MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng đang thừa vốn

17-06-2020 - 10:28 AM | Tài chính - ngân hàng

Dưới tác động của dịch Covid-19, nhu cầu vay vốn từ nền kinh tế tăng thấp khiến tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,13%.

Theo số liệu cập nhật tại hội nghị sơ kết hoạt động ngành ngân hàng (NH) nửa đầu năm, tổ chức sáng 16-6 tại TP HCM, đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng chỉ đạt 2,13% so với cuối năm ngoái. Đây là mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế - NH Nhà nước, cho biết cơ quan điều hành đã bám sát diễn biến dịch Covid-19, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, bảo đảm chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), người dân tiếp cận vốn NH để khôi phục nhanh chóng sản xuất, kinh doanh. Dù vậy, dưới tác động của dịch Covid-19, khả năng hấp thụ vốn của các DN chưa cao khiến tín dụng tăng thấp. Trong nửa đầu năm, tín dụng toàn hệ thống mới tăng 1,96% so với năm ngoái và nếu so với bình quân 6 tháng của 2019 chỉ bằng một nửa.

Ngân hàng đang thừa vốn - Ảnh 1.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ảnh: TẤN THẠNH

Về cơ cấu tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay tín dụng nông thôn tăng 0,3% so với đầu năm; tín dụng xuất khẩu tăng 4,94% (6 tháng đầu năm ngoái, tín dụng lĩnh vực này tăng trên 10%)... Đáng lưu ý, cho vay các DN vừa và nhỏ giảm 0,7%, phản ánh tình hình khó khăn của khu vực này trước những tác động của dịch Covid-19.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NH Nhà nước, tín dụng tăng trưởng thấp trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, khi các DN ở nhiều lĩnh vực bị tác động nặng, nhu cầu vay vốn không lớn. Thời điểm này, khó khăn của DN và người dân là dòng tiền nên ưu tiên hàng đầu của ngành NH là tái cơ cấu, giãn nợ... Với những DN đủ điều kiện vay vốn, các NH thương mại sẵn sàng đáp ứng. "NH Nhà nước sẵn sàng cung ứng vốn đủ cho nền kinh tế, trường hợp cần thiết sẽ tái cấp vốn cho các NH thương mại để có nguồn vốn bơm ra thị trường. Tín dụng tăng thấp giúp thanh khoản VNĐ của các NH thương mại đang dồi dào, tạo điều kiện duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Bản thân NH thương mại cũng đang nỗ lực tiết giảm chi phí, thậm chí cắt giảm lương thưởng để giảm lãi suất cho khách hàng" - Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Nhiều NH thương mại cho biết thanh khoản VNĐ đang rất dồi dào. Thực tế, lãi suất trên thị trường liên NH (nơi các NH thương mại vay mượn vốn lẫn nhau) hiện ở mức rất thấp, như lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng chỉ có 0,35%/năm, 0,54%/năm và 1,51%/năm...

Vốn NH dư thừa, thanh khoản dồi dào, vậy lãi suất cho vay có tiếp tục giảm? Ông Trịnh Hoài Đức, Phó Tổng giám đốc NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), nhìn nhận lãi suất cho vay đang ở mức rất thấp. Một số khoản vay của DN tại Vietcombank chỉ 4,5%/năm, trong khi trước đó, mức thấp nhất là từ 5,5%/năm. Đây là mức lãi suất cho vay rất tốt trên thị trường. "Bài toán của các DN lúc này không phải lãi suất bao nhiêu mà vay để làm gì, phương án triển khai dự án khả thi không? Khả năng hấp thụ vốn của DN mới là quan trọng" - ông Trịnh Hoài Đức nhấn mạnh.

Một trong những vấn đề được lãnh đạo NH Nhà nước và các NH thương mại nhất trí là dù vốn tín dụng đang thừa nhưng không hạ chuẩn cho vay. Yêu cầu hàng đầu là khách hàng phải đủ khả năng trả nợ, bảo đảm an toàn hệ thống và tránh tăng nợ xấu. Dòng vốn cũng được hướng vào các lĩnh vực ưu tiên. "Một số DN kêu không tiếp cận được vốn nhưng do dự án, phương án kinh doanh chưa đủ chuẩn, chưa hiệu quả. Mục tiêu của NH là giảm lãi suất chứ không phải hạ chuẩn tín dụng, bởi trong quá khứ, tỉ lệ nợ xấu của ngành NH từng ở mức rất cao. Trong bối cảnh dịch Covid-19, điểm sáng của Vietcombank chính là trích lập dự phòng rủi ro, phân loại nợ đầy đủ" - ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, thông tin.

Sửa tiêu chí cho vay gói 16.000 tỉ đồng

Tại hội nghị, lãnh đạo NH Nhà nước cho biết gói tín dụng 16.000 tỉ đồng với lãi suất 0%/năm cho DN vay để trả cho người lao động ngừng việc làm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nay vẫn chưa giải ngân được đồng nào bởi các điều kiện tiếp cận không dễ.

Do đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tiêu chí để DN tiếp cận được. Hiện, 2 cơ quan trên đã trình Chính phủ sửa đổi Quyết định số 15 theo hướng giải ngân được gói tín dụng này nhằm sớm hỗ trợ DN.

Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên