Ngân hàng đua nhau giảm lãi suất, thị trường địa ốc sớm “tan băng”?
Thông tin Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tiền gửi có kỳ hạn mới đây đã tiếp tục dấy lên niềm tin vào sự khởi sắc của thị trường địa ốc.
Lãi suất đang hạ
Theo công bố mới đây nhất của Ngân hàng Nhà nước, mức lãi suất tối đa mà ngân hàng áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng sẽ chính thức giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Ngay sau khi quyết định trên có hiệu lực, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động trong sáng ngày 25/5.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, dư địa giảm lãi suất sẽ còn tiếp tục. Mục tiêu của NHNN là tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ một phần chi phí vay vốn của người dân và doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay, kích thích nhu cầu tín dụng, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Vị chuyên gia này khẳng định, Việt Nam khác với các nước và chúng ta còn dư địa để giảm lãi suất khi lạm phát đang giảm và ở mức khá thấp, tỷ giá ổn định.
Thông tin các ngân hàng giảm lãi suất huy động đã khiến giới đầu tư địa ốc thêm kỳ vọng về sự đổi chiều sớm của bất động sản. Sự kỳ vọng này là hoàn toàn có cơ sở khi trước đó, Ngân hàng Nhà nước từng thông báo 2 lần giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4.
Động thái của NHNN tác động tích cực đến thị trường địa ốc. Tín hiệu rõ rệt nhất là lượng giao dịch gia tăng. Trong vòng 3 tháng trở lại đây, nhiều ngân hàng thương mại đã bắt đầu hạ lãi suất cho vay mua bất động sản. Đơn cử như tại Ngân hàng ACB, trước đó, mức lãi suất ưu đãi trong năm đầu tiên vượt ngưỡng trên 10%. Tuy nhiên, từ hồi tháng 3/2023, theo tư vấn của nhân viên tín dụng, lãi suất cho vay ngắn hạn dao động 8-8,5% cố định 6 tháng đầu tiên. Hoặc người vay lựa chọn gói 9-9,5%/năm cố định trong 12 tháng. Sau thời hạn ưu đãi, lãi suất thả nổi.
Lãi suất vay ngân hàng Wooribank cũng ghi nhận hạ nhiệt. Trước đó, vào hồi đầu năm 2023, lãi suất cho vay năm đầu tiên lên tới hơn 10%. Đến nay, mức lãi suất này chỉ dao động khoảng 8,9%/năm đầu tiên. Những năm sau, lãi suất thả nổi theo lãi suất huy động của 4 ngân hàng Big 4.
Người mua mạnh tay xuống tiền mua bất động sản
Một nhân viên tín dụng của ngân hàng nước ngoài tiết lộ, khả quan sang tháng 6, lãi suất cho vay bất động sản còn giảm. Nữ nhân viên cũng cho biết, thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023, lượng hồ sơ giải ngân vay mua bất động sản rất thấp do lãi suất cao. Người mua lo sợ lãi suất thả nổi tiếp tục tăng. Tuy nhiên, giai đoạn sau, đặc biệt từ tháng 3, lượng hồ sơ giải ngân cho khách mua nhà, mua đất đã tăng mạnh. Dự kiến, nếu lãi suất còn hạ, người mua bất động sản, đặc biệt chung cư, nhà đất còn tăng.
Thực tế, ghi nhận tại văn phòng công chứng hay bộ phận 1 cửa tại Văn phòng đăng ký đất đai, lượng khách hàng đến giao dịch tăng đột biến. Nhiều văn phòng công chứng ghi nhận tình trạng chật kín khách đến kí chuyển nhượng bất động sản.
Về phía doanh nghiệp địa ốc, các chiến dịch bung hàng, chaỵ truyền thông cũng nhộn nhịp khởi động trở lại. Thanh khoản tại một số dự án bắt đầu tín hiệu gia tăng trở lại.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, lãi suất giảm chỉ là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, thể hiện các chính sách, giải pháp ổn định hệ thống ngân hàng và tiền tệ đã có tác dụng. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng: “Ở giai đoạn này, các doanh nghiệp vẫn đang nổ lực vượt qua khó khăn. Dòng tiền chưa thể đổ vào lĩnh vực đầu tư (đầu cơ). Ông Hiển kỳ vọng, qua năm 2024, thị trường địa ốc sẽ tan băng. Vị chuyên gia này nhấn mạnh, giá bất động sản sẽ khó tăng nhưng giao dịch mua bán sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Nhịp sống thị trường