Ngân hàng bơm thêm 77.700 tỷ vào nền kinh tế trong tháng 10, lĩnh vực nào hút nhiều vốn nhất?
Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 29/10 đạt 8,72%, tương đương với khoảng 77.700 tỷ đồng tín dụng mới được bố sung cho nền kinh tế trong tháng 10 – gần gấp đôi so với tháng 9.
- 02-11-2021Lãi suất huy động tiếp tục đi xuống dù người dân giảm gửi tiền vào ngân hàng
- 02-11-2021Đầu tháng 11, gửi tiền ngân hàng nào để có lãi suất cao nhất?
- 01-11-2021Mặt bằng lãi suất huy động, cho vay tiếp tục giảm nhẹ trong quý 4/2021
Theo SSI Research, thanh khoản hệ thống ngân hàng tuần qua tiếp tục được hỗ trợ bởi việc đáo hạn của các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn đầu tháng 5/2021. Đặc biệt, nhóm phân tích đã quan sát được một khối lượng lớn ngoại tệ đã được NHNN mua lại từ các NHTM thông qua hình thức giao ngay trong tuần trước nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào.
Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã điều chỉnh giảm nhẹ, kết tuần ở 0,69% (-0,02 điểm %) cho kỳ hạn qua đêm và 0,80% (-0,03 điểm %) cho kỳ hạn 1 tuần.
Mặt khác, SSI Research dẫn số liệu từ NHNN cho biết tín dụng tính đến ngày 29/10 bất ngờ ghi nhận mức tăng 8,72% so với cuối năm ngoái (so với mức tăng 6,5% cùng kỳ năm ngoái), tương đương với khoảng 77.700 tỷ đồng tín dụng mới được bố sung cho nền kinh tế trong tháng 10 – gần gấp đôi so với tháng 9.
Lĩnh vực thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất, với 34.900 tỷ động được cấp vay mới trong tháng 10 và lĩnh vực công nghiệp & xây dựng cũng được bổ sung 15.600 tỷ đồng.
‘’Như vậy, tín dụng đã có mức tích cực hơn so với kỳ vọng của chúng tôi và thể hiện sự hồi phục của nền kinh tế sau giãn cách’’, SSI Research cho hay.
Số liệu cũng cho thấy, tính đến hết quý 3, hầu hết các ngân hàng đều hết hạn mức tín dụng năm 2021 và SSI Research kỳ vọng rằng NHNN sẽ sớm nới hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt.
Với cơ sở trên, nhóm phân tích dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại. Cụ thể, lãi suất huy động dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 - 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng.
Tại thị trường ngoại tệ, trong tuần trước, NHNN thông báo hạ tỷ giá mua giao ngay 100 đồng/USD, xuống mức 22.650 VND/USD kể từ 5/11 sau bước điều chỉnh vào ngày 11/8 trước đó. Động thái này được thực hiện sau khi NHNN mua lại ngoại tệ từ các NHTM thông qua hình thức giao ngay trong tuần vừa qua.
Ngay lập tức, giá USD trên thị trường liên ngân hàng đã được điều chỉnh giảm 65 đồng so với phiên 3/11, chốt phiên còn 22.685 VND/USD. Kết tuần, tỷ giá niêm yết ở các NHTM giao dịch ở mức 22.550/22.750, giảm 70 đồng ở chiều mua và 100đ ở chiều bán ra so với tuần trước trước đó.
Ngược lại, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, cũng như nhu cầu USD tăng dần về giai đoạn cuối năm khiến tỷ giá trên thị trường tự do có diễn biến ngược lại, tăng 95 đồng/USD ở chiều mua vào và 80 đồng/USD ở chiều bán ra, kết tuần ở mức mua – bán 23.505 - 23.540.
Theo SSI Research, cán cân thanh toán tổng thể nhìn chung duy trì thặng dư nhờ lượng giải ngân FDI và lượng kiều hối tích cực, cũng như cán cân thương mại quay trở lại xuất siêu trong 10 tháng đầu năm. Cụ thể, cán cân thương mại trong tháng 10 nhiều khả năng trong số chính thức từ Tổng cục Hải Quan sẽ cao hơn tương đối so với ước tính. Nhờ vậy, nguồn cung – cầu ngoại tệ trên thị trường cân bằng trong giai đoạn cuối năm và giúp tỷ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định hoặc có thể tiếp tục giảm nhẹ.