Nga nối lại đường ống dẫn khí đốt khổng lồ tới châu Âu
Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch dự phòng trong trường hợp Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt.
- 20-07-2022Thương tổn chiến tranh kinh tế: Châu Âu "khóc" trước, Nga cũng thiệt hại
- 19-07-2022Phần Lan đối mặt nguy cơ mất điện do Nga cắt nguồn cung
- 19-07-2022Tỷ phú Nga Roman Abramovich yêu cầu EU bồi thường thiệt hại
Nga hôm 21-7 nối lại nguồn cung cấp khí đốt thông qua đường ống Nord Stream 1 chạy qua Ukraine tới châu Âu.
Đài CNBC dẫn lời nhà điều hành Nord Stream 1 (chạy từ Nga tới Đức) xác nhận họ đang trong quá trình nối lại nguồn cung nói trên.
Người phát ngôn của nhà điều hành Nord Stream 1 cho biết: "Có thể mất vài giờ để đạt được lưu lượng vận chuyển như kế hoạch".
Dữ liệu trên trang web công ty này cho thấy lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 tăng từ 0 lên 29.284.591 kWh/h hôm 21-7. Vào ngày 10-7, ngày hoạt động cuối cùng của Nord Stream 1 trước khi được bảo trì, lưu lượng đạt mức 29.000.000 kWh/h.
Nga nối lại nguồn cung cấp khí đốt thông qua đường ống Nord Stream 1 chạy qua Ukraine tới châu Âu. Ảnh: Reuters
Đài CNBC bình luận đây có thể là một tín hiệu đáng mừng đối với các quan chức châu Âu khi họ dự kiến tìm nguồn thay thế khí đốt của Nga.
Trước đó, đã có những lo ngại rằng Nga sẽ cắt hoàn hoàn nguồn cung thông qua Nord Stream 1 sau khi tiến trình bảo trì hoàn tất.
Đức và Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga trong nhiều năm. Họ tìm cách hạn chế sự phụ thuộc này sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24-2. Kể từ tháng 3 năm nay, EU đã đàm phán các thỏa thuận khí đốt mới với Mỹ và Azerbaijan, đồng thời tiến hành thương thảo với Israel và Qatar.
Phát biểu hôm 20-7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cáo buộc Nga đang "tống tiền châu Âu và sử dụng năng lượng làm vũ khí". Tuy nhiên, Moscow nhiều lần phủ nhận việc "vũ khí hóa nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch".
Điện Kremlin chưa đưa ra bình luận về thông tin nối lại đường ống Nord Stream 1.
Theo CNBC, EU vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch dự phòng trong trường hợp Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt. 27 quốc gia thành viên EU được yêu cầu giảm 15% mức tiêu thụ khí cho đến tháng 3-2023 nhằm tiết kiệm năng lượng.
Người Lao động