Ngân hàng, đại lý đua nhau rao bán ôtô
Thị trường ôtô đang ế ẩm khiến nhiều ngân hàng, đại lý xe bế tắc trong xử lý hàng tồn, nợ quá hạn.
Hiện nhiều ngân hàng (NH) thương mại đẩy mạnh rao bán tài sản bảo đảm là ôtô các loại để xử lý, thu hồi nợ trong bối cảnh khách hàng vay mua ôtô gặp nhiều khó khăn.
Trầy trật thanh lý
NH TMCP Quốc Tế (VIB) đang rao thanh lý một loạt ôtô, với giá từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng để thu hồi nợ vay.
NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để bán một loạt ôtô các loại, với giá khởi điểm từ 239 triệu đồng đến 7,7 tỉ đồng. Lô tài sản cần đấu giá đợt này gồm 25 ôtô các loại. Vài ngày trước, NH này cũng thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá lô 16 ôtô các loại để thu hồi nợ.
Trong danh sách tài sản thế chấp của các NH thương mại được rao bán thanh lý trong thời gian qua, có rất nhiều ôtô các loại là tài sản của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay vốn để mua nhưng sau đó không trả được nợ.
Nhân viên phụ trách xử lý nợ của một NH cổ phần ở TP HCM cho biết khách hàng có nhu cầu sẽ tới bãi xe thanh lý của NH để tìm hiểu, lựa chọn xe phù hợp. Ôtô được bán theo nguyên trạng với mục đích xử lý nợ xấu, thu hồi nợ vay cho NH.
"Nếu ở các đại lý ôtô cũ, khách mua xe có thể gặp tình trạng xe được sửa chữa lại, còn xe thanh lý của NH bán theo nguyên trạng nên khách hàng cần kiểm tra kỹ rồi quyết định mua" - nhân viên NH này thông tin.
Thị trường ôtô đang gặp nhiều khó khăn Ảnh: TẤN THẠNH
Theo tìm hiểu, lượng ôtô thanh lý của một số NH thương mại tăng lên đáng kể thời gian qua do dịch Covid-19 khiến hoạt động thương mại - dịch vụ, du lịch, chạy xe công nghệ gặp khó khăn. Ở thời điểm trước khi có dịch Covid-19, một số NH tung hàng loạt chương trình ưu đãi, cho vay trả góp với lãi suất thấp để kích thích khách hàng mua ôtô. Nay hoạt động kinh doanh của khách hàng gặp khó khăn, NH phải rao bán xe để thu hồi nợ.
Tại một tọa đàm về xử lý nợ xấu trong đại dịch Covid-19 vừa được tổ chức mới đây, cán bộ phụ trách quản lý tài sản nợ đã thu hồi của một NH thương mại thông tin có ôtô rao bán 4-5 lần vẫn không có người mua; xe để ở bãi càng lâu càng hư hại lại càng khó thanh lý.
Đại lý mòn mỏi chờ khách
Trong khi đó, thị trường ôtô cũ cũng trầm lắng bởi tác động của dịch bệnh, nhu cầu mua xe của khách sụt giảm mạnh.
Ông Đoàn Thanh Hiếu - phụ trách kinh doanh ôtô trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP HCM - cho biết đại lý này mở cửa cho có, chứ chẳng mua bán được gì trong nhiều tuần qua.
Theo ông Hiếu, nhiều showroom xe cũ khác đã đóng cửa vì không kham nổi chi phí thuê mặt bằng.
Đại diện trang mạng Chợ Tốt Xe cho biết thị trường ôtô cũ sau đợt dịch tháng 2-2021 đã phục hồi phần nào. Tuy nhiên, từ tháng 4, do xuất hiện đợt dịch mới nên thị trường xe cũ bị ảnh hưởng đáng kể. Tháng 5, doanh số bắt đầu giảm, đến tháng 6 xem như "đóng băng" cả thị trường ôtô.
Theo đó, giá ôtô cũ trong thời gian qua đã giảm hơn 20%. Cụ thể, xe Grand i10 (đời 2016) từ 350 triệu đồng còn 265 triệu đồng, Kia Morning (đời 2018) từ 348 triệu đồng còn 270 triệu đồng, Ford Range (đời 2019) từ 815 triệu đồng còn 630 triệu đồng. Theo nhận định từ Chợ Tốt Xe, giá xe cũ trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm đáng kể vì sức mua vẫn chưa được cải thiện.
Ông Trịnh Văn Công - chủ đại lý ôtô cũ ở quận 5, TP HCM - cho biết 2 tháng qua, ông không bán được chiếc nào. Cửa hàng chấp nhận lỗ 50 triệu đồng, thậm chí 70-80 triệu đồng/chiếc để thu hồi vốn nhưng cũng không bán được. Do chi phí mặt bằng gần 150 triệu đồng/tháng nên không thể nào cầm cự tiếp, phải trả lại mặt bằng. Số xe cũ cả chục chiếc không bán được phải tìm bãi gửi ở ngoại thành và các tỉnh lân cận.
Do xe cũ không tiêu thụ được ở thị trường TP HCM nên các đại lý phải tìm khách hàng từ các tỉnh. Từ khi dịch tái bùng phát, khách từ các tỉnh cũng không đến TP HCM mua xe. Các đại lý phải vận dụng nhiều giải pháp để tiếp cận, trong đó có bán hàng online. Sau khi khách đồng ý, đại lý sẽ mang xe đến tận nơi cho khách xem. Nếu khách đồng ý sẽ giao xe luôn, còn không sẽ mang xe về, chịu thiệt hại thêm chi phí.
Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ hệ thống cửa hàng ôtô Hiền tại TP HCM, cho biết hệ thống này có 3 cửa hàng nhưng vừa giải thể 1 cửa hàng do buôn bán ế ẩm, không đủ bù đắp chi phí. "Nếu tình hình vẫn không khả quan, sắp tới sẽ thu hẹp lại còn 1 cửa hàng để cầm cự cho qua dịch" - bà Hiền chia sẻ.
Theo bà chủ này, mỗi cửa hàng ôtô với chi phí 500-600 triệu đồng/tháng, tức mỗi ngày phải chi khoảng 20 triệu đồng, trong khi nhiều tuần qua không bán được chiếc nào. Chưa kể, tiền lãi phải trả NH với lãi suất 11%/năm, không được giảm từ năm ngoái đến nay. Thông thường các đại lý ôtô cũ "ôm" từ 20-70 chiếc, vốn từ 50-70 tỉ đồng, trong đó hơn phân nửa là vốn vay từ NH.
Đại diện một đại lý bán ôtô mới cũng thừa nhận trong tháng 5 sức tiêu thụ đã bắt đầu giảm mạnh nhưng vẫn có lác đác người mua. Từ tháng 6, thị trường sụt giảm mạnh bất kể các hãng xe và đại lý đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá từ vài chục triệu cho đến hơn trăm triệu đồng, tặng 50% hoặc 100% phí trước bạ, tặng bảo hiểm, phụ kiện trị giá hàng chục triệu đồng.
Ông Đỗ Nguyễn Vương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ôtô Volkswagen Việt Nam, cho rằng dịch bệnh đã tác động quá lớn đến thị trường ôtô. Các giải pháp đưa ra trong thời điểm này đều không mang lại kết quả như mong muốn.
Không dễ thanh lý
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng rất nhiều ôtô phân khúc từ 1 tỉ đồng trở xuống là của những người mua để chạy dịch vụ, du lịch, xe công nghệ... Năm 2020, dịch Covid-19 xuất hiện nhưng sau đó được kiểm soát trong vài tháng và ngành du lịch hồi sinh vào dịp hè, khiến một số người kỳ vọng và tiếp tục vay mua xe chạy dịch vụ.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến các ngành dịch vụ, du lịch điêu đứng.
"Trong bối cảnh này, các NH cho vay mua ôtô cũng sốt ruột, phải đẩy mạnh thanh lý tài sản thế chấp khi khách không còn khả năng trả nợ. Bởi xe càng để lâu giá trị càng giảm, chưa kể chi phí lưu kho, bến bãi... Do đó, nhu cầu thanh lý ôtô của các NH tăng khá mạnh trong thời gian qua. Dù vậy, sức mua trên thị trường đối với loại tài sản thế chấp này ở thời điểm hiện tại lại quá yếu" - TS Đinh Thế Hiển nhận định.
Người lao động