" Airbnb của 3 người đàn ông từ những chàng sinh viên thất nghiệp, nợ tiền trở thành tỷ phú dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ.
Airbnb được ra mắt vào năm 2008, 1 năm sau khi 3 nhà sáng lập Joe Gebbia, Nathan Blecharczyk và Brian Chesky, bắt đầu với 3 chiếc nệm hơi cho thuê đặt ngay trên sàn phòng khách căn hộ của họ.
Ngược thời gian về cuối năm 2007, Brian Chesky và Joe Gebbia từ New York chuyển tới San Francisco. Chưa tìm được việc làm, 2 thanh niên phải xoay xở để trả tiền thuê nhà và tìm phương án kiếm tiền. Đúng lúc đó, họ phát hiện ra tất cả các phòng khách sạn trong thành phố đều đã được đặt hết do hội nghị Thiết kế Công nghiệp địa phương đã thu hút rất nhiều khách tới San Francisco.
Brian và Joe đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh từ đây. Họ mua một vài chiếc nệm hơi và nhanh chóng thiết kế một trang web có tên là "Nệm hơi và Bữa sáng" (AirBed and Breakfast). Họ dùng luôn phòng khách căn hộ mình thuê để đặt 2 chiếc nệm cho du khách, kèm thêm dịch vụ đồ ăn sáng với ngũ cốc. Họ tính phí 80 USD/đêm. Ý tưởng đã thành công và những vị khách đầu tiên của Airbnb là 1 người đàn ông Ấn Độ 30 tuổi, 1 phụ nữ 35 tuổi từ Boston và 1 ông bố 45 tuổi từ Utah.
Ít lâu sau, Nathan Blecharczyk - sinh viên tốt nghiệp Harvard, kiến trúc sư công nghệ thông tin - tham gia nhóm với tư cách là người đồng sáng lập thứ 3. Ban đầu, sau khi ra mắt, họ chỉ nhận được 2 lượt đặt chỗ. Không có nhà đầu tư, số nợ thẻ tín dụng đã lên đến hàng ngàn USD, những nhà sáng lập phải quay sang bán ngũ cốc để duy trì hoạt động công ty. Sau khi cải tiến trang web, công ty ra mắt một lần nữa vào tháng 8/2008.
Nhờ sự kiên trì và lòng quyết tâm, 3 nhà sáng lập đã kêu gọi được vốn đầu tư và mở rộng kinh doanh loại hình dịch vụ cho thuê phòng.
Airbnb huy động được số vốn đầu tiên là 20.000 USD. Lúc đó, họ mới chỉ kiếm được 200 USD/tuần từ Airbnb và quyết định sử dụng số tiền để tới New York - thị trường lớn nhất tại Mỹ. Họ phát hiện ra rằng hình ảnh của hầu hết các chỗ nghỉ đều không được đẹp mắt. Họ mua luôn chiếc máy ảnh và lần lượt đi đến từng nhà để chụp những bức ảnh chất lượng hơn.
Vào tháng 3/2009, Airbnb đã có 2.500 chỗ lưu trú và gần 10.000 người dùng.
Hoạt động kinh doanh của Airbnb ngày càng phát triển. Thống kê gần năm 2019 đã cho thấy công ty hiện có hơn 2 triệu chỗ nghỉ tại hơn 190 quốc gia và 34.000 thành phố trên khắp thế giới.
Sự gia tăng không ngừng về số lượng "làm mỏng" đi chất lượng
Giống như bất kỳ công ty công nghệ nào, Airbnb luôn theo đuổi sự tăng trưởng, phát triển. "Airbnb trở nên lớn mạnh đến mức mọi người đều muốn tham gia", Jamie Lane, chuyên gia kinh tế cấp cao tại AirDNA, công ty chuyên phân tích về Airbnb và các nền tảng cho thuê phòng ngắn hạn khác, cho biết.
