MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nga "tha thiết" dùng đồng tiền Trung Quốc để giao dịch dầu: Một nước BRICS bất ngờ phản đối

21-10-2023 - 07:46 AM | Tài chính quốc tế

Reuters đưa tin, Ấn Độ bày tỏ sự không đồng ý khi phải thanh toán hóa đơn mua dầu Nga bằng đồng nhân dân tệ.

Nga "tha thiết" dùng đồng tiền Trung Quốc để giao dịch dầu: Một nước BRICS bất ngờ phản đối - Ảnh 1.

(Từ trái qua phải) Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty Images

Ấn Độ không muốn đồng tệ, các lô hàng bị trì hoãn thanh toán

Hãng tin Reuters (Anh) trích dẫn nguồn thạo tin cho biết, Ấn Độ bày tỏ sự không đồng ý khi các nhà máy lọc dầu do nhà nước kiểm soát phải thanh toán tiền nhập khẩu dầu của Nga bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Động thái này đã khiến ít nhất 7 lô hàng bị trì hoãn thanh toán.

Cuộc tranh cãi về vấn đề thanh toán cho đến nay không làm gián đoạn việc giao hàng. Các công ty của Nga như Rosneft vẫn tiếp tục cung cấp dầu cho các nhà máy lọc dầu Ấn Độ.

Ấn Độ - thành viên nhóm BRICS cùng với Nga, Trung Quốc, Brazil và Nam Phi - là nhà nhập khẩu dầu qua đường biển hàng đầu của Nga trong năm nay khi các nhà máy lọc dầu của nước này tận dụng cơ hội nhập khẩu dầu thô của Nga. Loại dầu này đang được bán với giá chiết khấu sau khi một số quốc gia phương Tây dừng nhập năng lượng từ Moscow.

Tuy nhiên, các nhà máy lọc dầu thường gặp vấn đề trong việc giải quyết các giao dịch dầu mỏ với Moscow sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga, buộc người mua phải sử dụng các lựa chọn thay thế như đồng dirham của UAE cho những lô hàng được giao dịch với giá trên giá trần mà EU áp đặt.

Nga "tha thiết" dùng đồng tiền Trung Quốc để giao dịch dầu: Một nước BRICS bất ngờ phản đối - Ảnh 2.

Ảnh: Bloomberg

Lý do Nga muốn giao dịch bằng đồng tiền Trung Quốc

Các nhà máy lọc dầu nhà nước Ấn Độ muốn sử dụng đồng rupee để thanh toán cho mặt hàng dầu của Nga sau khi ngân hàng trung ương nước này năm ngoái công bố cơ chế thanh toán ngoại thương bằng đồng rupee.

Trong khi đó, Nga hiện đang dư thừa nguồn cung đồng rupee. Moscow đã tích lũy được khối tài sản trị giá hàng tỷ USD nhờ thặng dư thương mại rộng rãi với Ấn Độ. Nhưng nước này đang gặp khó khăn trong việc sử dụng đồng tiền của New Delhi. Đồng rupee của Ấn Độ không phải là loại tiền tệ có thể hoàn toàn chuyển đổi trên phạm vi quốc tế, gây khó khăn cho Nga trong việc sử dụng trên thương mại toàn cầu.

Từ hồi tháng 5/2023, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cho biết, việc dư thừa đồng rupee là một vấn đề và Nga đang có các cuộc thảo luận để chuyển số tiền này sang một loại tiền tệ khác.

Mặt khác, nhu cầu về đồng nhân dân tệ ở Nga đang tăng mạnh trong năm qua khi nền kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp Nga đã giao dịch nhiều hơn bằng đồng nhân dân tệ. Hiện đồng tiền Trung Quốc đã thay thế đồng tiền Mỹ để trở thành loại tiền được giao dịch nhiều nhất ở Nga.

Một số nhà cung cấp dầu của Nga cũng không ủng hộ việc sử dụng đồng tiền của UAE trong giao dịch dầu bởi UAE yêu cầu họ phải thực hiện các giao dịch bên ngoài Dubai và điều này dẫn đến việc họ sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn.

Nga "tha thiết" dùng đồng tiền Trung Quốc để giao dịch dầu: Một nước BRICS bất ngờ phản đối - Ảnh 3.

Tàu chờ dầu thô ở Vịnh Nakhodka, gần thành phố cảng Nakhodka, Nga. Ảnh: Reuters

Ấn Độ đã chấp nhận đồng nhân dân tệ để mua dầu Nga từ tháng 7/2023

Hãng tin Reuters đưa tin vào hồi tháng 7 rằng, để mua dầu của Nga, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ khi đó đã bắt đầu sử dụng đồng nhân dân tệ, USD và đồng dirham. Tuy nhiên, 2 quan chức của Bộ Tài chính Ấn Độ nói với hãng tin của Anh rằng, New Delhi không thoải mái với việc sử dụng loại tiền tệ này.

Reuters đánh giá, không rõ liệu New Delhi có thực sự chỉ đạo các nhà máy lọc dầu ngừng thanh toán bằng nhân dân tệ hay không, nhưng sự phản đối là rõ ràng.

Một quan chức của Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết: "Việc giao dịch bằng đồng nhân dân tệ không bị cấm và nếu một công ty tư nhân nào đó có đồng nhân dân tệ để thanh toán cho các giao dịch thì chính phủ sẽ không ngăn chặn nhưng cũng không khuyến khích hay tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại đó."

Reuters ghi nhận phản ánh rằng các thương nhân Ấn Độ đã sẵn sàng thực hiện các giao dịch bằng đồng dirham nhưng người bán ở Nga đã từ chối và mong muốn nhận thanh toán bằng nhân dân tệ. Rosneft, Gazprom và Gazprom Neft không trả lời yêu cầu bình luận.

Nguồn tin chỉ ra rằng, việc thanh toán bằng đồng nhân dân tệ làm tăng chí phí về phía Ấn Độ bởi trước tiên họ cần phải đổi đồng rupee sang đô la Hồng Kông, rồi mới đổi được sang nhân dân tệ. Quá trình này khiến họ tốn kém hơn 2-3% so với việc thanh toán bằng đồng dirham.

Theo Duy Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên