Nga phản ứng tuyên bố hùng hồn của ông Donald Trump về xung đột Ukraine
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga chưa từng thảo luận với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc giải quyết xung đột tại Ukraine.
- 16-01-2024Ông Donald Trump nắm chắc chiến thắng đầu tay trong cuộc đua "giành vé" để trở lại Nhà Trắng
- 12-12-2023Tòa án Tối cao Mỹ nhận yêu cầu “đặc biệt” về ông Donald Trump
- 02-12-2023Ông Donald Trump gặp rắc rối mới
Khi được yêu cầu bình luận về các tuyên bố tranh cử của ông Donald Trump rằng ông sẽ chấm dứt xung đột Nga - Ukraine khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, người phát ngôn Điện Kremlin lưu ý Moscow "không biết làm cách nào để đạt được điều này".
Ông Peskov khẳng định hôm 22-1 rằng "không có liên lạc nào (với ông Trump) về vấn đề này".
Trong những tháng gần đây, cựu Tổng thống cựu Mỹ nhiều lần tuyên bố ông sẽ tìm cách chấm dứt xung đột Nga - Ukraine chỉ trong vòng 24 giờ nếu quay lại Nhà Trắng.
Ông Trump cũng quả quyết có thể nhanh chóng kết thúc cuộc khủng hoảng ở Ukraine bằng cách tổ chức hội đàm với cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Nga Vladimir Putin để tìm hiểu điểm mạnh và điểm yếu của hai nhà lãnh đạo.
Cựu tổng thống Mỹ cũng không loại trừ khả năng Ukraine có thể phải từ bỏ một phần lãnh thổ cho Nga để đạt được thỏa thuận hòa bình.
Theo đài RT, hồi tuần trước, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng nhắc tới những tuyên bố của ông Trump, nhận định lời hứa của cựu tổng thống Mỹ nghe có vẻ "hơi đáng sợ".
Ông Zelensky chỉ ra cựu tổng thống Mỹ không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về sáng kiến cá nhân, bày tỏ sự lo ngại sáng kiến đó có khả năng bỏ qua lợi ích của Ukraine. Ông Zelensky nói rõ Ukraine sẽ không bao giờ chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga.
Trong diễn biến khác, người đứng đầu cơ quan chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết EU và các thành viên dồn lực hỗ trợ Ukraine ứng phó với Nga.
Cụ thể, tờ El Pais của Tây Ban Nha dẫn lời ông Borrell tiết lộ các nước thành viên EU đã cung cấp cho Kiev đạn dược, vũ khí trị giá 30 tỉ euro và huấn luyện gần 40.000 binh sĩ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Theo ông Josep Borrell, xung đột Nga - Ukraine giúp tăng cường "sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương".
Tuy nhiên, ông thừa nhận: "Chúng tôi thường phản ứng quá chậm trong việc cung cấp vũ khí cần thiết cho Ukraine và chỉ hành động khi Nga có dấu hiệu tiến lên phía trước".
Ông Josep Borrell nhấn mạnh: "Để hướng tới tương lai, EU cần thay đổi mô hình, cần chuyển từ hỗ trợ Ukraine "miễn là cần thiết" sang cam kết "bất cứ điều gì cần thiết" để đạt được thắng lợi".
Người Lao động