MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nga giảm nguồn cung khiến Mỹ phải xả nhanh 180 triệu thùng dầu: Kết quả ra sao?

13-04-2022 - 10:30 AM | Tài chính quốc tế

Với cuộc bầu cử giữa kỳ đang đến gần, Tổng thống Biden đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc hạ giá năng lượng.

Tình hình xung đột và các lệnh trừng phạt đối với Nga gần đây đã khiến giá năng lượng vốn đã cao lại chạm mức cao nhất trong 14 năm qua. Và người dân của nền kinh tế số 1 thế giới Mỹ đang phải chịu tác động nặng nề.

Hiệu quả không đáng kể

Theo Aljazeera, khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần, Tổng thống Biden lại càng chịu áp lực ngày càng tăng trong việc hạ giá năng lượng khi giá xăng dầu và lạm phát là những mối quan tâm hàng đầu của cử tri.

Và ông đang cố gắng làm điều đó bằng cách tăng nguồn cung khi không có nhiều công cụ để có thể kiểm soát được giá năng lượng: xả kho dầu khẩn cấp lớn nhất từ trước đến nay - 180 triệu thùng trong vòng 6 tháng - từ kho dự trữ Dầu mỏ Chiến lược.

Nhưng một câu hỏi đặt ra là liệu quyết định của ông chủ Nhà Trắng có cứu được giá dầu đang tăng mạnh trên khắp thế giới hay không.

Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi.

Chính Tổng thống Biden cũng nói không biết chính xác giá xăng có thể hạ nhiệt bao nhiêu nhờ động thái của ông, nhưng dự tính sẽ giảm 10-35 cent mỗi gallon (gần 3,8 lít).

Giá xăng trung bình ở Mỹ trước khi ông Biden ra lệnh xả kho dầu là 4,23 USD/gallon, trong khi mức giá năm ngoái là 2,87 USD, theo Hiệp hội Ôto Mỹ (AAA).

Nga giảm nguồn cung khiến Mỹ phải xả nhanh 180 triệu thùng dầu: Kết quả ra sao? - Ảnh 1.

Giá năng lượng tăng vọt đè nặng lên vai người dân Mỹ. Ảnh: AP

Thượng nghị sĩ Joe Manchin, thành viên Dân chủ ở bang Virginia, hoan nghênh quyết định xả kho dầu của Tổng thống Biden, nói rằng nó sẽ cung cấp "cứu trợ rất cần thiết, đồng thời cho phép tăng cường sản xuất xăng dầu trong nước để bù đắp nguồn cung từ Nga".

Tuy nhiên, nhiều quan chức và chuyên gia Mỹ lại không mấy lạc quan. Họ cho rằng, động thái của ông Biden không tạo ra tác động đủ lớn và lâu dài để có thể xoay chuyển cục diện.

Chuyên gia Stewart Glickman của CFRA Research, cho biết việc xuất kho dầu dự trữ chiến lược chỉ giúp giảm giá xăng trong ngắn hạn và nó giống như "uống thuốc giảm đau". Khi Mỹ ngừng xả kho dầu sau 180 ngày, những vấn đề căn bản khiến giá xăng tăng sẽ lại lộ ra.

Và thực tế là Mỹ và các đồng minh phương Tây đã cấm hoặc hạn chế dầu Nga và họ đã mất đi nguồn cung dầu đáng kể, khiến giá xăng dầu vẫn duy trì ở mức cao.

Bob McNally, cựu cố vấn năng lượng trong chính quyền George W. Bush nói rằng, lệnh xả kho dầu của ông Biden "không đủ lớn để bù đắp những tổn thất từ xuất khẩu của Nga nếu xung đột và áp lực trừng phạt vẫn tiếp tục".

Theo các chuyên gia, 1 triệu thùng dầu rút từ kho dự trữ mỗi ngày chỉ đáp ứng khoảng 1% tiêu thụ xăng dầu trên toàn thế giới và khoảng 5% lượng tiêu thụ của người Mỹ, vốn dùng tới 20 triệu thùng dầu mỗi ngày.

"Ngay cả khi tất cả 180 triệu thùng dầu rút ra từ kho dự trữ đều dành cho người Mỹ, chúng chỉ đủ cho 9 ngày tiêu thụ", Carol Roth, cựu giám đốc một ngân hàng đầu tư nhận định.

Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì xả kho dự trữ, Tổng thống Biden nên khuyến khích sản xuất dầu trong nước bằng cách giảm các quy định trong cấp phép và khai thác cho các công ty năng lượng Mỹ.

"Chính quyền Tổng thống Biden đang tiếp tục rút cạn kho dầu và nó sẽ trở nên cạn kiệt khi chúng ta thực sự cần", chuyên gia phân tích Phil Flynn của Tập đoàn PRICE Futures, lo ngại.

Trở ngại

Theo Aljazeera, động thái của ông Biden cũng có thể khiến Arab Saudi và các nhà sản xuất dầu mỏ khác không còn động lực bơm thêm dầu để hạ giá thị trường.

Mặc dù có vẻ như Mỹ đang tung ra rất nhiều dầu vào thị trường nhưng thực tế giá không giảm nhiều như mong đợi.

Phòng Thương mại Mỹ cho biết họ đồng ý rằng sản xuất dầu và khí đốt của Mỹ là điều cần thiết để giảm giá nhiên liệu nhưng cho rằng Tổng thống Biden chưa tính hết những trở ngại trong việc tăng cường sản xuất.

Để thúc đẩy sản xuất trong nước, Tổng thống Biden kêu gọi Quốc hội buộc các công ty phải trả phí cho các giếng khoan mà họ không sử dụng trong nhiều năm. Các công ty đang sản xuất sẽ không phải chịu phí.

Marty Durbin, Chủ tịch Viện Năng lượng Toàn cầu của phòng, cho biết một trong những vấn đề đối với việc tăng sản lượng là chính phủ Mỹ đã miễn cưỡng xử lý giấy phép thăm dò năng lượng.

"Các công ty năng lượng của Mỹ đã trả những khoản tiền đáng kể cho các hợp đồng thuê và có mọi động lực để sản xuất năng lượng ở những nơi họ có thể", ông Durbin nói. "Tuy nhiên, phải mất nhiều năm và nhiều nỗ lực hơn nữa mới có thể khai thác và thậm chí sau đó, không phải mọi giếng khoan theo hợp đồng thuê liên bang cuối cùng đều có thể khai thác...".

https://soha.vn/nga-giam-nguon-cung-khien-my-phai-xa-nhanh-180-trieu-thung-dau-ket-qua-nhu-the-nao-20220410144455106.htm

Theo Nam Anh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên