MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngăn chặn gọi điện đòi nợ kiểu khủng bố được không?

28-11-2022 - 11:25 AM | Kinh tế số

Công an khám xét văn phòng Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset tại quận 4, TP.HCM - Ảnh: Công an cung cấp

Công an khám xét văn phòng Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset tại quận 4, TP.HCM - Ảnh: Công an cung cấp

Các nhà mạng khẳng định hoàn toàn có thể ngăn chặn các số điện thoại thực hiện cuộc gọi, nhắn tin đòi nợ kiểu khủng bố, tuy nhiên phải có bằng chứng và kết luận từ cơ quan chức năng. Nhưng tại sao đến nay vẫn chưa ngăn chặn?

Việc Công an TP.HCM vừa triệt phá một tụ điểm hơn 220 người chuyên gọi điện kiểu khủng bố để đòi nợ tại quận 12 mới đây cho thấy quy mô và mức độ "chuyên nghiệp" của hình thức đòi nợ vi phạm pháp luật này.

Người bị khủng bố phải tố giác

Ngày 27-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một nhà mạng viễn thông (đề nghị không nêu tên) cho biết hệ thống kỹ thuật của các nhà mạng lớn tại Việt Nam hiện nay đều có thể ngăn chặn, xử lý các số điện thoại nhắn tin, gọi điện đòi nợ theo kiểu khủng bố người dùng.

Tuy nhiên, việc xác định có đúng hay không một số điện thoại đã thực hiện hành vi khủng bố, xúc phạm người khác cần có bằng chứng, có kết luận từ cơ quan có thẩm quyền và do đó rất cần sự chung tay hỗ trợ từ chính người dùng.

"Nhà mạng chỉ cung cấp dịch vụ đường truyền và kết nối giữa những người dùng cuối với nhau. Việc giao tiếp thế nào với nhau, khủng bố hay lừa đảo, xúc phạm nhau là hành vi dân sự giữa những người dùng. Cơ quan chức năng mới có tư cách điều tra, xác định việc này.

Nhà mạng không được quyền và cũng không thể nghe nội dung cuộc gọi hay đọc nội dung tin nhắn SMS giữa các thuê bao với nhau", vị này cho biết.

Cũng theo chia sẻ của vị này, muốn ngăn chặn triệt để tình trạng khủng bố người khác qua điện thoại cần có sự phối hợp giữa ba bên: người dân, cơ quan chức năng và doanh nghiệp viễn thông.

Người dân khi bị khủng bố cần chủ động phản ánh, tố giác đến cơ quan chức năng kèm bằng chứng. Cơ quan chức năng với sự hỗ trợ từ nhà mạng sẽ điều tra, xác định để đi đến kết luận thuê bao đó có vi phạm quy định pháp luật không. Khi có kết luận từ cơ quan chức năng, nhà mạng sẽ có biện pháp xử lý thuê bao vi phạm phù hợp.

Tố giác bằng cách nào?

Đầu tháng 11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã bắt đầu triển khai thí điểm đầu số 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua hai hình thức thoại và tin nhắn. Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, nhà mạng sẽ xác minh thông tin thuê bao của số điện thoại bị phản ánh và yêu cầu xác thực lại thông tin thuê bao.

Nếu thông tin xác thực không đúng, nhà mạng có thể xử lý (tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, tiếp theo tạm dừng hai chiều nếu không thực hiện và tiếp theo là thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông).

Đồng thời nhà mạng sẽ gửi các nội dung phản ánh tới cơ quan chức năng để tổng hợp, xử lý các vi phạm.

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai tổng đài 5656 tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn, do Cục An toàn thông tin quản lý, vận hành.

Theo thống kê trong chín tháng đầu năm 2022, tổng đài đã tiếp nhận hơn 202.000 phản ánh. Số lượt phản ánh cuộc gọi rác là hơn 177.000 cuộc, trong đó phản ánh về cuộc gọi đòi nợ, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo chiếm 12,5%.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, kênh tiếp nhận phản ánh các cuộc gọi lừa đảo, đe dọa vẫn chưa có. Đó là lý do vì sao bộ này mở thêm tổng đài 156 để tiếp nhận các phản ánh về cuộc gọi lừa đảo, đe dọa, "khủng bố" người dùng.

Ngăn chặn gọi điện đòi nợ kiểu khủng bố được không? - Ảnh 1.

Đồ họa: N.KH.

Ghép hình, dựng chuyện vu khống để đòi nợ là phạm pháp

Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Quảng Nam vừa phát hiện hai doanh nghiệp có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật tại địa phương này là Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset và Công ty luật TNHH MTV Legal A Plus (trụ sở tại Tam Kỳ).

Địa điểm hoạt động tư vấn, cho vay tài chính của Công ty Mirae Asset tại Quảng Nam không có giấy đăng ký, không gắn bảng hiệu và nhân viên công ty có dấu hiệu mua bán dữ liệu cá nhân của 150.000 người. Riêng việc gọi điện thu hồi nợ do Mirae Asset tại TP.HCM thực hiện.

Công an TP.HCM phát hiện nhân viên công ty này gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó, đồi trụy... để gửi cho khách hàng, người thân, đồng nghiệp của người vay tiền qua mạng xã hội để gây sức ép.

Trong khi đó Công an Quảng Nam phát hiện Vũ Ngọc Hiếu (26 tuổi) - nhân viên thu hồi nợ của Công ty Legal A Plus - sử dụng hình ảnh của nhiều cá nhân và biên tập, lồng nội dung vu khống nhằm khủng bố, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều người trên phạm vi toàn quốc.

Luật sư Nguyễn Công Tín - Đoàn luật sư Đà Nẵng - cho biết hành vi đòi nợ bằng cách vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Bộ luật hình sự, mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù, hoặc tội làm nhục người khác theo Bộ luật hình sự, mức phạt cao nhất lên đến 5 năm tù.

"Việc phạm tội trên môi trường mạng mang tính chất nguy hiểm và gây hệ lụy nghiêm trọng hơn, bởi đặc tính lan truyền cực kỳ cao của môi trường điện tử.

Chính vì vậy, pháp luật hình sự quy định việc sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội là một trong những tình tiết định khung tăng nặng trong các tội phạm nêu trên. Người phạm tội trên môi trường mạng phải chịu hình phạt cao hơn so với người phạm tội khác", luật sư Tín nói.

Đ.Cường - L.Trung

Theo Đức Thiện

Tuổi trẻ

Trở lên trên