Ngân hàng, công ty chứng khoán cấp tập tăng vốn
Nửa đầu năm nay, kế hoạch tăng vốn “khủng” của một số ngân hàng, công ty chứng khoán (CTCK) sớm cán đích, trong khi số còn lại rục rịch xin chấp thuận từ cơ quan quản lý. Làn sóng tăng vốn sẽ tiếp diễn trong những 6 tháng cuối năm.
Xếp hạng liên tục thay đổi
Năm nay, ngân hàng là nhóm có nhiều kế hoạch tăng vốn đầy tham vọng. Theo thống kê, năm nay có 23 ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ, với tổng mức tăng thêm gần 167.000 tỷ đồng, đánh dấu kế hoạch tăng “khủng” nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nếu những kế hoạch đặt ra được hoàn thành, xếp hạng vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ thay đổi đáng kể.
ACB đã hoàn tất phát hành gần 583 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15%. Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, ACB sẽ trở thành nhà băng có vốn điều lệ gần 45.000 tỷ đồng, cao thứ 6 hệ thống và vượt cả đại diện Big4 (ngân hàng quốc doanh) Agribank (40.963 tỷ đồng), chỉ đứng sau VPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và MB.
Ngoài việc phát hành cổ phiếu với tỷ lệ 15%, cổ đông ACB cũng sẽ được nhận cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10% vào ngày 13/6. Tổng số tiền ACB trả cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt cho cổ đông trong năm nay là 9.710 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vốn điều lệ ACB có thể tụt xuống hạng 8 vào cuối năm nay khi Agribank và Techcombank hoàn thành kế hoạch tăng vốn đã đề ra. Dự kiến, quy mô vốn điều lệ của Agribank sẽ đạt 51.500 tỷ đồng. Còn Techcombank đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ gấp đôi lên mức 70.450 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng).
Nhiều ngân hàng khác cũng đang rục rịch xin chấp thuận tăng vốn của cơ quan quản lý.
Cụ thể, MSB vừa đã công bố nghị quyết về việc triển khai tăng vốn điều lệ từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng, thông qua việc phát hành thêm tối đa 600 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 30%. Đồng thời, ban lãnh đạo MSB cũng đã đưa ý kiến về việc lợi nhuận được tạo ra trong năm 2024 cùng với lợi nhuận để lại sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ có thể dùng để trả cổ tức với tỷ lệ ≤15% bằng tiền hoặc/và bằng cổ phiếu.
TPBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.400 tỷ, đạt tối đa 26.419 tỷ đồng. Thời gian thực hiện sẽ phụ thuộc vào quá trình phê duyệt của cơ quan quản lý Nhà nước.
CTCK trực thuộc ngân hàng cấp tập tăng vốn
Theo thống kê của Công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Rating, đã có 1/3 trong số 30 CTCK lớn nhất công bố kế hoạch tăng vốn mới trong 5 tháng đầu năm với tổng giá trị khoảng 38.000 nghìn tỷ đồng trong 12 tháng tới.
Đây là kế hoạch tăng vốn rất đáng kể và sẽ giúp tăng tổng vốn chủ sở hữu của các công ty lên khoảng 20%. Với nguồn vốn bổ sung, các công ty có thể đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi là đầu tư và cho vay ký quỹ trong năm 2024. “Tăng trưởng lợi nhuận cao hơn từ các hoạt động kinh doanh này sẽ giúp các công ty tăng cường bộ đệm rủi ro”, VIS Rating nhận định.
Kế hoạch tăng vốn phần lớn đến từ các CTCK trong nước quy mô lớn (HCM, SSI, VCI, VND), cũng như các công ty có liên kết với ngân hàng (ACBS, MBS, ORS, SHS). Các công ty này đã đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 so với cùng kỳ năm trước ở mức trung bình 30%, chủ yếu được thúc đẩy bởi việc mở rộng hoạt động cốt lõi đầu tư và cho vay ký quỹ cùng với việc các điều kiện kinh doanh của ngành được cải thiện.
Lãi suất thấp và tâm lý nhà đầu tư được cải thiện trên thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, theo VIS, sẽ khuyến khích hoạt động giao dịch của nhà đầu tư.
Trong số 10 công ty huy động nguồn vốn mới để tăng trưởng kinh doanh, có 4 công ty chứng khoán đã hoàn tất việc tăng vốn là ACBS, DNSE, HCM và KAFI.
ACBS là công ty con 100% vốn của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), đã trở thành nhân tố đóng góp quan trọng cho chiến lược tăng trưởng kinh doanh của ACB. DNSE dự định sử dụng nguồn vốn mới của mình để nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và phát triển năng lực công nghệ tài chính.
Ngoài ra, VCI trước đây đã công bố về kế hoạch mở rộng hoạt động hướng đến nhà đầu tư cá nhân; trong khi đối với HCM và MBS, nguồn vốn bổ sung sẽ cho phép họ tiếp tục mở rộng kinh doanh trong khi vẫn duy trì dư nợ cho vay ký quỹ thấp hơn giới hạn quy định là 200% tổng vốn chủ sở hữu.
Đối với các công ty có danh mục đầu tư lớn vào trái phiếu doanh nghiệp và/hoặc cổ phiếu như ORS, SHS, VIX và VND, vốn bổ sung sẽ tăng cường khả năng hấp thụ rủi ro cho các công ty này.
Trong khi đó, VIS Rating lưu ý, việc tăng vốn của các CTCK nước ngoài đã chậm lại trong 2 năm qua. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng kinh doanh của các công ty này đã đi sau so với các công ty trong nước. Dư nợ cho vay ký quỹ của các công ty nước ngoài tăng 18% mỗi năm trong hai năm qua, thấp hơn nhiều so với mức 35% của các công ty trong nước.
Tiền Phong