Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu qua đường ống Ukraine
Lý do được phía Nga đưa ra là Ukraine đang cố tình giữ lại một phần khí đốt đúng ra phải chuyển đến Moldova qua trạm Sudzha.
- 21-11-2022Khủng hoảng năng lượng "giáng đòn" mạnh vào nền kinh tế lớn nhất châu Âu: Đức cảnh báo tình trạng xấu
- 21-11-2022Quốc gia châu Âu muốn cấm cửa "xe biển tỉnh" vào thủ đô nhưng bị phản đối kịch liệt
- 20-11-2022Hé lộ quốc gia châu Âu sẽ thiệt hại nhất từ khủng hoảng năng lượng
- 17-11-2022Châu Âu tìm được nguồn năng lượng mới hứa hẹn thay thế cho Nga?
RT dẫn thông báo của Tập đoàn khí đốt nhà nước Nga Gazprom ngày 22/11 cho biết, Ukraine đã cố tình giữ lại một phần khí đốt cho Moldova thông qua trạm trung chuyển Sudzha, do đó Gazprom sẽ cắt giảm lưu lượng qua đường ống này. Đây là đường ống dẫn khí đốt duy nhất từ Nga sang châu Âu còn hoạt động.
“Khối lượng khí đốt do Gazprom cung cấp cho trạm bơm GIS Sudzha để chuyển đến Moldova qua lãnh thổ Ukraine đang cao hơn khối lượng khí đốt được vận chuyển ở biên giới giữa Ukraine và Moldova” , Gazprom cho biết thêm.
Theo Gazprom, Moldova đã thanh toán hợp đồng mua khí đốt của Nga trong tháng 11, nhưng Ukraine đã giữ lại 52,52 triệu m3 khí đốt dành cho Moldova trên lãnh thổ nước này.
Nga sẽ cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu nếu Ukraine tiếp tục vi phạm hợp đồng trung chuyển. (Ảnh: RT)
Gazprom cảnh báo nếu tình trạng trên vẫn tiếp diễn trong những ngày tới, công ty này sẽ bắt đầu cắt giảm lưu lượng khí đốt thông qua trạm Sudzha GMS từ 10h sáng ngày 28/11.
Về phần mình, Ukraine đã cáo buộc Gazprom bóp méo sự thật. Nhà điều hành hệ thống dẫn khí đốt của Ukraine tuyên bố toàn bộ lượng khí đốt được Ukraine tiếp nhận ở biên giới nước này với Nga đã được chuyển tới Moldova.
Sudzha hiện là trạm duy nhất trung chuyển khí đốt của Nga đến các nước châu Âu qua lãnh thổ Ukraine sau khi các tuyến đường ống dẫn khí Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) chạy bên dưới biển Baltic bị phá hoại trong các vụ nổ vào tháng 9/2022.
Moldova là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, thời gian gần đây đang phải hứng chịu tình trạng mất điện nghiêm trọng, đã kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế khi chi phí năng lượng tăng cao và lạm phát tăng vọt gây áp lực lớn cho người tiêu dùng.
Châu Âu đã đang chạy đua với thời gian để bổ sung nguồn dự trữ khí đốt trước mùa đông năm nay trong bối cảnh Nga cắt giảm đáng kể nguồn cung khí đốt cho khu vực.
VTCnews