Nga "khóa van" khí đốt sang Phần Lan - Thủ tướng Hungary: Trừng phạt Nga như bom hạt nhân
Trước khi thông tin Nga "khóa van" khí đốt sang Phần Lan được xác nhận, người phát ngôn Điện Kremlin đã nhấn mạnh rằng Nga sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí cho bất cứ ai.
- 22-05-2022Đế chế Facebook liệu có đang thực sự thoái trào?
- 21-05-2022Lạm phát kỷ lục nhưng Mỹ sắp soán ngôi Trung Quốc về tăng trưởng
- 21-05-2022Hàng nghìn quỹ 'bị ép' phải cắt lỗ, TTCK Trung Quốc đứng trước rủi ro giảm ngày càng sâu
Nga "khóa van" khí đốt sang Phần Lan
Theo Times of Israel, Nga đã chính thức "khóa van" khí đốt sang Phần Lan trong ngày thứ 7 (21/5). Thông tin đã được cả phía Nga (tập đoàn năng lượng Gazprom) và phía Phần Lan (công ty năng lượng nhà nước Gasum) xác nhận.
Động thái trên diễn ra sau khi Phần Lan từ chối thanh toán cho Gazprom bằng đồng rúp theo quy định mới của Nga dành cho những quốc gia mà họ coi là "không thân thiện". Phần Lan gần đây cũng khiến Nga tức giận khi nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO.
Trong tuyên bố được phát đi hôm 21/5, Gazprom cho biết họ đã "ngừng hoàn toàn việc giao khí đốt" cho Phần Lan do họ chưa nhận được khoản thanh toán bằng đồng rúp từ công ty năng lượng nhà nước Gasum vào cuối ngày 20/5.
Gazprom cho hay họ đã cung cấp 1,49 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên cho Phần Lan trong năm 2021, chiếm khoảng 2/3 lượng khí đốt tiêu thụ của cả quốc gia này.
Tuy nhiên, khí đốt tự nhiên chỉ chiếm khoảng 8% năng lượng của Phần Lan.
Gasum cho biết họ sẽ bù đắp sự thiếu hụt từ các nguồn khác thông qua đường ống Balticconnector kết nối Phần Lan với Estonia, và đảm bảo rằng các trạm nạp khí đốt hoạt động bình thường.
Trong một nỗ lực giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga, chính phủ Phần Lan hôm 20/5 cho biết họ đã ký hợp đồng thuê một tàu nổi chứa khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong 10 năm với công ty Excelerate Energy có trụ sở tại Mỹ.
Công ty năng lượng nhà nước Phần Lan Gasum hôm 20/5 đã thông báo về việc Nga sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho nước này kể từ ngày 21/5. Ảnh: AFP
Phần Lan, cùng với nước láng giềng Thụy Điển, trong tuần này đã có quyết định lịch sử khi nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự NATO.
Phía Moskva đã cảnh báo Phần Lan rằng bất kỳ động thái xin gia nhập NATO nào sẽ là "một sai lầm nghiêm trọng với hậu quả sâu rộng".
Cả Phần Lan và Thụy Điển dường như đang được ưu ái đẩy nhanh quy trình gia nhập NATO, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định ông "hoàn toàn ủng hộ" hành động của hai quốc gia châu Âu này.
Tuy nhiên, để Phần Lan và Thụy Điển chính thức nhận được tư cách thành viên, tất cả 30 thành viên NATO ở thời điểm hiện tại đều phải đồng ý. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án 2 nước láng giềng Bắc Âu "dung túng cho các chiến binh người Kurd", và cho đến nay, Ankara vẫn tiếp tục phản đối đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Moskva sẽ đáp trả bất kỳ động thải mở rộng nào của NATO bằng cách tạo thêm các căn cứ quân sự ở miền Tây nước Nga - khu vực sát vách NATO.
Điện Kremlin: Nga sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí
Đài RT (Nga) đưa tin, trước khi thông tin Phần Lan bị Nga "khóa van" chính thức được xác nhận, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhấn mạnh rằng Nga sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí cho các quốc gia từ chối chuyển sang phương thức thanh toán mới bằng đồng rúp.
"Rõ ràng là không ai cung cấp miễn phí bất cứ thứ gì cho bất cứ ai", ông Peskov nói.
Để chuẩn bị cho một tương lai không còn khí đốt Nga, Phần Lan đã thuê dài hạn một tàu nổi chứa LNG của một công ty có trụ sở tại Mỹ. Tổng chi phí ước tính là 460 triệu euro (487 triệu USD), ngoài ra còn có thêm những chi phí khác.
Con tàu có khối lượng tương ứng với khoảng 68.000 tấn LNG khi đầy, hoặc khoảng 1.050 GWh và nó sẽ được nạp LNG khoảng 2-3 lần trong một tháng.
Giám đốc điều hành của Công ty Excelerate, ông Steven Kobos dự kiến tàu cảng này "có thể dễ dàng lưu trữ lượng khí đốt tiêu thụ kết hợp của cả Phần Lan và Estonia và thậm chí có thể dư nhiều" với công suất tái khí hóa hơn 5 tỷ m3 mỗi năm.
Ảnh minh họa
Đức, Italy đồng ý mua khí đốt Nga bằng đồng rúp
Theo hãng tin Reuters, hai quốc gia châu Âu này đã cho phép các công ty nhà nước mở tài khoản thanh toán bằng đồng rúp tại ngân hàng Gazprombank của Nga để tuân thủ kế hoạch thanh toán khí đốt tự nhiên mới và tránh bị Nga cắt nguồn cung.
Động thái này diễn ra sau khi Ba Lan, Bulgaria và gần đây nhất là Phần Lan từ chối chấp nhận cơ chế thanh toán mới của Nga, khiến dòng khí đốt từ Nga tới các quốc gia này bị ngừng lại.
Chính sách thanh toán mới của Nga yêu cầu các khách hàng từ các quốc gia "không thân thiện" đã trừng phạt Nga buộc phải mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank của Nga. Sau đó, họ có thể gửi tiền bằng đơn vị tiền tệ mà họ lựa chọn, rồi được Gazprombank chuyển đổi thành đồng rúp và cuối cùng khoản tiền rúp này được chuyển tới Gazprom.
Các nhà nhập khẩu khí đốt của Đức đã được Berlin thông báo rằng họ có thể mở tài khoản ở Gazprombank để thanh toán cho khí đốt của Nga, miễn là các khoản thanh toán mà họ thực hiện cho Gazprombank không phải trực tiếp bằng đồng rúp.
Tương tự, Italy cũng đã được tham vấn tại Ủy ban châu Âu về điều này. Thủ tướng Ý Mario Draghi tuần trước gọi tình hình thanh toán khí đốt cho Nga bằng đồng rúp là "vùng xám" hợp pháp vì không có phán quyết chính thức nào về vấn đề này trong EU.
Doanh thu từ khí đốt của Nga dự kiến đạt mức cao mới
Báo Les Echos của Pháp dẫn lời các nhà phân tích của Citibank cho biết, Nga có thể đạt doanh thu kỷ lục 100 tỷ USD từ việc bán khí đốt cho các quốc gia châu Âu trong năm 2022 do giá năng lượng tăng mạnh.
Cụ thể, tờ báo Pháp phân tích rằng thu nhập từ việc bán khí đốt dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Phân tích này không tính đến lợi nhuận từ việc bán các mặt hàng khác của Nga, chẳng hạn như dầu mỏ, than đá và các loại khoáng sản khác.
Theo Les Echos, bất chấp các lệnh trừng phạt và lời cảnh báo về lệnh cấm vận sâu rộng đối với năng lượng của Nga, 27 quốc gia EU vẫn tiếp tục gửi khoảng 200 triệu USD mỗi ngày cho Gazprom.
Tương lai xuất khẩu năng lượng của Nga có thể bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt, tuy nhiên Nga đã công bố các biện pháp đáp trả - bao gồm cơ chế thanh toán mới bằng đồng rúp đối với các quốc gia "không thân thiện" với Moskva.
Nga đã ngừng xuất khẩu khí đốt sang Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan do họ từ chối tuân thủ các điều khoản thanh toán mới.
Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, khoảng 1/2 trong số 54 khách hàng mua khí đốt của Nga đã tuân thủ cơ chế thanh toán bằng đồng rúp.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban
Thủ tướng Hungary: Trừng phạt Nga như bom hạt nhân
Theo RT, trong cuộc gặp với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế ở Novi Sad hôm 21/5, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã thể hiện rõ lập trường rằng Budapest không đồng ý với các quyết định được đưa ra ở Brussels liên quan đến các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, do các biện pháp trừng phạt có thể gây thiệt hại cho Hungary, dẫn đến việc tăng giá và phá hoại nền kinh tế của nước này.
Thủ tướng Hungary đã so sánh "việc đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga" giống như "một quả bom nguyên tử", có nguy cơ dẫn đến tình trạng Hungary không thể "nuôi sống người dân của chúng tôi." Trên hết, ông Orban cho biết những diễn biến gần đây cũng có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng di cư mới.
Nhà lãnh đạo Hungary đã cảnh báo về một "mùa đông khó khăn" ở trước mắt do lạm phát phi mã, giá cả tăng cao, nạn đói đang bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới, và cuộc khủng hoảng ở Đông Âu./.
Tổ Quốc