MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn

08-01-2018 - 11:42 AM | Tài chính - ngân hàng

Việc một số nhà băng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động vào thời điểm này được xem là không có gì bất thường, chỉ mang yếu tố kỹ thuật để cân đối lại nguồn vốn.

Trong tuần qua, một số NHTM tăng nhẹ lãi suất huy động. Chẳng hạn như VPBank đã nâng lãi suất huy động VND ở tất cả các kỳ hạn thêm ít nhất 0,3% và nhiều nhất là 0,6%. Hiện huy động của NH này ở mức 5,3%/năm cho các kỳ hạn từ 1-5 tháng, đối với các món trên 100 triệu đồng thì lãi suất là 5,5%/năm (mức cũ trước điều chỉnh là 5%/năm). Lãi suất kỳ hạn 6 tháng cũng được VPBank điều chỉnh tăng từ 6,4% lên 7%/năm cho khoản tiền dưới 100 triệu đồng và dao động từ 7,1 đến 7,4%/năm cho khoản tiền lớn hơn.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một vài NH lớn cũng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động như BIDV tăng thêm khoảng 0,4 - 0,5%/năm đối với các kỳ hạn tiền gửi. Với các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng, người gửi tiền được hưởng lãi suất 4,8%/năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ. Khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng được nâng từ 4,8% lên 5,2%/năm, tương đương kỳ hạn 5 tháng. Tại VietinBank, các kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng đã được NH này tăng mức lãi suất huy động từ 5,5-5,7% lên 5,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 6,5% lên 6,8%/năm.

Việc một số nhà băng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động vào thời điểm này được xem là không có gì bất thường, chỉ mang yếu tố kỹ thuật để cân đối lại nguồn vốn. Phân tích nguyên nhân, có thể thấy rất nhiều yếu tố tác động đến quyết định điều chỉnh lần này.

Thứ nhất, vào thời điểm cuối năm, tranh thủ các DN trả lương, thưởng cho người lao động nên NH muốn tạo thêm sự hấp dẫn của kênh tiền gửi tiết kiệm, nhằm hút vốn. Nhưng đồng thời, yếu tố khiến các TCTD cần phải cân nhắc điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng kỳ hạn dài lãi suất càng cao là nhằm cơ cấu lại nguồn vốn, đáp ứng lộ trình áp dụng quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn với mức 45% từ 1/1/2018 và mức 40% từ 1/1/2019 mà NHNN vừa ban hành. Nhìn vào biểu lãi suất có thể thấy, các NH muốn khuyến khích người có tiền nhàn rỗi gửi ở mức từ 100 triệu đồng trở lên và kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Thứ hai, việc tăng lãi suất không phải do thanh khoản gặp khó khăn. Điều này được chứng minh bằng thống kê những tuần cuối năm 2017, lãi suất bình quân trên thị trường liên NH nhiều tuần có xu hướng giảm, thể hiện ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt. Cho đến thời điểm hiện tại, đường cong lãi suất vẫn ở trạng thái hợp lý.

Thứ ba, do tín dụng năm 2017 tăng ở mức 19%, đúng như định hướng từ đầu năm của NHNN là trong khoảng 18-20%, nên không có gì đột biến để khiến các NH phải lo nguồn. Trong khi đó, gần như các khoản cho vay giải ngân cấp vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh dịp Tết Nguyên đán đã hoàn tất, nên nhu cầu vốn này không đến mức căng thẳng. Với việc tăng lãi suất lần này cũng chỉ lác đác ở một vài NH, có lẽ đây là động thái chuẩn bị nguồn để cho vay năm 2018 - năm mà kinh tế được dự báo sẽ khởi sắc và nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh có thể cao hơn năm 2017.

Thứ tư, các chỉ đạo gần đây của Chính phủ và NHNN thời gian tới là tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến lạm phát và thị trường tiền tệ; phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, động thái quyết liệt hơn của ngành NH trong xử lý nợ xấu sẽ “giải phóng” lượng vốn đáng kể, hỗ trợ cho hoạt động của NH.

Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh sẽ là cơ sở cho việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Qua đó giúp các DN tiết giảm chi phí hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tốt hơn... Theo đó, lãi suất cho vay cũng sẽ khó tăng vì các NH chắc chắn phải tính toán cẩn trọng để đảm bảo lãi suất hợp lý.

Theo Chí Kiên

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên