Nga thông báo cắt nguồn cung cấp điện cho quốc gia EU: Lý do tương tự ở 1 nước
Nga ngừng xuất khẩu điện sang Litva, nói rằng nước này "không có khả năng thanh toán".
Nga đã ngừng cung cấp điện cho Litva, nhà điều hành hệ thống truyền tải điện của nước này Litgrid thông báo hôm 22/5.
Nga ngừng cấp điện cho Litva
Nhà nhập khẩu điện duy nhất từ Nga Inter RAO đã xác nhận việc ngừng giao hàng. Bộ Năng lượng Litva ban đầu thông báo rằng họ sẽ ngừng mua điện của Nga vào hôm 19/5.
"Theo quyết định của nhà điều hành sàn giao dịch điện Nord Pool, hoạt động kinh doanh điện sản xuất tại Nga do Inter RAO thực hiện (thông qua công ty con Inter RAO Lietuva) sẽ chấm dứt bắt đầu từ ngày 22/5," Bộ này cho biết trong một thông báo.
Sau khi các nguồn cung cấp của Nga ngừng hoạt động, Litva có kế hoạch đáp ứng nhu cầu điện thông qua các nhà máy điện địa phương và nhập khẩu từ các nước châu Âu khác, đặc biệt là Thụy Điển, Ba Lan và Latvia, Giám đốc điều hành Litgrid Rokas Masiulis cho biết hôm 19/5. Theo công ty này, nhập khẩu điện từ Nga chiếm 16% tiêu thụ điện của Litva.
Inter RAO đã xác nhận việc tạm ngừng giao dịch vào hôm 19/5, hãng tin TASS cho biết,
"Inter RAO đã nhận được thông báo từ [nhà điều hành sàn giao dịch] Nord Pool về việc các công ty con tạm ngừng giao dịch do rủi ro không thể thanh toán tiền điện của Nga," công ty nói.
Tháng trước, Litva trở thành quốc gia EU đầu tiên loại bỏ nhập khẩu khí đốt của Nga và cũng từ chối mua dầu từ Moscow.
Trước đó, Ủy viên Châu Âu của Litva Virginijus Sinkevicius phát biểu, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên không phải là điểm yếu của Litva, nhưng sự phụ thuộc của nước này vào điện của Nga là một vấn đề lớn, đó là lý do tại sao cần phải đồng bộ hóa lưới điện của đất nước này với phương Tây càng sớm càng tốt.
Trước đó, vào hồi tháng 3/2022, Litva là nước châu Âu đầu tiên tuyên bố cắt nguồn cung khí đốt từ Nga.
Lý do tương tự Phần Lan
Trước đó, Nga đã ngừng cung cấp điện cho Phần Lan từ hôm 14/5.
Ảnh: AA
Tuy nhiên, Phần Lan sau đó cho biết, nước này sẽ không gặp khó khăn trong việc thay thế nguồn điện nhập khẩu của Nga. Phần Lan nhập khẩu điện từ Nga trong 20 năm qua, nguồn cung này chiếm khoảng 10% lượng điện của quốc gia Bắc Âu.
Phó chủ tịch cấp cao về vận hành hệ thống điện của Fingrid, Reima Päivinen cho biết: "Việc thiếu điện nhập khẩu từ Nga sẽ được bù đắp bằng cách nhập thêm điện từ Thụy Điển và tạo ra nhiều điện hơn ở Phần Lan."
Công ty năng lượng của Nga RAO Nordic cho hay, họ đình chỉ nguồn cung cấp tới Phần Lan với lý do liên quan đến các vấn đề về thanh toán. Công ty này chỉ ra, họ không nhận được khoản thanh toán tiền điện mà họ đã bán ra vào tháng 5 và do đó, nước này sẽ không còn khả năng thanh toán thêm tiền điện từ Nga.
RAO Nordic nói: "Tình huống này là đặc biệt và xảy ra lần đầu tiên trong hơn 20 năm trong lịch sử giao dịch của chúng tôi, và hy vọng tình hình sẽ sớm được cải thiện và giao dịch có thể được tiếp tục trở lại."
Tuy nhiên, Phần Lan quyết định giảm dần lượng điện nhập khẩu từ Nga. Fingrid hồi tháng 4 quy định lượng điện tối đa nhập từ Nga là 900 MW, thay vì mức 1,3 GW như trước đây.
Động thái xuất hiện trong bối cảnh Phần Lan khi đó đang chuẩn bị công bố đơn xin gia nhập NATO.
Mối quan hệ Nga - Litva
Mối quan hệ 2 nước đã trở nên căng thẳng thời gian gần đây. Vào hôm 4/4, Ngoại trưởng Litva, Gabrielius Landsbergis, thông báo đại diện ngoại giao của nước này sẽ được triệu hồi khỏi Moskva. Vilnius cũng quyết định đóng cửa lãnh sự quán Nga tại thành phố Klaipeda. Cùng với đó, quan hệ ngoại giao giữa hai nước chính thức bị hạ cấp.
Cùng ngày 4/4 Nga tuyên bố sẽ đáp trả quyết định của Litva về việc hạ cấp quan hệ ngoại giao. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với TASS rằng "Các biện pháp ứng phó sẽ sớm được áp dụng".
Tổ quốc