Ngân hàng bơm thêm bao nhiêu tiền vào lĩnh vực bất động sản trong 2 tháng đầu năm?
Tín dụng bất động sản tăng chậm là một trong những nguyên nhân chính kéo giảm tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế.
- 01-04-2023Bất ngờ với cái tên ngân hàng nắm bất động sản thế chấp nhiều nhất hiện nay
- 27-03-2023Chuyên gia nói gì về đề xuất cho doanh nghiệp bất động sản vay ngân hàng để trả nợ trái phiếu?
- 25-03-2023HOREA đề xuất ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp bất động sản vay tiền để trả nợ trái phiếu
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tính đến cuối tháng 2/2023 tăng 2,19% so với cuối năm 2022 (2,58 triệu tỷ đồng).
Như vậy, trong 2 tháng đầu năm, quy mô dư nợ tín dụng bất động sản tăng thêm 56.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong cơ cấu dư nợ tín dụng bất động sản 2 tháng đầu năm, dư nợ kinh doanh bất động sản tăng 6,45% chiếm tỷ trọng 33%; dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 0,25% chiếm tỷ trọng 67%. Do đó, tín dụng bất động sản những tháng đầu năm tăng chậm chủ yếu là do phân khúc tín dụng tiêu dùng (vay mua nhà).
Tín dụng bất động sản tăng chậm là một trong những nguyên nhân chính kéo giảm tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế. Theo số liệu của NHNN, tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 28/3 mới chỉ tăng 2,06%, thấp hơn nhiều cùng kỳ các năm trước.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, những năm trước, tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại, song năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại, dù vẫn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Khó khăn của bất động sản hiện nay là vấn đề pháp lý (chiếm 70%), do đó, nếu khó khăn này được tháo gỡ, các tổ chức tín dụng mới có điều kiện thúc đẩy giải ngân tín dụng bất động sản.
Trước đó, NHNN đã không ít lần khẳng định về việc nhà điều hành không có văn bản hay phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng bất động sản. Cơ quan này chỉ có các văn bản chỉ đạo nhằm kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro, có tỷ lệ đầu cơ lớn,… để đảm bảo an toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, lãnh đạo NHNN cũng khẳng định không có chuyện thiếu room tín dụng vào thời điểm đầu năm, bởi lẽ tình trạng này thường rơi vào cuối năm. Do đó, không thể nói là doanh nghiệp không vay được vì thiếu room.
Về phía các ngân hàng, lãnh đạo các tổ chức tín dụng cũng khẳng định không có chỉ đạo siết cho vay đối với lĩnh vực bất động sản.
Nhìn nhận về những khó khăn tiếp cận vốn của doanh nghiệp bất động sản, Tổng Giám đốc MB Lưu Trung Thái cho rằng, hiện nay có nhiều tình huống doanh nghiệp bất động sản có dự án giá trị lớn, nhưng vướng mắc ở khả năng thanh toán.
Theo ông Thái, tình trạng này là do mất cân đối nguồn cung trên thị trường bất động sản. Cụ thể, thị trường BĐS tại TP.HCM vốn bị cho là thiếu hụt nguồn cung, nhưng 80% sản phẩm BĐS tại đây lại thuộc phân khúc cao cấp. Phía ngân hàng cũng không mong muốn cho vay đối với các sản phẩm có giá trị cao, bởi phân khúc này chỉ phục vụ một số ít khách hàng.
''Cấu trúc ngành bất động sản không phù hợp. Giải quyết vấn đề này là khó, nhưng cần nhìn thẳng vấn đề. Hai bên thống nhất thì giúp bước đi dài hơn'', ông Thái nói tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản do NHNN tổ chức vào tháng 2.
Ngoài ra, ông Thái cũng nhận định, vấn đề vướng mắc về thủ tục pháp lý hiện nay chiếm 70% khó khăn của lĩnh vực bất động sản.
"Trong khâu thẩm định chúng tôi có thể hỗ trợ các doanh nghiệp không cần trình ra giấy phép xây dựng, nhưng đến khi giải ngân thì chắc chắn phải có giấy phép", CEO MB nói và cho biết, ngân hàng luôn cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp nhưng có những quy trình phải làm đúng.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành VietinBank cũng nhận định khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay là vấn đề về pháp lý, các dự án BĐS 70% là gặp vướng về pháp lý.
Cùng với đó, vấn đề vốn mắc ở nhiều nơi như thị trường trái phiếu, chứng khoán,... không chỉ riêng ở ngân hàng. Tuy nhiên, khi những vấn đề ở các thị trường khác không giải quyết được hoặc giải quyết chưa có hiệu quả thì áp lực lại dồn lên vai các ngân hàng.
Nhịp sống Thị trường