Nga: Vaccine Sputnik V sẽ có giá thấp hơn các đối thủ phương Tây
Khi các nhà lãnh đạo nhóm các nền kinh tế lớn G20 kêu gọi phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19, các hãng dược phẩm khổng lồ của Mỹ bắt đầu công bố giá vaccine của mình. Trong khi đó, Nga - quốc gia đầu tiên đăng ký một loại vaccine ngừa COVID-19 – cho biết ứng cử viên vaccine của họ sẽ có giá rẻ hơn so với các đối thủ.
- 08-09-2020Nga chính thức lưu hành lô vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V đầu tiên
- 13-08-2020Nga: Giá xuất khẩu 2 liều vaccine Sputnik V ít nhất là 10 USD
Vaccine Sputnik V của Nga sẽ có giá thấp hơn các đối thủ phương Tây. Ảnh: AFP
Theo hãng tin RT (Nga), vào tuần trước, 2 hãng dược phẩm Mỹ với mục tiêu đưa vaccine ra thị trường đầu tiên đã tiết lộ chiến lược định giá của mình. Pfizer - công ty đã nộp đơn xin cấp phép khẩn cấp cho loại vaccine do họ phát triển vào hôm 21/11 – cho biết một liều vaccine của họ có giá 19,5 USD. Bên cạnh đó, Moderna, hãng dược phẩm được cho là sắp ký một thỏa thuận phân phối vaccine đại trà ở châu Âu, đã thông báo rằng giá vaccine của họ sẽ có giá dao động khoảng 25 -37 USD.
Vì mỗi người sẽ phải tiêm 2 mũi vaccine, mỗi mũi cách nhau vài tuần. Do vậy, tổng chi phí tiêm vaccine sẽ tăng gấp đôi, với Pfizer là 39 USD và Moderna từ 50 – 74 USD.
Trong khi đó, hôm 22/11, các nhà sản xuất vaccine Sputnik V của Nga cho biết giá công thức vaccine của họ “sẽ thấp hơn nhiều” các đối thủ khác. Phát ngôn viên Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) - đơn vị tài trợ nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19, do Trung tâm nghiên cứu Gamaleya có trụ sở tại Moscow phát triển - tiết lộ giá vaccine của họ sẽ chính thức được công bố vào tuần tới. Trước đó, nhiều dự đoán cho rằng giá xuất khẩu loại vaccine này sẽ ở khoảng 10 USD cho cả 2 liều.
Hồi tháng 8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký một loại vaccine ngừa bệnh COVID-19. Chi tiết được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet sau đó cho thấy loại vaccine này có thể tạo ra phản ứng miễn dịch ở những tình nguyện viên khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số nhà khoa học và nhà bình luận quốc tế vẫn bày tỏ lo ngại về tính an toàn và hiệu quả thực tế của loại vaccine này.
Nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu Gamaleya đã có thể phát triển và thử nghiệm vaccine một cách nhanh chóng dựa trên “một nền tảng công nghệ đã được thử nghiệm tốt với độ an toàn lâu dài đã được chứng minh”. Công nghệ này sử dụng virus adenovirus, một chủng virus rất phổ biến thường gây cảm lạnh ở người, đã từng được dùng điều chế vaccine Ebola cùng với 2 loại thuốc điều trị ung thư mới hiện đang được sử dụng. Công thức này cũng được cho là có vai trò quan trọng trong việc sản xuất vaccine nhanh hơn và rẻ hơn.
Trong khi các quốc gia trên khắp châu Âu, châu Á và châu Mỹ đang nỗ lực hết sức để đảm bảo nguồn cung vaccine trong tương lai, có nhiều lo ngại rằng các quốc gia nghèo hơn có thể bị bỏ rơi. Trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh G20, các nhà lãnh đạo đã cam kết sẽ “dốc mọi công sức” để bảo đảm quá trình phân phối công bằng các loại vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới, cũng như hỗ trợ nền kinh tế của các nước nghèo bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch toàn cầu này.
Báo tin tức