MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng 0 đồng có thể trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài

13-12-2016 - 16:40 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo đề xuất của Nhóm công tác thị trường vốn, đối với ngân hàng mà Nhà nước là cổ đông lớn hoặc ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu 35% cổ phần; còn đối với đối với ngân hàng đã bị mua lại với giá 0 đồng, nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu 100%.

Mới đây, tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam năm 2016 (VDF 2016), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam đang có kế hoạch xử lý mua lại một ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém.

Thủ tướng cũng nói rằng, việc xử lý nợ xấu là hết sức quan trọng, nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng. Chính phủ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là xử lý tài sản đảm bảo; nâng cao năng lực và cơ sở pháp lý của Công ty quản lý tài sản và các tổ chức tín dụng VAMC; phát triển thị trường mua bán nợ, đồng thời yêu cầu các TCTD tự xử lý nợ xấu, gắn với cơ cấu lại nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm công khai minh bạch, tiếp cận chuẩn mực quốc tế.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn Ngân hàng thế giới và Tổ chức tài chính quốc tế IFC giúp đỡ Việt Nam xử lý nợ xấu một cách thực chất.

Trước đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2016) tổ chức ngày 5/12, Nhóm công tác thị trường vốn cũng đã đề cập đến câu chuyện xử lý ngân hàng yếu kém. Cụ thể, theo nhóm công tác,để thu hút được dòng vốn mới của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán và vào những doanh nghiệp Nhà nước mới được cổ phần hóa, Việt Nam cần minh bạch hóa và tạo môi trường thuận lợi cho việc tăng sở hữu nước ngoài.

Nhóm công tác khuyến nghị cần cho phép sở hữu nước ngoài lên đến 100% trong các công ty đại chúng, trừ trường hợp luật pháp Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định cụ thể và rõ ràng về tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhỏ hơn.

Riêng với lĩnh vực ngân hàng, nhóm công tác đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, theo đó đối với ngân hàng mà Nhà nước là cổ đông lớn hoặc ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu 35% cổ phần; còn đối với đối với ngân hàng đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu 100%.

Trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay có 3 ngân hàng yếu kém đã bị mua lại toàn bộ cổ phần giá 0 đồng đó là Oceanbank, VNCB và GP.Bank. Sau khi mua lại, NHNN đã chuyển đổi thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn 100% vốn Nhà nước, cử người của Vietcombank và VietinBank vào hỗ trợ, đồng thời đổi tên VNCB thành CBBank và đổi nhận diện thương hiệu của GP.Bank

VNCB tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Tại thời điểm cuối năm 2012 khi ngân hàng đã được liệt kê vào danh sách 9 ngân hàng yếu kém và bị kiểm soát, TrustBank lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng. Đến cuối năm 2013, con số lỗ lũy kế lên 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, phần vốn chủ sở hữu âm tới hơn 24.000 tỷ và lỗ lũy kế 27.000 tỷ đồng.

Theo lời của một vị đại diện NHNN thì thời điểm ấy không có nhà đầu tư nào mua lại Ngân hàng Xây dựng và theo các định giá của đơn vị độc lập EY thì cơ sở để mua lại giá 0 đồng là do Ngân hàng Xây dựng lúc đó có giá trị thực âm hơn 80 nghìn đồng/cổ phiếu. Do không thể khắc phục được, VNCB là ngân hàng đầu tiên bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng vào ngày 2/2/2015.

Cũng như VNCB, ngân hàng OceanBank bị âm vốn điều lệ và tự thân họ không thể bù đắp nổi để có được một mức dương trên 0 đồng. Nợ xấu thời điểm 31/3/2014 là gần 15.000 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống của Ocean Bank; lỗ gần 10.200 tỷ đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu (âm vốn chủ sở hữu gấp hơn 2 lần)…

Ngày 25/4/2015, NHNN đã mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của cổ đông hiện hữu tại OceanBank, giúp NHNN chủ động trong việc tái cơ cấu OceanBank, bảo đảm việc chi trả tiền gửi, ngăn ngừa sự lây lan yếu kém từ OceanBank đến các ngân hàng khác.

Còn GP.Bank, tại thời điểm ngày 02/04/2015, tổng số lỗ lũy kế của GP.Bank lên đến 12.280 tỷ đồng, dẫn tới vốn chủ sở hữu bị âm 9.195 tỷ đồng (vốn điều lệ của GPBank là 3.018 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu của GPBank đạt tới con số cao kỷ lục 45,37%. Đồng thời, dư nợ cho vay khách hàng giảm mạnh, chỉ còn 6.669 tỷ đồng.

NHNN đã mua lại bắt buộc GP.Bank toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng từ ngày 7/7/2015.

Trở lại với đề xuất bán các ngân hàng 0 đồng cho đối tác ngoại, theo giới chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, dù các ngân hàng nước ngoài đã có thể thâm nhập thị trường Việt Nam dễ dàng hơn song để có một mạng lưới sâu rộng như ngân hàng trong nước là rất khó. Vì vậy, nếu phải bỏ ra vài nghìn tỷ đồng để mua lại một ngân hàng trong nước mà vừa có được mạng lưới lẫn đội ngũ nhân sự và các khách hàng sẵn có thì họ vẫn sẵn sàng.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên