Nga chính thức khởi động sứ mệnh 'kỳ công nhất từ trước tới nay' khôi phục vị trí dẫn đầu: Giới khoa học đếm ngược tới giờ G
“Đây là một trong những sứ mệnh được Nga chuẩn bị lâu nhất từ trước đến nay. Nếu thành công thì niềm tin vào lĩnh vực mà Nga từng dẫn đầu thế giới sẽ được khôi phục” - Chuyên gia Harvey nhận định.
- 06-08-2023Kinh tế Nga lọt top 'lớn nhất châu Âu, thứ 5 thế giới': Báo Nga phản ứng lạ, các chuyên gia lên tiếng
- 06-08-2023Bloomberg: Mọi nỗ lực cản phá 'vàng lỏng' Nga đang thất bại, Moscow sắp tung quân bài cực mạnh giữ vị thế
- 05-08-2023Nga trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu
Sứ mệnh thám hiểm trọng đại
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức địa phương ngày 7/8 cho biết, 4 ngày nữa (tức vào ngày 11/8), Nga sẽ tiến hành sơ tán một ngôi làng ở Viễn Đông để khởi động cho sứ mệnh đổ bộ lên Mặt trăng sau gần nửa thế kỷ tiến hành cuộc thám hiểm đầu tiên năm 1976.
Theo cơ quan vũ trụ Roscosmos, tàu thám hiểm Mặt trăng Luna-25 của Nga sẽ được phóng đi từ sân bay vũ trụ Vostochny, cách Moscow khoảng 5.550km về phía đông.
Các cư dân ở khu định cư Shakhtinskyi, vùng Khabarovsk (Viễn Đông, Nga) ở phía đông nam bãi phóng sẽ được sơ tán vào sáng sớm ngày 11/8, do ngôi làng nằm trong khu vực được dự đoán tên lửa đẩy sẽ rơi xuống sau khi tách khỏi tàu thám hiểm.
“Cửa sông Umalta, Ussamakh, Lepikan, Tastakh, Saganar và khu vực bến phà qua sông Bureya nằm trong vùng dự đoán tên lửa đẩy rơi xuống” – Ông Alexei Maslov, người đứng đầu quận Verkhnebureinskyi ở vùng Khabarovsk, thông báo qua Telegram – “Các cư dân của Shakhtinskyi sẽ được sơ tán”.
Roscosmos cho biết, Luna-25 sẽ được phóng đi nhờ tên lửa đẩy Soyuz-2 Fregat và sẽ là tàu thám hiểm đầu tiên đến Cực Nam của Mặt trăng.
Mục tiêu chính của nhiệm vụ thám hiểm lần này là phát triển các công nghệ hạ cánh mềm, nghiên cứu cấu trúc bên trong Mặt trăng và thăm dò các nguồn tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước. Tàu Luna-25 dự kiến sẽ hoạt động trên bề mặt mặt trăng trong 1 năm.
Trước đó, tàu Luna-24 thăm dò mặt trăng đã được Liên Xô phóng lên Mặt trăng vào năm 1976, trở thành sự kiện đi vào lịch sử khám phá vũ trụ thế giới ở thời điểm đó.
Chuẩn bị kỳ công nhất từ trước đến nay
Bình luận về sứ mệnh của tàu Luna-25, Space REF cho rằng đây là sứ mệnh mạo hiểm. Luna-25 sẽ tiếp tục chuỗi hoạt động thám hiểm Mặt trăng của Liên Xô năm 1976. Khi ấy, tàu Luna-24 đã trở lại Trái Đất, mang theo 170 gram đất và thu thập nhiều mẫu vật quý từ Mare Crisium (một biển của Mặt trăng nằm ở lưu vực Crisium, ngay phía đông bắc của Mare Tranquillitatis).
Tuy nhiên, Nga đã không quay trở lại Mặt trăng sau gần 50 năm kể từ đó.
Sau sứ mệnh của Luna-25, Nga dự kiến sẽ phóng tàu thăm dò Luna-26 và Luna-27 lần lượt trong năm 2024 và 2025. Tiếp đó, trong giai đoạn 2027-2028, tàu Luna-28 của Nga dự kiến sẽ thực hiện nhiệm vụ thu thập mẫu đất và xây dựng kế hoạch hạ cánh cho các phi hành gia Nga.
Theo Space REF, hiện Nga còn có dự định hợp tác với Trung Quốc triển khai một trạm khoa học chính thức trên Mặt trăng.
“Lần phóng này rất quan trọng, vì cả những lý do lịch sử và tương lai” - Brian Harvey, nhà sử học vũ trụ nổi tiếng chuyên nghiên cứu các hoạt động khai thác không gian của Liên Xô và Nga, nói với Space REF.
“Đây là một trong những sứ mệnh được Nga chuẩn bị kỳ công nhất từ trước đến nay. Ý tưởng ban đầu về sứ mệnh quay trở lại Mặt trăng thậm chí đã nhen nhóm từ năm 1992 nhưng trải qua nhiều lần chìm nổi từ đó. Vì vậy, phóng Luna-25 sẽ là bài kiểm tra khả năng của Nga trong việc thực hiện các sứ mệnh Mặt trăng một lần nữa. Nếu thành công thì niềm tin vào lĩnh vực mà Nga từng dẫn đầu thế giới sẽ được khôi phục” - Ông Harvey nói.
Cũng theo vị chuyên gia, nhiệm vụ lần này có rủi ro cao nhưng quá trình thử nghiệm Luna-25 đã được tiến hành hết sức kỹ lưỡng. Các kỹ sư có thể đảm bảo rằng mọi thứ đã được tối ưu hóa để có kết quả thành công.
“Hồ sơ phóng cho thấy Nga là một trong những cường quốc không gian đáng tin cậy nhất những năm gần đây” – Ông Harvey cho hay.
Thành công của Luna-25 sẽ là “sự thúc đẩy lớn về niềm tin” và “bật đèn xanh” cho Luna-26, Luna-27, cũng như củng cố vai trò rõ ràng hơn của Nga trong việc thiết lập Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế.
Tổ quốc