MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngấm đòn đau từ hóa đơn năng lượng 1.000 tỷ USD, EU khẩn trương thống nhất giá trần khí đốt sau nhiều tuần 'nâng lên đặt xuống'

20-12-2022 - 09:15 AM | Thị trường

Ngấm đòn đau từ hóa đơn năng lượng 1.000 tỷ USD, EU khẩn trương thống nhất giá trần khí đốt sau nhiều tuần 'nâng lên đặt xuống'

Bên cạnh lệnh áp trần giá dầu thô, châu Âu đã đi tìm được tiếng nói chung trong việc đặt giới hạn giá khí đốt dù chưa rõ kết quả tương lai sẽ ra sao.

Phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Cộng hòa Czech thông báo quyết định về mức giá trần khí đốt được thống nhất trong cuộc họp các bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels, Bỉ. Thỏa thuận được thông qua sau nhiều tuần chia rẽ ý kiến giữa các nước thành viên trong khối về cách ứng phó cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan đến khí đốt.

Biện pháp này sẽ áp dụng từ ngày 15/2/2023, trong đó giá trần được kích hoạt nếu giá khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan, được xem là tiêu chuẩn châu Âu, vượt quá mức 180 euro/megawatt giờ trong vòng ba ngày.

Ủy ban châu Âu đã nỗ lực tìm kiếm những biện pháp mà tất cả 27 thành viên có thể nhất trí. Các lựa chọn dễ dàng như tự nguyện cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt hay áp thuế đã được sử dụng, trong khi áp giá trần được coi là phương án khó khăn nhất.

Ngấm đòn đau từ hóa đơn năng lượng 1.000 tỷ USD, EU khẩn trương thống nhất giá trần khí đốt sau nhiều tuần nâng lên đặt xuống - Ảnh 1.

Ủy ban Châu Âu nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho các nước thành viên đều có thể nhất trí.

Châu Âu đã đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng vì giá khí đốt tăng vọt và nguồn cung hạn chế sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo châu Âu có thể thiếu khoảng 30 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2023, khiến EU phải tìm cách chuẩn bị tốt nhất cho mùa đông năm nay và cả những năm sau.

Giá năng lượng cao kéo theo lạm phát, tăng hóa đơn của các hộ gia đình và buộc một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều khí đốt phải đóng cửa hoặc hạn chế sản xuất.

Để cố gắng hạn chế tác động của giá khí đốt cao với nền kinh tế, khoảng 15 quốc gia EU đã kêu gọi áp trần giá khí đốt trên toàn châu Âu.

Ủy ban châu Âu hôm 22/11 đề xuất mức giá trần 275 euro (hơn 290 USD) mỗi megawatt giờ. Tuy nhiên, một số nước cho rằng mức trần này quá cao. Czech, chủ tịch luân phiên của EU, đã đưa ra đề xuất mới là 200 euro (hơn 210 USD) mỗi megawatt giờ.

Giá khí đốt ở châu Âu vẫn ở mức tương đối cao, dù đã giảm trong những tháng gần đây, khi EU nhất trí một số biện pháp khẩn cấp như nỗ lực lấp đầy các kho dự trữ trước mùa đông.

Khi trần giá khí đốt được thông qua, mọi giao dịch ở trên mức này đều không được chấp nhận. Ủy ban châu Âu có thể lập tức ngừng áp giá trần nếu nó gây ra hậu quả tiêu cực, như đe dọa nguồn cung khí đốt của lục địa. Tuy nhiên, mức trần giá khí đốt sẽ không ảnh hưởng tới hợp đồng tư nhân ngoài các sàn giao dịch năng lượng.

Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo đề xuất của EU có thể gây nguy hiểm cho ổn định tài chính và có khả năng khiến các công ty tiện ích chuyển sang giao dịch tư nhân, chấp nhận rủi ro lớn nhằm tránh mức giá trần. Đây cũng là mối lo ngại của Hiệp hội Giao dịch Năng lượng châu Âu.

Ngấm đòn đau từ hóa đơn năng lượng 1.000 tỷ USD, EU khẩn trương thống nhất giá trần khí đốt sau nhiều tuần nâng lên đặt xuống - Ảnh 2.

Hóa đơn 1.000 tỷ USD mở màn cho khủng hoảng năng lượng tại châu Âu

Vấn đề áp giá trần khí đốt đang trở nên rất cấp bách, trong bối cảnh châu Âu đã bước vào mùa Đông lạnh giá với ít lựa chọn về năng lượng hơn do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine (U-crai-na). Giá nhiên liệu tại châu Âu vẫn ở mức cao đang làm dấy lên lo ngại rằng các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh có thể phải đối mặt với tình trạng mất điện hoặc không thể thanh toán các hóa đơn năng lượng

Trước bối cảnh này, hãng tin Bloomberg ngày 18/12 cho rằng việc từ bỏ khí đốt của Nga liên quan tình hình Ukraine đã khiến châu Âu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD. Số tiền này là do giá điện tăng đối với các công ty và người tiêu dùng châu Âu. Bloomberg thậm chí còn đánh giá đây mới chỉ là khởi đầu của cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong những thập kỷ gần đây.

Sau mùa Đông, các kho chứa khí đốt sẽ cạn kiệt và trong điều kiện nguồn cung cấp khí đốt của Nga chỉ ở mức tối thiểu thì sẽ khó để lấp đầy các kho chứa này. Theo các nhà phân tích của Bloomberg, nếu giá khí đốt tự nhiên tại EU ở mức 210 euro/MWh thì liên minh này sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Bloomberg cũng cho rằng tình hình căng thẳng về nguồn cung khí đốt tự nhiên hoá lỏng cho châu Âu sẽ kéo dài ít nhất cho tới năm 2026, khi Qatar và Mỹ có thể tăng đủ sản lượng hydrocarbon.

Tham khảo: Reuters

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên