MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng chật vật tăng vốn

23-09-2016 - 20:39 PM | Tài chính - ngân hàng

Năm tài chính 2016 đang đi vào thời điểm cuối, và đến lúc này câu chuyện tăng vốn điều lệ của các ngân hàng theo những kế hoạch đã được đặt ra tại ĐHCĐ từ đầu năm và cũng là để hướng tới việc đáp ứng tiêu chuẩn Basel II đang thật sự là một áp lực lớn đối với các ngân hàng. Thậm chí, có thể nói là khá chật vật ngay cả đối với những “ông lớn” trong lĩnh vực tài chính.

Theo thống kê của một số CTCK, trong năm 2016 có 17 ngân hàng đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2016. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính được công bố mới đây thì chỉ mới có 4 ngân hàng trong danh sách này được xem là hoàn thành chỉ tiêu. Nhưng nếu nói cụ thể thì có hai ngân hàng hoàn thành từ năm 2015 theo một kế hoạch đã đưa ra trước đó còn hai ngân hàng còn lại dù có tăng vốn nhưng so với kế hoạch thì vẫn đạt tiến độ thấp. Trong khi đó, những ngân hàng còn lại khá im ắng về các giải pháp tăng vốn, dù chỉ còn bốn tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2016.

Hiện tại, ngoài việc thực hiện sáp nhập với các ngân hàng khác, những phương án khác được hướng đến hiện nay là bán cho cổ đông ngoại, phát hành cổ phiếu tăng vốn hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, câu chuyện tăng vốn tại mỗi ngân hàng không giống nhau và không hẳn lúc nào cũng suôn sẻ. Ngay cả việc bán cổ phần cho các đối tác chiến lược nước ngoài đang ngày càng khó khăn hơn rất nhiều và rất ít ngân hàng có thể thực hiện thành công.

Với lộ trình mở cửa ngành tài chính theo các hiệp định thương mại, các ngân hàng nước ngoài đã được phép thành lập ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam. Cho nên, các tổ chức nước ngoài cũng không nhất thiết phải mua cổ phần của các ngân hàng trong nước.

Đơn cử như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng có định hướng phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay nhưng cho đến giờ vẫn chưa thấy thông tin gì về đối tác chiến lược của ngân hàng này. Chỉ duy nhất Vietcombank (VCB) được xem là thành công khi mới đây ngân hàng này công bố thỏa thuận ghi nhớ bán cho nước ngoài. Cụ thể, quỹ GIC (Singapore) có thể hoàn tất thương vụ mua 7,73% cổ phần của Vietcombank vào cuối năm nay. Tiếp đó, VCB sẽ phát hành cổ phiếu thưởng 35% theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông đầu năm 2016. Nếu thương vụ với GIC diễn ra suôn sẻ thì có thể nói VCB là một trong số ít ngân hàng đã tăng vốn rất thành công trong năm nay, với mức tăng vốn theo kế hoạch là lớn nhất trong số các tổ chức tín dụng có kế hoạch tăng vốn.

Việc tăng vốn của các ngân hàng đang ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết, để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế theo Basel II đồng thời có thể đẩy mạnh phát triển kinh doanh mà vẫn đảm bảo các chỉ tiêu an toàn, các giới hạn so với vốn tự có theo quy định của NHNN. Cụ thể theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ buộc phải giảm từ mức hiện tại 60% về còn 50% từ năm 2017 và xuống 40% vào năm 2018.

Vốn tự có là một khoản mục trong nguồn vốn trung, dài hạn của ngân hàng để tính toán tỷ lệ này, do đó ngân hàng nào có vốn tự có càng cao thì sẽ càng giảm được áp lực tăng nguồn tiền gửi trung, dài hạn để đảm bảo tỷ lệ này dưới mức quy định. Thực tế thời gian qua cho thấy, một số ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động đầu vào để tăng vốn huy động nhằm đáp ứng tỷ lệ này. Tuy nhiên, có thể thấy mọi gỉai pháp đang không đạt được sự khả thi nhất định của nó.

Theo Gia Miêu

Lao động

Trở lên trên