Ngân hàng đầu tiên công bố BCTC quý I, lợi nhuận tăng gấp rưỡi
Lãi từ dịch vụ và lãi từ các khoản kinh doanh khác đều tăng mạnh.
- 19-01-2022PGBank báo lãi trước thuế năm 2021 tăng 55%, đạt 329 tỷ đồng
- 26-10-2021Nhiều cổ phiếu ngân hàng đảo chiều tăng ngoạn mục, PGB của PGBank có lúc tăng kịch trần
- 22-10-2021PGBank báo lãi 9 tháng gấp đôi cùng kỳ nhờ chi phí dự phòng giảm
Theo BCTC quý I vừa được ngân hàng công bố, trong quý đầu năm nay, PGBank (mã chứng khoán PGB) chỉ thu về được 234,7 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái do chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự tăng mạnh 33 tỷ đồng.
Lãi từ hoạt động dịch vụ quý I đạt gần 11 tỷ đồng, tương đương với mức tăng gần 54% so với quý I năm 2021 nhờ tăng thu dịch vụ thanh toán và ngân quỹ, cũng như ghi nhận thêm khoản thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối của PGBank trong quý I cũng ghi nhận lãi 10 tỷ đồng, cũng tăng ấn tượng hơn 46%. Trong khi đó, lãi từ kinh doanh chứng khoán giảm 46,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt hơn 29 tỷ đồng.
Đáng chú ý lãi/lỗ thuần từ các hoạt động kinh doanh khác ghi nhận lãi hơn 63 tỷ đồng trong khi kỳ trước khoản mục này của PGBank lỗ đến hơn 43 tỷ. Nguyên nhân do chi phí cho hoạt động kinh doanh khác đã giảm một cách "ngoạn mục" từ 151 tỷ chỉ còn hơn 7 tỷ.
Trong 3 tháng đầu năm, ngân hàng này trích gần 69 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 10% so với cùng kỳ. Kết quả cuối quý I, PGBank báo lãi trước thuế tăng 54%, đạt gần 126,6 tỷ đồng. Như vậy nếu so với mục tiêu lãi trước thuế 430 tỷ đồng dự kiến trình đại hội cổ đông vào ngày 26/4 sắp tới đây, nhà băng này đã thực hiện được 30% kế hoạch đặt ra.
Nguồn: BCTC, PGBank
Tính đến thời điểm ngày 31/3/2022, tổng tài sản của PGBank đạt 37.795 tỷ đồng, giảm gần 7% so với đầu năm nay. Trong đó, tiền mặt tăng 36%; tiền gửi tại NHNN giảm 47,8%, còn 538,7 tỷ đồng; Cho vay khách hàng cũng giảm 8% còn 25.362 tỷ đồng.
Trong quý I, nợ xấu của ngân hàng giảm 8%, với tỷ lệ nợ xấu trên dự nợ cho vay ở mức 2,51%.
Nguồn: BCTC, PGBank
Nhịp sống kinh tế