MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng: Giao thừa đang qua, tiếng gà gọi sớm…

27-01-2017 - 17:58 PM | Tài chính - ngân hàng

Một chuyên gia trong ngành Tài chính nói rằng nếu muốn hiểu hệ thống tài chính ngân hàng hiện nay đang như thế nào, có thể hình dung một cách sơ bộ: Họ đang chào năm cũ và nói tạm biệt những câu chuyện cũ. Trong khái niệm “chào năm cũ”, có sự nỗ lực chạy đua để giải quyết dứt điểm những yếu tố còn tồn đọng của một giai đoạn qua.

Nợ ơi, chào mi…

Trong đó, yếu tố còn tồn đọng cần được dứt điểm xử lý của năm Khỉ, trước khi chuyển giao sang năm Gà, thực tế đang có nhiều triển vọng để xử lý hoàn toàn và gây dựng niềm tin tươi sáng cho năm sau: Nợ xấu của hệ thống ngân hàng, với những hệ lụy lũy kế khá nhiều năm qua, vào thời gian tới đây sẽ có nhiều chuyển động mới. Kèm theo dự báo là sẽ có nhiều thương vụ bán nợ nghìn tỷ ngoạn mục được đưa ra thị trường – nợ xấu sẽ không còn cơ nguy tồn trong “kho” khó tính. Đó là kết quả tựu thành 84% cái gật đầu của các Đại biểu Quốc hội nhiệm kì XIII khi nhấn nút thông qua Luật đấu giá Tài sản, khép lại tranh cãi về việc có nên cho đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của Công ty Quản lý Tài sản của các Tổ chức Tín dụng Việt Nam (VAMC).

Việc giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của VAMC trong mua bán nợ… tuy chưa thể nói sẽ lập tức tháo gỡ hoàn toàn các rào cản về xử lý nợ và xây dựng được một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa theo cơ chế thị trường với trăm người bán, ngàn người mua, nhưng ít nhiều mong muốn xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế nay đã có cơ sở thiết thực.

Các biến động kinh tế toàn cầu nếu có, sẽ không còn “giăng bẫy” hoặc “phủ bóng đêm” đến các ngân hàng dễ dàng.

Đáng lưu ý là các quy định bán đấu giá nợ xấu trong Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung lại cho chặt chẽ, minh bạch, khách quan… tránh thất thoát tài sản Nhà nước (trong quá trình đấu giá) rồi mới trình đại biểu thông qua. Theo đó, luật không cho phép VAMC bán đấu giá theo trình tự, thủ tục rút gọn; Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn… Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến những hoạt động đấu giá cổ phần của một vài DN lớn gần đây như Vinamilk, Sabeco, Habeco… mà kết quả thu được, ngoài tiền thực, còn có kinh nghiệm thực, khá mỹ mãn.

Kinh nghiệm sẽ giúp Chính phủ thể hiện ngày càng tốt hơn vai trò kiến tạo và hành động rõ ràng, minh bạch, hiệu quả hơn trong công đoạn đấu giá các tài sản sở hữu Nhà nước – từ nguồn thuế của dân, do dân. Đấu giá nợ xấu, theo đó, cũng được thị trường và chính nhà băng kì vọng sớm được cất lời: “Nợ ơi! Chào mi…”, khi Luật đấu giá tài sản sẽ chính thức hiệu lực vào nửa năm sau.

Basel II – Tên đã lên cung

Cùng hướng tới nói lời tạm biệt những câu chuyện cũ, nhiều nhà băng đang có sự phấn khích và tràn trề tinh thần để bước vào những “nghi lễ” đón “năm mới” theo đúng yêu cầu, chuẩn mực của một giai đoạn khác: Giai đoạn mà họ phải sẵn sàng như tên đã lắp cung, chỉ chờ thả sợi dây là lao vút. Lực đẩy đường cung Basel theo đó hy vọng sẽ đưa họ đi an toàn trên hành trình quản trị bền vững.

Nói đến Basel, các banker đều khẳng Việt Nam chưa là thành viên của Ủy ban Giám sát Ngân hàng với nhóm sáng lập G10, nhưng Việt Nam không đứng ngoài lề của hội nhập. Lĩnh vực Tài chính Ngân hàng Việt Nam càng không đứng ngoài không gian mở của thế giới phẳng với các dòng tiền luân chuyển tự do, mặc dù khuôn khổ của Việt Nam vẫn còn như “cô dâu mới” vừa về nhà chồng vẫn còn đầy e ấp, chưa thể lập tức tháo rèm che mặt hoàn toàn và áp dụng tắp lự mọi thông lệ quốc tế vào quản trị kinh doanh.

Một ngân hàng lớn đầu ngành như Vietcombank, đã chứng tỏ họ không cần chờ áp lực “nước đến chân mới nhảy”: Khởi động Basel II trước cả khi có yêu cầu chính sách từ năm 2012. Và năm 2016, khi chính thức được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn là 1 trong 10 ngân hàng triển khai chuẩn mực Basel II, Vietcombank đã có những hành động cụ thể, bắt tay phân tích chênh lệch và xây dựng lộ trình thực thi, hợp tác tìm kiếm nhà tư vấn triển khai chương trình. Oliver Wyman là đơn vị mà Vietcombank lựa chọn, là một trong 2 nhà tư vấn được Tây Ban Nha mời thực thi Stress test – tiến hành kiểm tra khả năng đáp ứng được yêu cầu của các ngân hàng để xác định khả năng các ngân hàng có thể chịu nổi một cú sốc bất ngờ trong ngành công nghiệp tài chính toàn cầu thời gian trước.

Sau Vietcombank, một loạt các NH giờ đây đang tích cực tăng vốn, đáp ứng tiêu chuẩn đầu tiên trong đường cung Basel II. ACB, Vietinbank, VIB… đều có hành động mới. Song hành, là kỉ cương thông tin, hiệu quả rà soát, giám sát của thị trường được thiết lập chặt, thường xuyên.

Tất nhiên, Tổng giám đốc một ngân hàng nhóm 10 thí điểm Basel II cho biết, cần nhớ rằng xây dựng Basel II, không có nghĩa ngân hàng đã xây được “Vạn Lý Trường Thành” vượt mọi Stress test, nhưng chắc chắn tổn thương từ các biến động kinh tế toàn cầu nếu có, sẽ không còn “giăng bẫy” hoặc “phủ bóng đêm” đến các ngân hàng dễ dàng.

Đêm giao thừa năm con Gà, ngành tài chính có nhiều lí do để thắp lên hy vọng “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua”. Nhưng Basel II chưa qua, tiếng gọi Basel III đã ở phía trước. Một năm nữa, cái đích Vietcombank muốn hoàn tất Basel II, cũng là cột mốc mà các ngân hàng quốc tế hoàn tất hiệp ước Basel III vào 2018, cơ bản không còn xa.

Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên