MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

New York Times: Sau 22 năm, Trung Quốc không còn cần Hồng Kông như trước

08-07-2019 - 13:54 PM | Tài chính quốc tế

Nền kinh tế Trung Quốc đại lục hiện nay đang trên đà lấn át Hồng Kông, và từng bước chiếm lấy vị trí của đối thủ nhằm giành lấy cương vị của một trung tâm tài chính toàn cầu.

22 năm trước, Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc. Khi đó, tức năm 1997, Trung Quốc chưa được phép tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới, vì vậy các nhà xuất khẩu Trung Quốc gặp nhiều hạn chế khi cố gắng tiếp cận thị trường toàn cầu. Hồng Kông khi đó, là một giải pháp hoàn hảo: hàng hóa từ Trung Quốc có thể vào cảng Hồng Kông và sau đó được gửi đi dưới dạng xuất khẩu từ Hồng Kông sang phần còn lại của thế giới, từ đó tránh được các hàng rào thương mại do các quốc gia thành viên áp đặt cho những thị trường nằm ngoài tổ chức.

Khi Trung Quốc trở thành một phần của tổ chức thương mại vào năm 2001, việc giao dịch buôn bán thông qua Hồng Kông mất đi tầm quan trọng. Theo một số ước tính, gần một nửa giao dịch Trung Quốc pahri đi qua Hồng Kông vào năm 1997, ngày nay con số đó chưa đến 12%.

Xét về quy mô nền kinh tế và sự giàu có, Hồng Kông cũng bị thu hẹp so với Trung Quốc, nước đã trải qua hơn ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế ở mức cao đáng kinh ngạc. Năm 1997, nền kinh tế Hồng Kông bằng 1/5 kích thước so với Trung Quốc, nhưng thu nhập bình quân đầu người của nước này cao gấp 35 lần. Vào năm 2018, kích thước nền kinh tế Hồng Kông chỉ còn bằng 1/30 so với Trung Quốc. Hồng Kông vẫn giàu hơn, nhưng khoảng cách ngày càng thu hẹp, cộng với việc thu nhập bình quân đầu người hiện chỉ cao hơn 5 lần so với Trung Quốc.

Trong giai đoạn ngay sau năm 1997, Trung Quốc muốn củng cố danh tiếng của Hồng Kông bởi đây là một nền kinh tế mở và định hướng thị trường được điều chỉnh bởi luật pháp. Đây là một phần sự hấp dẫn của Hồng Kông với vai trò là một trung tâm tài chính quốc tế lớn, một vị thế có lợi cho nền kinh tế đại lục.

Hồng Kông cũng được sử dụng để thực hiện những thử nghiệm có kiểm soát, nơi đồng tiền của Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ, được giao dịch như một loại tiền tệ quốc tế. Hồng Kông có được sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế và do đó đồng Nhân dân tệ có thể giao dịch tự do hơn so với ở Trung Quốc, nơi dòng vốn bị kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên, có vẻ như ngày nay sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Hồng Kông chỉ còn là quá khứ. Quy mô của thị trường tài chính Trung Quốc hiện nay khiến Hồng Kông trở nên nhỏ bé. Bốn ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã trở thành bốn ngân hàng lớn nhất thế giới về khối lượng tài sản. Vào năm 1997, thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ lớn bằng một nửa so với thị trường chứng khoán Hồng Kông. Ngày nay, vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc là gần 8.000 tỷ đô la, một trong số các thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới, và gần gấp đôi so với Hồng Kông.

Không phải thị trường Hồng Kông đã bị thu hẹp lại – trong năm ngoái tổng giá trị các vụ IPO tại Hồng Kông cao hơn tại bất kỳ nơi trên khắp thế giới. Thay vào đó, đơn giản là thị trường tài chính của Trung Quốc, giống như chính nền kinh tế của nó, đã mở rộng nhanh đến mức bỏ lại Hồng Kông ở phía sau.

Trung Quốc hiện đã có đủ sức mạnh để các nhà đầu tư trên khắp thế giới sẵn sàng bỏ qua những thiếu sót trong quản trị doanh nghiệp và công chúng. Đồng Nhân dân tệ đang từng bước trở thành một loại tiền tệ quốc tế quan trọng, và Hồng Kông chỉ là một trong nhiều trung tâm tài chính nơi giao dịch tiền tệ được ủy quyền. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn tham vọng thúc đẩy Thượng Hải trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, và điều này biến Hồng Kông trở thành đối thủ trực tiếp.

Nói tóm lại, Trung Quốc không còn cần Hồng Kông như trước đây nữa.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với những biến động chính trị mà Mỹ và các nền dân chủ lớn khác phải đối mặt, Trung Quốc đã nhìn nhận Hồng Kông dưới một góc độ hoàn toàn khác. Đó là tầm nhìn cho một vùng lãnh thổ có một số quyền tự do kinh tế nhưng hạn chế tự do chính trị và xã hội sẽ phù hợp với các giá trị truyền thống của Bắc Kinh hơn so với những mô hình đang dần bộc lộ những yếu điểm của phương Tây. 

Mỹ Linh

New York Times

Trở lên trên