Ngân hàng, công ty tài chính ồ ạt gom vốn phục vụ mùa tín dụng cuối năm
Chỉ còn hơn một tháng nữa là hết năm, và đây cũng là thời điểm hoạt động tín dụng nở rộ nhất trong 12 tháng. Chính bởi vậy, các ngân hàng, công ty tài chính đang đua nhau huy động vốn đầu vào để gia tăng tiềm lực nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của người vay.
- 28-11-2017Phát hành trái phiếu: Vay tiền về để đó
- 27-11-2017Để nhà băng nội hấp dẫn đối tác ngoại
- 22-11-2017Ngân hàng lớn nâng lãi suất huy động, ngân hàng nhỏ vẫn "bình chân"?
- 20-11-2017Ngân hàng lớn bất ngờ nâng mạnh lãi suất tiền gửi
Ngân hàng hút vốn bằng lãi suất cao
Các ngân hàng đang đua nhau thu hút tiền gửi bằng lãi suất cao hoặc các chương trình khuyến mại hấp dẫn. Hầu như rất hiếm để tìm thấy một nhà băng nào dửng dưng với xu thế này.
Ở nhóm ngân hàng lớn, BIDV tuần trước đã nâng lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn ngắn thêm 0,4 – 0,5 điểm phần trăm, với kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,3% lên 4,8%/năm, kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4,8% lên 5,2%/năm.
Thậm chí một số chi nhánh của ngân hàng này còn nâng cả lãi suất các kỳ hạn trung là 6 tháng đến 11 tháng. Chẳng hạn chi nhánh Thanh Xuân áp dụng mức lãi suất lên tới 5,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng đến 8 tháng còn 9 tháng, 10 tháng và 11 tháng lãi suất là 6%/năm.
VietinBank thì đưa mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn lên cao hơn các ngân hàng cùng nhóm từ cách đây hơn 2 tháng (trong khi Vietcombank và BIDV, Agribank vẫn huy động kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,3%, 2 tháng ở thì VietinBank đã huy động 4,8%/năm), song mới đây lại triển khai những khuyến mãi khá hấp dẫn liên quan lãi suất. Cụ thể, ngân hàng đang áp dụng cộng thêm 0,3% lãi suất (thêm 0,3 điểm phần trăm) cho khách hàng mới gửi tiết kiệm qua dịch vụ ngân hàng điện tử của VietinBank, áp dụng với tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên.
Ở nhóm các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động được đẩy lên cao hơn hẳn so với nhóm ngân hàng có vốn góp Nhà nước, với lãi suất huy động cao nhất lên đến 7,9 - 8,2%/năm như ở OCB, Viet A Bank, Viet Capital Bank. Lãi suất kỳ hạn dài trên 12 tháng ở các ngân hàng tư nhân lớn như là VPBank, Sacombank cũng lên đến 7,5% - 7,6%/năm trong khi kỳ hạn trung từ 6 tháng đến dưới 12 tháng không thấp hơn 6%/năm.
Thậm chí nếu khách hàng gửi tiền dưới dạng chứng chỉ tiền gửi ghi danh còn được hưởng lãi suất tới 8,7%/năm như ở VPBank với kỳ hạn 60 tháng.
Bên cạnh lãi suất cạnh tranh, nhiều ngân hàng cũng đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn đánh vào tâm lý người tiêu dùng như Ngân hàng Xây Dựng mời khách gửi tiền có cơ hội trúng ô tô; VietBank tặng quà cho người gửi tiền tổng giá trị hơn 7 tỷ đồng; Sacombank mời khách gửi tiền với cơ hội bốc thăm trúng căn hộ chung cư. Ngoài ra, một số ngân hàng cũng tranh thủ triển khai luôn chương trình Tết Nguyên đán 2018 như Sacombank, SCB với tổng giá trị lên đến 30 – 40 tỷ đồng…
Công ty tài chính cũng đua gọi vốn
Không như các ngân hàng là có thể dùng lãi suất hấp dẫn để mời gọi người gửi tiền, các công ty tài chính với đặc thù là không được nhận tiền gửi của cá nhân mà chỉ nhận từ tổ chức nên việc huy động vốn có phần khó khăn hơn rất nhiều. Song do mùa tín dụng đang cao điểm nên nhóm này cũng không thể... ngồi yên.
Theo thông báo của các công ty tài chính, họ đang mời chào các tổ chức mua chứng chỉ tiền gửi hoặc gửi tiền có kỳ hạn từ 1 tháng đến 60 tháng với lãi suất “cạnh tranh”. Các công ty không công khai mức lãi suất tiền gửi, nhưng liên hệ với vài công ty có thị phần khá, người viết nhận được câu trả lời sẵn sàng trả lãi 9 – 10%/năm cho các khoản tiền lớn.
Ngoài hút vốn từ thị trường trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các công ty tài chính còn tìm đến nguồn vốn khổng lồ từ các định chế tài chính lớn trên thế giới. Mới đây, công ty tài chính Fe Credit thông báo đã hút được 100 triệu USD từ Deutsche Bank AG Singapore.
Ông Kalidas Ghose, Phó Chủ Tịch kiêm Tổng Giám Đốc của Fe Credit, việc gọi vốn thành công cho thấy các nhà đầu tư quốc tế đang đánh giá cao về mô hình hoạt động kinh doanh của công ty cũng như triển vọng của thị trường tài chính tiêu dùng. Trong khi đó Ông Sreenivasan Iyer, Giám Đốc Điều Hành kiêm Giám Đốc Khối Tài Chính Doanh Nghiệp Khu Vực Đông Nam Á của Deutsche Bank thì cho biết ngân hàng này đã nhận thấy tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam với nhiều cơ hội để đầu tư nên đã thỏa thuận thành công với đối tác. Ông cho biết thêm, đây là khoản cho vay lớn nhất của Deutsche Bank trong ngành tài chính tiêu dùng từ trước đến nay tại Việt Nam.
Trươc đó hồi cuối năm 2016, Fe Credit cũng đã nhận được khoản vay hợp vốn 100 triệu USD do Credit Suisse AG Singapore thu xếp trong việc ký kết hợp đồng vay, đồng thời là đại lý tín dụng và là đại diện nhận bảo đảm cho khoản vay hợp vốn này.
Fe Credit là một công ty có tham vọng rất lớn trên thị trường tài chính tiêu dùng. Mặc dù đã nắm tới 48% thị phần nhưng công ty này còn đang muốn chiếm lĩnh thị trường nhiều hơn nữa. Ngoài các khoản vốn vay từ bên ngoài, hồi tháng 8 năm nay công ty này còn được ngân hàng mẹ là VPBank đổ thêm gần 1.700 tỷ đồng nữa để bổ sung vào vốn điều lệ.
Không chỉ lo đầu vào, các ngân hàng và công ty tài chính còn đua nhau thu hút người vay
Không chỉ lo tìm kiếm nguồn vốn đầu vào bằng lãi suất và các hợp đồng gọi vốn từ các tổ chức trong nước và quốc tế, các ngân hàng thương mại và công ty tài chính còn đẩy mạnh đầu ra cho dòng vốn bằng các gói tín dụng ưu đãi hoặc khuyến mãi hấp dẫn.
Chẳng hạn như ngân hàng VIB đang đưa ra gói lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,09%/năm cho người vay tiền mua nhà cùng cam kết giải ngân nhanh; TPBank cho vay mua nhà lãi suất từ 7,2%/năm; SHB có gói vay ưu đãi lãi suất từ 7%/năm cho khách hàng doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Đài Loan; ABBank thì cho vay đầu tư với lãi suất từ 8,3%/năm, cho vay nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ lãi suất chỉ từ 6,68%/năm.
Các ngân hàng cũng chú trọng cả những khoản vay tiêu dùng mùa cuối năm như sửa chữa nhà cửa, mua ô tô. Điển hình ngân hàng OCB cho vay chỉ từ 5,99%/năm cùng cam kết giải ngân trong vòng 2 giờ để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cuối năm. Nhiều ngân hàng khác thì cho vay mua ô tô kèm ưu đãi về lãi suất, quà tặng và cam kết giải ngân nhanh như VIB, Techcombank, NCB, TPBank, PVcomBank, SHB…
Thậm chí một số ngân hàng còn xây dựng các sản phẩm chuyên biệt để thu hút khách hàng không chỉ vay vốn mà còn sử dụng nhiều hơn các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, như HDBank đưa ra giải pháp hỗ trợ nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, Techcombank và Maritime Bank có các sản phẩm tài chính trọn gói…
Ở nhóm công ty tài chính cũng tương tự, họ đang đưa ra các chương trình hợp tác ngày càng rộng và sâu với các điểm kinh doanh điện máy, các siêu thị. Không chỉ lãi suất ưu đãi hơn đối thủ, thủ tục nhanh chóng gọn nhẹ hơn, sản phẩm vay đa dạng hơn mà nhóm này còn đang cạnh tranh cả về chất lượng để thu hút người dùng ngày càng nhiều hơn.
Tín dụng sẽ về đích đúng kế hoạch
Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 16/11 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã khẳng định rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2017 (với mục tiêu 18% và điều chỉnh lên 21% sau đó - PV) sẽ về đích đúng kế hoạch sau khi đã tăng trưởng hơn 13,6% trong 10 tháng đầu năm.
Thống đốc cũng nói rằng việc tín dụng tăng trưởng như thế không có gì là bất thường bởi nhu cầu thực của nền kinh tế và tín dụng đang chảy vào đúng các lĩnh vực mà Chính phủ hướng đến. Điều này đã làm tan những nghi ngại về việc tín dụng tăng trưởng nóng đe dọa đến lạm phát cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của không ít người trước đó.
Số liệu đến tháng 11 chưa cập nhật song với những nỗ lực của các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính như đã đề cập ở trên cho thấy tín dụng từ nay đến cuối năm chắc chắn sẽ chảy mạnh hơn, chưa kể còn có yếu tố mùa vụ, nên mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm chắc chắn nằm trong bàn tay.