MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều ngân hàng hé lộ kế hoạch kinh doanh 2024

12-03-2024 - 07:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Hiện, nhiều ngân hàng đã tiết lộ kế hoạch lợi nhuận năm 2024 với nhiều con số đáng chú ý.

Nhiều ngân hàng hé lộ kế hoạch kinh doanh 2024- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Kết thúc năm 2023, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của 27 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên thị trường UPCoM đạt gần 255.300 tỷ đồng, tương đương 10,3 tỷ USD. Nếu tính cả Agribank, số lãi mà các ngân hàng này tạo ra trong năm vừa qua lên tới 280.700 tỷ đồng, tương đương 11,3 tỷ USD. Trong đó, 10 ngân hàng đứng đầu có tổng lợi nhuận gần 223.500 tỷ đồng, chiếm 80%.

Bước sang năm 2024, nhiều ngân hàng cũng đã tiết lộ kế hoạch lợi nhuận năm 2024 với nhiều con số đáng chú ý.

Tại Hội nghị tổng kết vừa qua, ban lãnh đạo Vietcombank nhận định, kinh tế thế giới năm nay được dự báo "hạ cánh mềm", bởi các rủi ro giảm tốc vẫn lấn át động lực tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế của các nước lớn cũng dự báo gặp thách thức. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế thế giới nửa cuối năm sẽ lạc quan hơn do nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, việc làm khởi sắc. 

Với các chỉ tiêu về tài sản đều dự kiến tăng trưởng mạnh hơn năm 2023 như tổng tài sản đến cuối năm dự kiến tăng 8% (năm 2023 là 1,4%) và tăng trưởng tín dụng tối thiểu 12% trong hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao (năm 2023 là 10,6%). 

Tại MB, chia sẻ tại Hội nghị Nhà đầu tư vừa qua, Giám đốc Ban Kế hoạch & Marketing Lưu Hoài Sơn cho biết trong năm 2024, MB kỳ vọng sẽ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức 16% được giao. Trên cơ sở đó, lợi nhuận ước đạt hơn 28.800 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước với số lượng khách hàng là 30 triệu.

Trước đó, MB lọt Top 3 lợi nhuận toàn ngành năm 2023 với mức lãi kỷ lục 26.306 tỷ đồng, không chỉ vượt VietinBank, Agribank mà cách khá xa các ngân hàng cổ phần lớn như Techcombank (22.888 tỷ đồng), ACB (20.068 tỷ đồng), VPBank (10.987 tỷ đồng),….

Theo ông Sơn, ba động lực tăng trưởng chính của MB trong giai đoạn 2024 và các năm tiếp theo là bán lẻ, chuyển đổi số và hệ sinh thái tập đoàn.

Lý giải về con số kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn trong năm 2024, Chủ tịch MB Lưu Trung Thái cho biết những mục tiêu mà MB đề ra là phù hợp với tình hình kinh tế năm 2024 khi khó khăn vẫn còn hiện hữu. Nó phản ánh những lo ngại về nợ xấu ngân hàng, khả năng tăng trưởng tín dụng,...

Ông Thái cho hay trong năm 2024, mặc dù khối kinh tế FDI có tốc độ tăng trưởng và số liệu kinh doanh tốt nhưng cầu tín dụng và dịch vụ tài chính cá nhân lại trong trạng thái đi ngang vì liên quan đến thị trường BĐS, ô tô.

"Biên lợi nhuận của ngành trong năm 2023 đang suy giảm. Chúng tôi dự báo nếu giữ được phương án đi ngang trong năm nay là tốt rồi... Chúng tôi dự định phương án kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khoảng 10% và nếu điều kiện kinh tế tốt hơn vào giữa năm và cuối năm thì mục tiêu này có thể mở rộng thêm", Chủ tịch MB cho biết.

Trước đó, Eximbank cũng đã công bố đề xuất của HĐQT về Kế hoạch kinh doanh năm 2024 để trình Đại hội đồng cổ đông thông qua. Theo đó, năm 2024, Eximbank tiếp tục đưa ra mục tiêu tương đối tham vọng với lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, cao hơn 90,5% so với kết quả thực hiện năm 2023. Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng, huy động vốn tiến thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng.

Eximbank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu được giảm về ngang với năm 2022, ở mức 1,8%.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Triển vọng ngành ngân hàng và thông tin về NAB trước thềm chào sàn HOSE" chiều ngày 5/3, ông Võ Hoàng Hải – Phó tổng giám đốc Nam Á Bank cho biết, mục tiêu lợi nhuận Ngân hàng đưa ra cho năm nay là 4.000 tỷ đồng trước thuế và năm sau là 5.000 tỷ đồng, duy trì cổ tức ở mức 20%.

Trước đó, Nam Á Bank ghi nhận mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 3.300 tỷ trong năm 2023. Với con số dự kiến là 4.000 tỷ, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 của ngân hàng này sẽ ở mức 21,2%.

Tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 kỳ vọng cao hơn 2023

Theo kết quả điều tra của NHNN, tình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2023 có sự cải thiện nhẹ so với quý trước nhưng thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước. Đánh giá tổng thể năm 2023, các TCTD nhận định tình hình kinh doanh chưa đạt được như kỳ vọng và điều chỉnh giảm mạnh kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế so với mức dự báo tại kỳ điều tra trước.

Với tình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng trưởng ở mức thấp và chưa đạt được như kỳ vọng, các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn từ quý I/2024 và cả năm 2024 nhưng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi chậm hơn so với tình hình kinh doanh.

Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng sẽ phục hồi (dự báo lợi nhuận sau thuế của danh sách theo dõi tăng trưởng 20% trong 2024 so với mức 4% trong 2023) với động lực chính đến từ sự nở ra của tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM), tuy nhiên tốc độ nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào diễn biến của cầu tín dụng và chất lượng tài sản.

Trong kịch bản cơ sở với nền lãi suất huy động được duy trì thấp và tăng trưởng tín dụng dần cải thiện, BSC dự báo NIM trung bình của danh sách theo dõi tăng khoảng 0,07 điểm % trong 2024, từ đó giúp thu nhập lãi thuần dự kiến tăng trưởng 19% so với năm 2023 và là động lực chính cho lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng trưởng 20%.

Theo BSC, yếu tố bất ngờ đối với dự báo của trên sẽ đến từ tốc độ phục hồi của nhu cầu tín dụng, đặc biệt là những chuyển biến tích cực trên thị trường BĐS, từ đó giúp các ngân hàng cải thiện được lãi suất đầu ra. Chỉ báo sớm cho việc nhu cầu tín dụng dụng quay trở lại có thể đến từ thời điểm các nhà băng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi trở lại, cho thấy có áp lực tăng cường huy động để hỗ trợ giải ngân.

Chứng khoán SSI cho rằng, 2024 vẫn tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản. Mặc dù vậy, tình hình chung sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn là nhờ vào chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với 2023 và lợi nhuận trước dự phòng (PPOP) có sự cải thiện giúp các ngân hàng có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn.

Trong kịch bản cơ sở của SSI, tăng trưởng GDP có thể phục hồi trong khoảng từ 6,0% - 6,5%, lãi suất trung bình cả năm duy trì quanh mức thấp nhất trong thập kỷ trở lại đây và NHNN sẽ có ứng phó linh hoạt trong cơ chế ghi nhận và trích lập dự phòng nợ xấu. Theo ước tính của SSI, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu dự kiến đạt 15,4%, đây là mức tăng trưởng tốt hơn so với mức 4,6% trong năm 2023.

SSI dự phóng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm 2024 có thể đạt khoảng 47.200 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 14,3%. Trong khi lợi nhuận của BIDV có thể đạt 31.300 tỷ đồng, MB (29.200 tỷ đồng), VietinBank (27.800 tỷ đồng), Techcombank (26.000 tỷ đồng), ACB (22.800 tỷ đồng) và VPBank (16.700 tỷ đồng).

Quốc Thụy

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên