MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng bối rối với cơ cấu lại nợ bởi Covid-19

10-05-2020 - 19:32 PM | Tài chính - ngân hàng

Ranh giới giữa đúng quy định với vi phạm, với rủi ro đạo đức có thể mong manh khi cơ cấu lại nợ, bởi thực tế có nhiều tình huống đa dạng.

Ngày 23/01/2020, Việt Nam công bố có dịch Covid-19. Trước đó, nguy cơ ảnh hưởng đã ám ảnh với những diễn biến tại Vũ Hán (Trung Quốc).

Một tháng sau đó, Việt Nam bước vào giai đoạn cao điểm chịu ảnh hưởng trực tiếp của bệnh dịch này, kéo dài cho đến nay và chưa rõ điểm kết thúc.

Nếu nhìn lại các mốc thời gian trên, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01 về cơ cấu lại nợ có thể nói là “tốc hành”. Chỉ trong 40 ngày, cơ chế được thiết lập và hướng dẫn triển khai, có hiệu lực ngay khi ban hành (13/3/2020).

“Tốc hành”, vì có hàng loạt nội dung, tình huống và nhiều điểm kỹ thuật nằm trong chính sách này phải xử lý thấu đáo. Chính các ngân hàng thương mại cũng bối rối khi thực hiện. Điều này góp phần lý giải phải sau khi các vướng mắc được tháo gỡ, tốc độ cơ cấu lại nợ, tốc độ hỗ trợ khách hàng mới được đẩy nhanh lên trên thực tế. Nó có độ trễ nhất định.

Có rất nhiều câu hỏi, tình huống khi thực hiện đã được các ngân hàng thương mại gửi về Ngân hàng Nhà nước . Có trường hợp đặt rõ việc xác định làm như thế này hoặc thế kia thì có vi phạm hay không…

Có tình huống đơn giản như, khách hàng có thẻ ghi nợ thấu chi và gặp khó khăn dòng tiền vì Covid-19 thì có được cơ cấu? Ngân hàng Nhà nước trả lời là được.

Hoặc như, khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà, thậm chí thực tế có thể có vay tiền mua cổ phần, chứng khoán… và năng lực trả nợ cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì sao? Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ chế hỗ trợ của Thông tư 01 không phân biệt ở mục đích sử dụng vốn.

Hay ngoài các đối tượng được hỗ trợ, có ngân hàng đặt vấn đề rằng khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp gặp khó khăn bởi Covid-19 thì trái phiếu đó có thuộc phạm vi của Thông tư 01? Phần này không được, vì trái phiếu doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kỳ hạn, thỏa thuận khi phát hành, và đặc biệt là có nhiều chủ sở hữu chứ không riêng ngân hàng…

Hoặc có những tình huống phức tạp hơn, về kỹ thuật, nhưng lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng nợ và chi phí liên quan, với cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp.

Điển hình như thực tế một doanh nghiệp có nhiều khoản vay tại các ngân hàng khác nhau. Tại ngân hàng A khoản nợ của doanh nghiệp đó được cơ cấu, nhưng tại ngân hàng B lại không được thì có vênh chuẩn hay không? Bởi quy định hiện hành, nếu không được cơ cấu, thành nợ xấu và Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) ghi nhận, việc phân loại tất cả các khoản nợ của doanh nghiệp đó đều phải theo nhóm ghi nhận này.

Điểm “may mắn” cho tình huống trên là Ngân hàng Nhà nước giải thích không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh theo hiệu ứng “domino” đó.

Cũng về kỹ thuật, phía ngân hàng cũng bối rối khi thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng về mặt thời gian. Ví dụ như quy định về mốc phát sinh tính đến 3 tháng sau ngày Thủ tướng công bố hết dịch (T+3), hay thời hạn được cơ cấu không quá 12 tháng (T+12), thì liên quan đến các khoản nợ trung, dài hạn hoặc thời điểm đáo hạn hoặc cơ cấu sau đó; rồi có giới hạn số lần cơ cấu cho mỗi khoản nợ; trích lập dự phòng rủi ro liên quan, ghi nhận các khoản phải thu…?

Hàng loạt câu hỏi được các ngân hàng thương mại gửi về Ngân hàng Nhà nước như vậy để chờ giải đáp, hướng dẫn, vì thực tế có nhiều tình huống đa dạng. Mà khi triển khai, ranh giới giữa đúng quy định với vi phạm, với rủi ro đạo đức có thể mong manh.

Trong quá khứ, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng từng có những phát sinh, rủi ro, rủi ro nghiệp vụ lẫn đạo đức, thậm chí cả rủi ro pháp lý liên quan đến các chính sách hỗ trợ trước thực tiễn đa dạng. Như trước đây là trong thực hiện cơ chế hỗ trợ cấp bù lãi suất cho vay.

Theo đó, bản thân các ngân hàng thương mại có sự bối rối, thận trọng và chỉ khi được giải đáp, hướng dẫn thông suốt thì chính sách hỗ trợ mới được đẩy nhanh hơn để cùng khách hàng vượt qua đại dịch Covid-19.

Như tại VPBank, thông tin công bố mới đây cho biết, trong thời gian đầu thực hiện Thông tư 01, để xử lý một bộ hồ sơ họ cần tới bình quân 4 ngày làm việc, nhưng nay đã nhanh chóng rút xuống còn 1 ngày.

Báo cáo tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp hôm qua (9/5), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cập nhật: tính đến ngày 8/5/2020, toàn hệ thống đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 130 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 (ngày Việt Nam bắt đầu có dịch) đến nay đạt 630 nghìn tỷ đồng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5%/năm so với trước dịch.

“Ngành ngân hàng đã vào cuộc rất sớm, rất chủ động và linh hoạt, từng bước tháo gỡ khó khăn cho khách hàng và đạt được kết quả ban đầu quan trọng”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

Theo Minh Đức

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên