Ngân hàng đua thoái vốn, giảm sở hữu chéo
Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước cho biết sẽ xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống NH.
- 12-11-2018Agribank muốn thoái vốn khỏi OCB
- 08-10-2018Ước tính Vietcombank lãi tối thiểu hơn 1.000 tỷ từ đợt thoái vốn các ngân hàng
- 06-10-2018Ngân hàng cấp tập thoái vốn
Chuyển nhượng lớn lượng cổ phần
NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa thông báo sẽ bán đấu giá hơn 468.000 cổ phần của NH TMCP Phương Đông (OCB). Giá khởi điểm là 18.130 đồng/cổ phần. Agribank sẽ thoái vốn cổ phần tại OCB qua phương thức đấu giá công khai, trường hợp không bán hết số lượng cổ phần sẽ thực hiện các bước kế tiếp theo quy định.
2018 là năm thứ 3 Agribank triển khai đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016-2020, gắn liền với tái cơ cấu giai đoạn 2. Cùng với việc xử lý nợ xấu, lãnh đạo Agribank cho biết đang tập trung thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Từ năm 2014 đến nay, NH này đã thoái vốn thành công tại 7 doanh nghiệp, tổng số tiền thu về trên 1.000 tỉ đồng. Trong thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp còn lại, tăng cường nâng cao năng lực tài chính, củng cố nền tảng để sẵn sàng cho lộ trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.
Để giảm sở hữu chéo theo quy định, Vietcombank đã thoái vốn ở 2 ngân hàngẢnh: TẤN THẠNH
Trước đó, NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã thoái sạch vốn cổ phần tại OCB sau nhiều lần đấu giá. Lần gần nhất, Vietcombank đã bán đấu giá toàn bộ số cổ phần OCB còn lại với gần 1,48 triệu cổ phần, giá khởi điểm 18.876 đồng/cổ phần, thu về gần 27,9 tỉ đồng. Đây là số cổ phần thưởng mà Vietcombank được quyền nhận về trước khi bán đấu giá hồi tháng 4. Trước đó, trong đợt bán đấu giá hồi tháng 4, Vietcombank đã bán thành công 6,67 triệu cổ phần OCB và thu về hơn 171 tỉ đồng.
Ngoài OCB, Vietcombank cũng đang thực hiện thoái vốn khỏi NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và NH TMCP Quân đội (MB). Tuy nhiên, việc thoái vốn cổ phần tại MB và Eximbank không dễ, không có nhiều nhà đầu tư tham gia trong bối cảnh thị trường chứng khoán "trồi sụt", cổ phần NH không quá hấp dẫn. Theo các chuyên gia, để thoái vốn thành công, Vietcombank có thể phải hạ giá khởi điểm xuống thấp hơn mức giá cổ phiếu MB và Eximbank đang giao dịch trên thị trường để kích thích, thu hút thêm nhà đầu tư tham gia.
Một "ông lớn" NH khác là NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng vừa thông báo sẽ thoái vốn khỏi NH TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank). Theo đó, HĐQT VietinBank đã nhất trí thông qua chủ trương thoái toàn bộ hơn 15,1 triệu cổ phần, tương ứng 4,91% vốn điều lệ của Saigonbank. Giá chào bán và thời điểm đấu giá hiện chưa được công bố. Trước đó, năm 2016, VietinBank đã bán gần 17 triệu cổ phần (tương đương 5,48% vốn cổ phần) của Saigonbank và giảm sở hữu tại NH xuống mức 4,91% như hiện nay.
Giảm đáng kể sở hữu chéo
Thời gian qua, các NH thương mại liên tục chào bán cổ phần tại các tổ chức tín dụng khác nhằm tuân thủ Thông tư 36 của NH Nhà nước về các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài. Cụ thể, các NH thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết. Các NH có tỉ lệ vốn sở hữu vượt quá giới hạn phải hoàn tất việc thoái vốn vào giữa năm 2019.
Trả lời trước Quốc hội mới đây, Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng đánh giá tình trạng sở hữu chéo tại các NH đã giảm đáng kể. Sau 6 năm, hiện nay, sở hữu chéo trực tiếp đã giảm từ 7 cặp còn 1 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp giữa NH và doanh nghiệp cũng giảm, từ 56 cặp cách đây 6 năm còn 2 cặp. Tỉ lệ cổ đông sở hữu vượt 15% vốn điều lệ cũng giảm còn 1 NH, so với con số 19 NH cách đây 6 năm. Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, NH Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt xử lý sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau nhưng do việc thoái vốn phụ thuộc vào tìm đối tác, thời điểm thoái vốn cũng cần tính toán thận trọng để bảo toàn vốn nhà nước.
Dù vậy, theo đề án cơ cấu hệ thống NH đến năm 2020, từng NH thương mại sẽ phải sẽ xây dựng lộ trình, phương án cơ cấu lại. NH Nhà nước tin tưởng có thể xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống.
Thuận lợi nhờ lợi nhuận tăng
Theo các chuyên gia, những yếu tố giúp các NH thương mại thoái vốn thành công thời gian qua là lợi nhuận của ngành NH khởi sắc, nợ xấu giảm mạnh, giá cổ phiếu NH tăng theo xu hướng của thị trường chứng khoán. Thoái vốn cổ phần giúp một số NH thu về hàng trăm tỉ đồng, đóng góp vào bức tranh lợi nhuận khả quan của NH.
Người lao động