MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng "kén" tài sản đảm bảo, doanh nghiệp nhỏ làm thế nào để tiếp cận vốn giá rẻ?

06-03-2023 - 14:12 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng "kén" tài sản đảm bảo, doanh nghiệp nhỏ làm thế nào để tiếp cận vốn giá rẻ?

Mặc dù có nhiều gói vay sản xuất kinh doanh có lãi suất rất thấp, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vẫn "ngại" vay vì thủ tục phức tạp. Ngoài ra, vấn đề tài sản thế chấp cũng là một rào cản lớn.

ThS. Ngô Thành Huấn
ThS. Ngô Thành Huấn
Giám đốc Điều hành FIDT
22 bài viết

Gói vay vốn lưu động, nếu tiếp cận được sẽ có rất nhiều lợi ích

Bên cạnh các sản phẩm tín dụng trung và dài hạn cho DN để đầu tư nhà xưởng, máy móc thì ngân hàng còn có các gói vay vốn lưu động/tài trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là gói tín dụng ngắn hạn có thời gian vay nhỏ hơn 12 tháng, thường là kỳ hạn 3 hoặc 6 tháng.

Theo ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc khối Tài chính Cá nhân tại công ty tư vấn tài chính FIDT, hiện nay vì không có nhân sự chuyên về tài chính tham mưu, nên đa phần các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chưa nhận thức và hiểu được tầm quan trọng thiết yếu của vấn đề xoay vòng vốn mà khoản vay tài trợ vốn lưu động mà ngân hàng sẽ mang lại. Một số trường hợp còn có tâm lý "ngại nợ", "sợ nợ". Trên thực tế, đây là một công cụ rất tốt để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt vào những lúc nguy khó như dịch Covid 19 hay giai đoạn khó khăn hiện nay trên thị trường vốn.

Trên thực tế, tài trợ các hoạt động kinh doanh thường nhật của doanh nghiệp bằng vốn chủ sở hữu sẽ có chi phí sử dụng vốn cao hơn so với khoản vay ngắn hạn từ phía ngân hàng. Việc tiếp cận được các gói tín dụng này sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được đáng kể nguồn lực.

Ngoài ra, sản phẩm này còn có ưu điểm là hỗ trợ thanh khoản, giúp doanh nghiệp có một biên an toàn tài chính cao hơn. Cụ thể là củng cố và gia tăng sức chịu đựng của dòng tiền. Điều này đặc biệt giá trị khi doanh nghiệp khó khăn về thanh khoản trong ngắn hạn

Ví dụ: Trong giai đoạn năm 2020-2021, do yếu tố dịch bệnh, sau khi sản xuất ra hàng hóa, các doanh nghiệp đã không thể tiêu thụ ngay được và buộc phải lưu giữ ở hàng tồn kho. Khoản này sẽ chiếm dụng không ít vốn, trong khi cùng lúc, doanh nghiệp vẫn có các hóa đơn khác tới hạn thanh toán. Ví dụ như tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng, chi phí điện nước, lương thưởng cho lao động. Nếu không có sự hỗ trợ của dòng vốn vay này, áp lực các doanh nghiệp phải đối mặt là rất lớn.

"Khi cấp tín dụng, thứ ngân hàng mong muốn nhất đó là khách hàng có thể hoàn trả gốc và lãi đúng hạn. Đối với các khoản vay sản xuất kinh doanh/vay vốn lưu động, đầu ra đã được xác định, mục đích vay rõ ràng, chu kỳ vay thường là ngắn hạn, do đó ngân hàng thường áp dụng lãi suất rất thấp. Đây là một trong những ưu điểm khác của việc tiếp cận các gói tín dụng này. Nếu loại trừ các diễn biến bất thường của thị trường hiện nay, lãi suất kỳ hạn 6 tháng của khoản vay này cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở các ngân hàng tư nhân thường sẽ dao động từ 7 - 8%/năm, ở nhóm quốc doanh là từ 6 - 7%/năm. Trên thực tế, đa phần các doanh nghiệp lớn đều dùng vốn chủ để mua tài sản có mức sinh lời cao hơn như bất động sản, nhà xưởng,... sau đó dùng tài sản này thế chấp ngược lại để vay vốn lưu động chỉ dưới 6%", ông Huấn nhận định

Bên cạnh đó, khoản vay này cũng rất linh động, trong thời gian hiệu lực của hợp đồng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động vay dưới hạn mức tín dụng được cấp.

Ngoài ra, ngân hàng cũng không tính phí hay lãi trả nợ trước hạn đối với các khoản vay này. Doanh nghiệp có thể chủ động tất toán hợp đồng bất cứ khi nào mong muốn.

"Cũng cần phải lưu ý thêm, việc từng vay vốn ngắn hạn và có khả năng hoàn trả nợ tốt còn là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn và có lãi suất vay tốt hơn với các gói tín dụng trung và dài hạn của thị trường trong tương lai. Đây là một trong những bộ đệm rất quan trọng cho kế hoạch mở rộng quy mô và phát triển của doanh nghiệp", ông Huấn lưu ý các doanh nghiệp.

Ngân hàng kén tài sản đảm bảo, doanh nghiệp nhỏ làm thế nào để tiếp cận vốn giá rẻ? - Ảnh 1.

Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc khối tài chính cá nhân, Công ty tư vấn tài chính FIDT.

Lời giải nào cho việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp?

Mặc dù biết được các ưu điểm của khoản vay kể trên, song các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn này. Một số đơn vị còn bày tỏ "ngại" vay vốn ngân hàng vì các thủ tục phức tạp.

Lý do đầu tiên được các doanh nghiệp đưa ra đó là ngân hàng yêu cầu phải chứng minh được doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động trong 2 năm gần nhất. Tuy nhiên, do đại dịch năm 2020-2021, doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn, việc có được hiệu quả hoạt động cũng không phải là điều dễ dàng .

Ngoài ra, còn tồn tại tình trạng ngân hàng chậm giải ngân, dù hồ sơ đã đủ điều kiện. Việc này không chỉ khiến cho doanh nghiệp lỡ mất cơ hội kinh doanh, mà còn bị thiệt hại về mặt chi phí. Do đó, các đơn vị thương mại sản xuất cũng ngại tiếp cận vốn vay từ ngân hàng.

Một yếu tố khác khiến doanh nghiệp không mặn mà với các gói tín dụng ưu đãi cho sản xuất kinh doanh đó là do yêu cầu về tài sản thế chấp.

Nhiều đơn vị cũng đang phản ánh có tình trạng ngân hàng kén chọn, không nhận bất động sản nông nghiệp làm tài sản đảm bảo. Ngoài ra, khi doanh nghiệp cảm thấy gói vay không phù hợp, muốn tất toán hợp đồng, các nhà băng lại gây khó khăn trong việc giải chấp tài sản.

Về vấn đề thứ nhất, theo chuyên gia hiện ngân hàng đã có nhiều giải pháp linh động hỗ trợ doanh nghiệp. Một số ngân hàng chỉ cần doanh nghiệp có đầu ra, chứng minh được phương án kinh doanh khả thi về lợi nhuận là có thể quyết định cấp tín dụng. Không cần doanh nghiệp phải chứng minh quá khứ đã từng có lợi nhuận. Với phương án này, phía ngân hàng sẽ kiểm tra kho bãi, hàng hóa và phân khúc khách hàng của doanh nghiệp.

"Về tài sản thế chấp, hiện nay ngân hàng cũng nhận cầm cố cả tiền gửi, bất động sản của bên thứ ba là chủ doanh nghiệp hoặc những thành viên, cổ đông góp vốn. Ngoài ra, các nhà băng còn có hình thức tài trợ dựa trên các quyền thu nợ, hàng tồn kho, áp dụng có điều kiện cho một số đối tượng doanh nghiệp nhất định. Sau khi đã thử nhiều cách mà không hiệu quả, chủ doanh nghiệp có thể cân nhắc thêm phương án thế chấp bằng tài sản của bố mẹ, anh chị em ruột để tiếp cận được với vốn vay", ông Huấn chia sẻ.

Tại hội nghị kết nối doanh nghiệp - ngân hàng vừa được tổ chức bởi Sở Công Thương TP.HCM và Ngân hàng Nhà nước TP.HCM ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm các ngân hàng có hành vi từ chối hoặc gây khó khăn trong công tác tiếp cận vốn hoặc giải chấp, khi doanh nghiệp đã đáp ứng đủ các điều kiện.

Văn Tuệ

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên