Nga sẽ công bố các biện pháp kiểm soát để ngăn vốn ngoại rời khỏi đất nước
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết Nga sẽ có các biện pháp kiểm soát vốn nhằm ngăn các doanh nghiệp nước ngoài rút tiền khỏi nước này.
- 01-03-2022MSCI có thể loại Nga khỏi rổ thị trường mới nổi
- 01-03-2022Lý do Mỹ chưa trừng phạt nhằm vào “vũ khí” năng lượng của Nga
- 01-03-2022Xung đột Nga-Ukraina có thể khiến FED tăng lãi suất nhanh hơn
- 01-03-2022Phương Tây đồng loạt nhắm vào "đầu não kinh tế", khiến Nga có tiền mà không thể tiêu
- 01-03-2022Căng thẳng Nga - Ukraine vẽ lại bản đồ hàng không toàn cầu
Theo hãng thông tấn nhà nước TASS và RIA, Thủ tướng Mishustin cho biết các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài đưa ra quyết định không phải vì lý do kinh tế mà vì "áp lực chính trị".
"Để cho phép các doanh nghiệp đưa ra quyết định suốt, một dự thảo sắc lệnh của Tổng thống đã được chuẩn bị để đưa ra các hạn chế tạm thời đối với việc xuất ngoại tài sản của Nga. Chúng tôi hy vọng rằng những người đã đầu tư vào Nga có thể tiếp tục làm việc ở đây", Thủ tướng Mishustin nói.
Người đứng đầu Chính phủ Nga cũng nói rằng áp lực trừng phạt cuối cùng sẽ biến mất và những người không cắt giảm các dự án của họ ở Nga, không khuất phục trước áp lực chính trị, sẽ giành chiến thắng.
Nga cũng sẽ họp hàng ngày để tìm cách giải quyết những tác động của lệnh trừng phạt. "Điều quan trọng là phải theo dõi tình hình hiện tại trong thời gian thực và kịp thời đưa ra tất cả các biện pháp cần thiết", ông Mishustin nói.
Hôm 28/2, đồng rúp của Nga đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất hơn gấp đôi lên 20% từ 9,5%. Thị trường chứng khoán Nga tiếp tục đóng cửa trong ngày 28/2 và 1/3.
Trong khi đó, chi nhánh các ngân hàng Nga ở châu Âu đang đứng trước bờ vực sụp đổ khi những người gửi tiết kiệm đổ xô đi rút tiền. Các nhà kinh tế cảnh báo kinh tế Nga có thể suy giảm 5%.
Ở một diễn biến khác, Mỹ và các đồng minh đã ngắm trực tiếp vào Ngân hàng Trung ương Nga nhằm khiến họ không thể sử dụng lượng dự trữ ngoại hối bằng đồng USD để giảm thiểu các tác động của những lệnh trừng phạt. Trước đó, nhiều ngân hàng của Nga đã bị cấm truy cập vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Trong tuyên bố mới nhất, cựu Tổng thống Nga Dimitry Medvedev, người đang đảm trách cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, cảnh báo rằng các cuộc chiến kinh tế thường trở thành những cuộc chiến thực sự.
Ông Medvedev đã phản đối tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, người trước đó nói rằng Pháp đang tiến hành một cuộc chiến kinh tế chống Nga sau chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này trên đất Ukraine.
"Hãy coi chừng miệng lưỡi của các quý ngài. Đừng quên rằng trong lịch sử loài người, các cuộc chiến kinh tế khá thường xuyên trở thành những cuộc chiến thực sự", ông Medvedev nói.
Ở thời điểm hiện tại, Nga đã lần đầu tiên đưa lực lượng hạt nhân chiến lược vào tình trạng báo động. Truyền thông Nga cho biết Tổng thống Putin đã yêu cầu Bộ Quốc phòng lệnh cho các lực lượng răn đe chiến lược, trong đó có những đơn vị mang vũ khí hạt nhân, chuyển sang trạng thái báo động cao, sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu.
Động thái của Nga được đưa ra trong bối cảnh Moscow liên tiếp bị phương Tây cô lập và áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn chưa từng có. Đây được xem như động thái đáp trả của Nga với áp lực từ phương Tây. Một số chuyên gia cũng cho rằng đây là lời cảnh báo của Moscow.