MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Ngấm đòn' của Mỹ, CEO Nhậm Chính Phi lên tiếng: 'Huawei đang đứng trước thời khắc sống còn'

21-08-2019 - 08:47 AM | Tài chính quốc tế

Ông Nhậm còn cho biết rằng các nhân viên thực hiện không tốt sẽ bị trừ lương cứ sau vài tháng và có thể bị đuổi việc.

Nhà sáng lập của Huawei Technologies, Nhậm Chính Phi, đã đưa ra lời cảnh báo trong một bản lưu ý nội bộ rằng công ty đang ở trong "khoảnh khắc sống còn" và khuyên các nhân viên đang làm việc chưa tốt nên cống hiến mạnh mẽ hơn để khám phá những dự án mới. Các nhân viên làm việc không hiệu quả sẽ bị trừ lương cứ sau vài tháng và có thể bị đuổi việc, ông Nhậm cho biết ngày hôm qua.

Kể từ tháng 5, Huawei đã phải đối mặt với không ít khó khăn khi vừa là một thương hiệu toàn cầu vừa bị đưa vào danh sách đen "Entity List" của Mỹ - bị cấm kinh doanh với các nhà cung ứng Mỹ. Dù đã nhận được lệnh nới lỏng 90 ngày, động thái mới được đưa ra hôm qua, thì những bất ổn mà lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra đã khiến công ty này phải trả giá đắt. Ngay cả khi Huawei thoát khỏi cảnh bị tẩy chay, thì những tác động của sự việc này vẫn lan rộng và không hề nhẹ nhàng với họ.  

Tác động tiêu cực có thể thấy rõ gần đây nhất là thiệt hại của Huawei trên thị trường smartphone quốc tế. Theo ước tính nội bộ của công ty, Huawei dự kiến số lượng điện thoại bán ra vào năm 2019 sẽ thấp hơn 60 triệu chiếc so với trước khi Mỹ chưa áp lệnh trừng phạt. Năm 2018, số lô hàng của Huawei đã tăng 34% lên 206 triệu, theo số liệu của IDC, trong khi quý I/2019 tốc độ đã tăng 50% trong khi các đối thủ Samsung và Apple đều hứng chịu tình trạng doanh số sụt giảm. Đến quý II/2019, một phần bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ, đà tăng trưởng trên đã sụt giảm xuống còn 8,3%.

Sau khi tiếp cận thành công thị trường điện thoại châu Âu, Huawei đang trên đà trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc không được sử dụng hệ điều hành Android và Play Store của Google đã khiến các thiết bị Huawei không còn được ưa chuộng bên ngoài thị trường Trung Quốc.

Ông Nhậm cảnh báo trong bản lưu ý rằng những nhân viên dư thừa cần tìm cách khiến bản thân trở nên hữu ích hơn. Ông viết: "Họ nên thành lập một 'biệt đội biệt kích' để khám phá những dự án mới - trong đó họ có thể được thăng chức lên nhóm trưởng nếu làm tốt. Hoặc, họ có thể tìm những công việc ở thị trường nội bộ. Nếu thất bại, họ sẽ bị cắt giảm lương cứ sau 3 tháng."

Theo Huawei, bộ phận người tiêu dùng là động lực tăng trưởng của họ. Chiếm 45% doanh thu của năm ngoái, bộ phận bán điện thoại và những thiết bị khác này chính là "tương lai" cho "sức khoẻ" của Huawei. Và hiện tại, họ đang phải chịu đựng những "đòn giáng" mạnh do những cáo buộc và lệnh trừng phạt với Huawei. Điều này sẽ khó có thể cải thiện trong thời gian ngắn.

Không được sử dụng Android, Huawei đã mất nhiều thời gian để tạo ra một hệ điều hành thay thế. Do lệnh cấm của Mỹ, Huawei đã chuyển sang chiến lược làm việc 24 giờ, làm việc với 10.000 nhà phát triển trong suốt 3 ca và 3 văn phòng để loại bỏ sự phụ thuộc vào Mỹ. Huawei cuối cùng đã phải vội vã ra mắt HarmonyOS trong tháng này, nhằm chứng minh rằng họ có thể tạo ra hệ điều hành của riêng mình. Dẫu vậy, không có nhiều người cảm thấy thuyết phục với hệ điều hành này nếu nó thay thế Android. 

Hương Giang

Bloomberg

Trở lên trên