UBND TP.Hà Nội vừa có tờ trình báo cáo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 gửi HĐND TP.Hà Nội. Đồ án lần này thể hiện, mô hình cấu trúc vùng đô thị đã được xác định đó là: chùm đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 vùng đô thị, trong đó trục sông Hồng sẽ phát triển là không gian điểm nhấn biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 mới được được đưa ra thảo luận chưa có bản thiết kế chi tiết. Dưới đây là viễn cảnh phát triển đô thị tương lai dọc sông Hồng đến năm 2045, tầm nhìn 2065 được ứng dụng AI ChatGPT sáng tạo ra.
Trên thế giới, có rất nhiều TP phát triển và nổi tiếng nhờ gắn liền với các dòng sông như: Sông Hoàng Phố, tạo nên điểm nhấn độc đáo cho Thượng Hải; nói đến Thủ đô Seoul là nói đến kỳ tích sông Hàn; Thủ đô Budapest của Hungary phát triển rực rỡ và lãng mạn hai bên bờ sông Danube,… Và Hà Nội, TP hơn nghìn năm tuổi, có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với sông Hồng. Trong ảnh là Quy hoạch toàn cảnh phân khu đô thị sông Hồng do Viện QHXD Hà Nội thiết kế.
Đồ án cũng định hướng có 5 trục không gian chính, trong đó trục sông Hồng sẽ phát triển là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của TP Hà Nội. Tại đây cần xây dựng hạ tầng giao thông tiếp cận gồm giao thông dọc sông, cầu qua sông, tuyến đường thủy dọc sông, cảng sông, bến đậu du thuyền… gắn với các giải pháp đảm bảo hành lang thoát lũ và thích ứng với điều kiện thủy văn của sông.
Nhận thức được tầm quan trọng về không gian lịch sử, văn hóa và cảnh quan của sông Hồng với sự phát triển của Hà Nội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đề ra những định hướng cơ bản cho quy hoạch đô thị sông Hồng như: “Xây dựng hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, công trình văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch và các tiện ích đô thị; đồng thời, cải tạo khu dân cư hiện hữu, đảm bảo chất lượng sống khu dân cư hai bên sông, di dời các khu nhà ở không an toàn và kém chất lượng và bên ngoài hành lang sông; xây dựng các tuyến đường cảnh quan dành cho người đi bộ và xe đạp…”.
Hà Nội sẽ rà soát, điều chỉnh lại mạng lưới đường sắt đô thị đi qua khu vực sông Hồng kết nối đồng bộ với hệ thống đường sắt quốc gia và giữa các tuyến đường sắt đô thị, đặc biệt, thành phố sẽ nghiên cứu thêm hệ thống xe buýt hiện đại hoặc tuyến monorail (hệ thống tàu một ray) chạy ven 2 bờ sông Hồng để kết hợp du lịch, cảnh quan.
Về mặt hình thái, đô thị của Thủ đô Hà Nội sẽ quay mặt ra sông. Sông Hồng trở thành dòng sông nằm giữa khu vực đô thị phía Bắc - Nam Thủ đô, chảy qua trung tâm thành phố. Khu vực này cũng hướng tới là trung tâm thương mại, phức hợp, tổ chức các sự kiện văn hóa, xã hội, phát triển du lịch, dịch vụ bền vững.
Bên cạnh những khu đô thị phát triển sôi động, hiện đại về phía Bắc - Nam Thủ đô, Hà Nội sẽ dành một phần diện tích hai bên sông để xây dựng con đường di sản văn hóa tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc và con đường giới thiệu cảnh quan, đất nước con người, hình ảnh đặc trưng của các vùng miền để phát triển các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Đây cũng là không gian tái hiện các lễ hội văn hóa truyền thống từ mọi miền Tổ quốc, kết nối với khu vực Hồ Tây, khu vực cầu Long Biên và phố cổ hình thành không gian phát triển các hoạt động du lịch, giải trí và kinh tế ban đêm.
Bên cạnh đó, Hà Nội cho biết sẽ bảo vệ nghiêm ngặt không gian mặt nước để cải tạo cảnh quan, điều hòa tiêu thoát nước; kết hợp giải pháp bổ cập nước và giải quyết căn bản tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường nước. Hà Nội sẽ xây dựng đập tràn trên hệ thống sông Hồng để đảm bảo lượng nước ổn định, phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Quy hoạch được chia làm 3 phân đoạn chính. Phân đoạn từ cầu Hồng Hà tới cầu Thăng Long là khu vực phát triển bảo tồn tính tự nhiên.
Phân đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì là khu vực trung tâm đa chức năng với các công trình công cộng, văn hóa dịch vụ thương mại.
Phân đoạn từ cầu Thanh Trì đến cầu Mễ Sở là không gian sinh thái, trọng tâm với các khu vực trồng rau màu cây cảnh khu vực nuôi trồng thủy sản cùng làng nông nghiệp truyền thống và công trình di tích lịch sử. Dự báo dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 vào khoảng 300.000 người.
Phát triển trục sông Hồng gắn với lộ trình từng giai đoạn, trước mắt ưu tiên phát triển các giải pháp về không gian xanh sinh thái, cung cấp các tiện ích, dịch vụ cộng đồng cho người dân đô thị, có thể tận dụng các bãi bồi làm công viên sinh thái độc đáo.
Về mô hình cấu trúc đô thị, thành phố Seoul (Hàn Quốc) và thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) có kinh nghiệm phát triển thành phố trung tâm và trung tâm phụ. Thành phố mới Gang Nam của Seoul và Phố Đông của Thượng Hải đều được khai thác và liên kết mạnh mẽ với đô thị cũ. Thành phố trẻ, năng động sẽ cân bằng và hỗ trợ cho thành phố cổ, giàu truyền thống, văn hóa, lịch sử. Hai thành phố này xây dựng hệ sinh thái đô thị để cùng hỗ trợ phát triển, khai thác hiệu quả không gian hai bên sông.Thành phố mới có thế mạnh về khung chính sách thu hút nhân tài, đầu tư, hình thành động lực mạnh mẽ, làm tiền đề cho một thành phố trẻ, giàu có, hiện đại, sáng tạo… Seoul có ba trung tâm và bảy trung tâm phụ, Thượng Hải có hai trung tâm và ba trung tâm phụ. Các trung tâm phụ với các mục tiêu ưu tiên để dễ dàng xây dựng chính sách đặc thù, ưu tiên và giảm tải cho các thành phố trung tâm. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội học tập kinh nghiệm của Seoul và Thượng Hải để tạo dựng mô hình thành phố trong thành phố với định hướng phát triển hai thành phố mới làm đối trọng cho thành phố đã phát triển.