Ngã ngửa khi tiền bảo hiểm nhân thọ "bốc hơi"
Phản ánh đến Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Dũng (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết ông mua gói bảo hiểm nhân thọ 200 triệu đồng của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (gọi tắt là Dai-ichi Việt Nam) với thời hạn 10 năm. Bắt đầu tham gia từ tháng 1-2015, sau 9 năm, ông Dũng đã đóng tổng cộng 174,705 triệu đồng.
- 24-05-2024Nữ kế toán Bảo hiểm xã hội tham ô hơn 68 tỷ đồng
- 22-05-2024TS. Lê Xuân Nghĩa: "Một nhân viên ngân hàng tráo trở biến tiền gửi tiết kiệm thành bảo hiểm thì nhân viên và ngân hàng đó phải trả giá rất đắt"
- 21-05-2024Hanwha Life chi trả hơn 1.250 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng
Ngày 2-1-2024, ông Dũng yêu cầu Dai-ichi Việt Nam chấm dứt hợp đồng. Sau đó 1 ngày, công ty chuyển khoản tất toán cuối hợp đồng cho ông với số tiền 100,666 triệu đồng, hụt 74 triệu đồng so với tổng số tiền ông đã đóng. "Nhân viên bán bảo hiểm đeo bám tôi cả năm trời, quảng cáo rằng tham gia bảo hiểm thì muốn rút tiền lúc nào cũng được mà không tư vấn về rủi ro, cũng không cho tôi đọc kỹ hợp đồng" - ông Dũng kể.
Tương tự, bà Phạm Thị Thu Thảo (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) cũng cho biết do kết thúc hợp đồng trước 15 năm nên bà chỉ được Dai-ichi Việt Nam tất toán số tiền 168,222 triệu đồng, thiệt hại hơn 150 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Lưu Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Thương hiệu và Marketing Dai-ichi Việt Nam, cho biết ông Trần Văn Dũng tham gia gói sản phẩm chính là An Tâm Hưng Thịnh cùng 2 sản phẩm phụ là bảo hiểm bệnh hiểm nghèo trả trước và bảo hiểm tai nạn toàn diện nâng cao. Trong thư phúc đáp ông Dũng, công ty đã giải thích rõ từ năm thứ 1 đến 5, nếu khách hàng chấm dứt hợp đồng, tỉ lệ chi phí bị khấu trừ là 100%, tức mất toàn bộ số tiền đã đóng. Chấm dứt hợp đồng vào năm thứ 6, 7, 8 và 9, chi phí khấu trừ lần lượt là 80%, 60%, 40% và 20%.
Theo Dai-ichi Việt Nam, ông Dũng đã đóng tổng phí bảo hiểm 174,705 triệu đồng, trong đó có 145,415 triệu đồng được phân bổ vào giá trị hợp đồng. Tổng tiền lãi đầu tư là 15,867 triệu đồng, tổng khoản khấu trừ hằng tháng là 56,743 triệu đồng. Như vậy, giá trị tài khoản hợp đồng còn lại của ông Dũng là 104,539 triệu đồng. Ngoài ra, ông Dũng còn bị trừ chi phí chấm dứt hợp đồng là 3,873 triệu đồng nên số tiền còn lại được nhận là 100,666 triệu đồng.
"Công ty đã chuyển trả khách số tiền thực nhận phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện của gói An Tâm Hưng Thịnh đã được Bộ Tài chính phê duyệt" - Dai-ichi Việt Nam khẳng định.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, doanh nghiệp (DN) bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong một số trường hợp, đơn cử trường hợp người mua bảo hiểm không tiếp tục đóng phí. Khi đó, DN bảo hiểm có quyền khấu trừ phí bảo hiểm đến thời điểm người mua bảo hiểm đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Về phía Dai-ichi Việt Nam, luật sư Hậu cho rằng số tiền ông Dũng nhận lại chỉ 100,666 triệu đồng là do trừ đi khoản khấu trừ hằng tháng và chi phí chấm dứt hợp đồng. Việc khấu trừ những khoản này là có cơ sở nếu như trong hợp đồng có điều khoản thỏa thuận rõ. Do đó, ông Dũng cần rà soát lại hợp đồng bảo hiểm đã ký, nhất là những nội dung quan trọng như chi phí khấu trừ khi chấm dứt hợp đồng trước hạn, tỉ lệ phân bổ phí bảo hiểm vào giá trị hợp đồng, các khoản khấu trừ hằng tháng...
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, để ngăn ngừa đại lý bảo hiểm tư vấn không đầy đủ, tư vấn sai cho khách hàng, quy định mới đã bắt buộc đại lý khi tư vấn phải ghi âm, ghi hình đầy đủ nội dung. Các công ty bảo hiểm cũng sẽ liên hệ trực tiếp với khách hàng để xác minh nội dung tư vấn.
Người lao động