Ban đầu, những người có nhà nghỉ dưỡng ở những khu vực đắt đỏ như Hồ Tahoe và Thung lũng Hudson nhận thấy thành công của Airbnb và nhìn thấy cơ hội mở cửa. Tuy nhiên, việc chủ nhà cho thuê nhà nghỉ hoặc bất động sản mà họ không ở đến đã hoàn toàn khác xa với ý tưởng ban đầu của Airbnb (nhà vẫn có người ở nhưng thừa chỗ nên cho thuê).
Giờ đây, chìa khóa nhà được chủ cất vào hộp có khóa, còn các đề xuất, thỏa thuận sẽ được đánh máy và cho vào một tập hồ sơ đặt trên bàn bếp. Việc chủ nhà Airbnb không bao giờ nhìn thấy hoặc tương tác với khách là điều "rất bình thường".
Thời điểm mọi người bắt đầu mua bất động sản mới với mục đích rõ ràng là biến chúng thành các Airbnb, khi ấy Airbnb rõ ràng đã trở thành công ty. Jamie Lane nói rằng kể từ năm 2015, số lượng danh sách nhà cho thuê đăng ký trên Airbnb ở Mỹ đã tăng từ khoảng 150.000 lên gần 1,5 triệu.
Hiện nay có những căn phòng Airbnb được thiết kế chính xác cho từng kiểu khách du lịch cụ thể.
Neal Carpenter, người điều hành dịch vụ tư vấn và quản lý tài sản cho thuê có trụ sở tại Nashville có tên The Air Butler, cho biết: "Bạn có những tài sản hoàn toàn dành riêng cho các bữa tiệc độc thân. 12 chiếc ghế và một chiếc gương dài, nơi tất cả bạn bè của bạn có thể cùng nhau chuẩn bị sẵn sàng. Chiếc mũ cao bồi neon và bức tường cây xanh trong phòng khách gọi là khu vực 'sống ảo' dành cho các bức ảnh đăng trên Instagram của bạn”. Ngoài ra còn có, Airbnb nhà kiểu hobbit, tàu vũ trụ Airbnb...
Nói cách khác, sự khác biệt giữa Airbnb và khách sạn ngày càng mờ dần. Jamie Lane cho biết, các chủ nhà Airbnb "đúng chuẩn" chỉ chiếm một phần nhỏ, nhưng “các chủ nhà lớn” - các công ty bất động sản lớn hoặc những cá nhân giàu có với 21 bất động sản - hiện chiếm 30% số chủ nhà của nền tảng Airbnb.
Một số khách sạn thậm chí còn đi theo phương châm "nếu không thể đánh bại thì chơi cùng". Năm 2018, Airbnb bắt đầu cho phép các khách sạn boutique (vừa và nhỏ) và giới thiệu các phòng của họ trên nền tảng này.
Sự biến thiên không ngờ
Tại thời điểm này, Airbnb hầu như không giống nền kinh tế tự do Gig economy (nền kinh tế mà trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời) chút nào.
Ví dụ như trường hợp của Neal Carpenter. Anh hiện đang phụ trách 18 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà cho thuê, trong đó có một cơ sở của riêng anh. Neal xử lý các công việc như chụp ảnh, xây dựng danh sách các phòng trên Airbnb, sắp xếp nhà ở và liên lạc với khách trong thời gian họ lưu trú. Sau đó là việc để đồ vào tủ lạnh các phòng cho thuê, làm việc với công ty vệ sinh, quản lý tài chính để đảm bảo các khoản thanh toán được giải ngân hợp lý... Công việc của anh giờ không còn là việc phụ nữa mà là việc toàn thời gian.
Ngoài ra, còn là vấn đề về giá cả và chất lượng dịch vụ. Ví dụ điển hình như câu chuyện dọn vệ sinh của người phụ nữ được đề cập ngay đầu bài.
Mỗi chủ nhà đưa ra quy định về phí dọn dẹp của riêng họ, nhưng các con số dường như rất khác nhau và có thể tính thêm 100 USD trở lên so với mức trước đây. Mức phí này đã tăng 36% trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đối với chủ nhà, những khoản phí dọn dẹp này có thể là cần thiết vì những lý do không liên quan gì đến việc bảo trì căn hộ.
Khi khách tìm kiếm Airbnb, nhiều người dùng công cụ lọc, thay đổi tiêu chí tìm kiếm để tìm những phòng có mức giá phù hợp, không bao gồm phí dọn dẹp. Thế nhưng, vì để được nổi lên trong danh sách lọc những phòng có giá thuê thấp, một số chủ nhà đã cố tình đưa ra mức giá thuê phòng giảm đi nhưng lại tăng phí dọn dẹp.
Sally French, một chuyên gia du lịch tại NerdWallet, nói: “Một trong những chủ nhà mô tả với tôi nó là một cuộc đua cho giá thuê 'xuống đáy'. Đó là cách duy nhất để phòng của họ cho thuê được".
Sự bùng nổ của Airbnb không chỉ dẫn đến cuộc đua giữa chủ nhà và khách thuê mà còn dẫn đến những thách thức pháp lý rộng lớn hơn.
Airbnb hiện có chức năng tương tự như các khách sạn hơn là tôn chỉ ban đầu của họ khi mới thành lập, nhưng họ lại không phải tuân theo các yêu cầu pháp lý và cấp phép giống như quy định mọi thứ ở khách sạn, từ độ sạch sẽ cho đến máy pha cà phê.
Ngoài cuộc "trấn áp" của Thành phố New York, thủ đô Washington DC (Mỹ) cũng đã thực hiện các hạn chế vào năm ngoái, yêu cầu giấy phép các phòng cho thuê ngắn hạn.
Los Angeles và San Francisco cũng yêu cầu đăng ký cho thuê phòng và các thành phố khác đã áp đặt các loại hạn chế khác, chẳng hạn như cấm chủ nhà đăng nhiều tài sản hoặc giới hạn số ngày trong mỗi năm mà một tài sản có thể được thuê.
Người phát ngôn của Airbnb cho biết: “Chúng tôi cảm thấy hài lòng về vị thế của mình với các thành phố và khu vực trên khắp thế giới”, đồng thời nói thêm rằng các quy tắc của thành phố New York “là khác biệt và trái ngược với cách tiếp cận mà các thành phố khác trên khắp nước Mỹ đang thực hiện”.
Nỗ lực để thích ứng
Tất nhiên, Airbnb không hoàn toàn "xấu xí" như trong trải nghiệm của nhiều người. Bạn vẫn có thể tìm được chỗ rẻ hơn và tốt hơn phòng khách sạn - đặc biệt dành cho gia đình và nhóm đông người.
Chuyên gia du lịch Sally French cho biết, Airbnb trung bình có giá 60 USD/người (1,4 triệu VNĐ), so với 89 USD/người (2,2 triệu VNĐ) cho phòng khách sạn.
Nhưng công ty này dường như hiểu rằng có điều gì đó đã thay đổi. Vào tháng 5, Airbnb đã giới thiệu một tính năng chuyển đổi mới trong ứng dụng cho phép người dùng thiết lập tìm kiếm để hiển thị tổng giá của căn phòng thuê, bao gồm cả phí trước thuế, để họ có thể có được sự đánh giá rõ ràng, tổng quát hơn.
Và họ cũng đã tung ra Airbnb Rooms, một bản cập nhật cho mô hình “thuê phòng” ban đầu nhằm nhấn mạnh về khả năng chi trả của khách và mối quan hệ với chủ nhà. Người phát ngôn cho biết: “Chúng tôi đang tập trung vào việc xây dựng các công cụ mới để đảm bảo nền tảng của chúng tôi mang đến những kỳ nghỉ chất lượng, có giá cạnh tranh”.
Phụ nữ Việt Nam