Nhiều đại gia tiếng tăm bị ngân hàng siết nợ
Từng là những đại gia có tiếng một thời, nhưng doanh nghiệp dần rơi vào làm ăn sa sút, không trả được nợ. Nhiều tài sản đảm bảo bị ngân hàng thu hồi và phát mại nhiều lần, thậm chí liên tục đại hạ giá cũng không bán được.
- 16-08-2021Ngân hàng lớn rao bán trăm khoản nợ 'lắt nhắt', 'xuống nước' bán lẻ từ vài triệu
- 12-08-2021Ngân hàng rao bán nợ của đại gia bất động sản Quảng Ninh
- 06-08-2021Đề xuất cho ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm của nợ xấu mà không cần phải thoả thuận trong hợp đồng
Ngân hàng BIDV mới đây tiếp tục rao bán khoản nợ của Công ty CP Kiến trúc và Xây dựng Archplus lần thứ 8. Đây là khoản nợ liên quan tới ông Trương Việt Bình – được biết đến là người sáng lập thương hiệu thời trang NEM.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích 1.431,3m2 tại số 545 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, TP Hà Nội. Thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày 19/05/2005. Ngoài ra, khoản nợ còn được đảm bảo mới 3 triệu cổ phần của ông Trương Việt Bình tại Công ty CP Thời trang NEM, bảo lãnh thanh toán của Công ty CP Thời trang NEM.
Khoản nợ này tính đến ngày 15/4/2021 là 498 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc 257 tỷ, nợ lãi là 173,8 tỷ và phí phạt quá hạn là 67,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giá khởi điểm của khoản nợ được rao bán lần thứ 8 chỉ 257 tỷ đồng, tức chỉ bằng với dư nợ gốc. Mức này cũng đã giảm tới một nửa so với đợt rao bán cách đây hơn 3 tháng.
Ông Trương Việt Bình hiện là người đại diện theo pháp luật của cả 2 đơn vị là Công ty Kiến trúc và Xây dựng Archplus và Công ty Thời trang NEM, trong đó tại NEM, ông Bình kiêm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc (dữ liệu đến cuối năm 2019). Công ty Thời trang NEM tính đến cuối năm 2019 có vốn điều lệ là 400 tỷ đồng, tương ứng với 40 triệu cổ phần. Theo đó, 3 triệu cổ phần của NEM tương đương với 7,5% vốn của công ty thời trang này. Trước đó, công ty thời trang này cũng từng liên quan khoản nợ xấu hơn trăm tỷ đồng mà VietinBank đã phát thông báo rao bán vào năm 2018.
Hồi cuối tháng 7, BIDV cũng tiếp tục rao bán khoản nợ của một đại gia bất động sản và giảm mạnh giá khởi điểm. Khoản nợ này Công ty CP Tập đoàn Khải Vy với tổng dư nợ tính đến ngày 7/6/2021 là hơn 1.035 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 409 tỷ.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ này gồm: Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại địa chỉ số 13 đường Nguyễn Lương Bằng, P. Tân Phú. Q. 7. TP HCM; Rừng cây trồng tại Đăk Nông, bao gồm khoảng 525 ha cây keo lai, 16ha cây huỳnh đàn; Công trình xây dựng trên đất, máy móc thiết bị sản xuất gỗ tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định gồm cụm nhà xưởng số 1, diện tích đất thuê 7,6ha, cụm nhà xưởng số 2, diện tích đất thuê 10ha.
Ngoài ra, khoản nợ còn được thế chấp bởi 02 xe BMW, 01 xe Fortuner, 01 xe Mitsubishi, 02 xe Blue Bird; Lô 8,7 triệu cổ phiếu của Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang; Quyền đòi nợ (khoản phải thu) với giá trị sổ sách tại thời điểm thế chấp tháng 07/2014 là 51.132 triệu đồng; Các máy móc thiết bị chế biến gỗ của Công ty Khải Vy.
Giá khởi điểm của khoản nợ được rao bán lần 4 là 754,8 tỷ đồng. Trước đó, hồi đầu tháng 5, khoản nợ được rao bán với giá 1.015 tỷ đồng.
Năm 2019, Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace (TP.HCM) được BIDV rao bán riêng theo hình thức đấu giá với giá khởi điểm là 535 tỷ đồng, rồi giảm xuống 356 tỷ đồng trong năm 2020 nhưng không thành công.
Công ty Khải Vy được thành lập vào tháng 5/2000, tiền thân là Nhà máy Chế biến gỗ Duyên Hải. Thành viên thành lập nên Tập đoàn Khải Vy gồm 3 cá nhân: Ông Đoàn Văn Trang cùng vợ là Mai Thị Mai, ngoài ra còn có ông Nguyễn Quốc Bảo (sinh năm 1960). Trong đó vợ chồng ông Trang nắm giữ 98,5% cổ phần, còn lại 1,5% cổ phần là của ông Bảo với tổng vốn điều lệ của Tập đoàn lúc đó là 80 tỷ đồng.
Khải Vy còn được biết đến là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn như: Khu du lịch nghỉ dưỡng trên đảo Hòn Tằm có diện tích 114 ha, tổng vốn đầu tư 42 triệu USD, với 49 bungalow và 15 căn villa. Công ty Khải Vy còn là chủ của khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy (tại phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM) có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 8.231 tỷ đồng, phát triển trên diện tích 77.354,8 m2, chia làm 2 khu thấp tầng với 120 nền biệt thự - nhà liền kề và 8 khối căn hộ cao tầng...
Agribank AMC mới đây cũng thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm có giá trị hơn 312 tỷ đồng, trong đó gốc là 122 tỷ và lãi 190 tỷ. Giá khởi điểm đấu giá khoản nợ bằng với giá trị của khoản nợ là 312,5 tỷ đồng.
Tài sản thế chấp cho khoản nợ của Xuân Lãm tại Agribank bao gồm: quyền sử dụng hơn hơn 2,3ha đất bao gồm 2.657,6 m2 đất chung cư tại phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; 12.607,6 m2 đất xây dựng bãi đỗ xe, xưởng sửa chữa xe, nhà tập thể, nhà văn phòng tại phường Thanh Sơn, thị xã Uông Bí (nay là thành phố Uông Bí), tỉnh Quảng Ninh; 10.556 m2 đất ở đô thị tại phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; cùng 2 máy xúc, 1 xe ủi, 1 máy rung, 1 máy xúc đào bánh xích đã qua sử dụng.
Tập đoàn Xuân Lãm từng là tập đoàn có tiếng ở đất mỏ, được biết đến là đơn vị sản xuất, kinh doanh đa ngành tại Quảng Ninh, đầu tư vào các lĩnh vực vận tải thủy, bộ; kinh doanh cảng thủy nội địa; đầu tư kinh doanh hạ tầng đô thị; dịch vụ thương mại; sản xuất vật liệu xây dựng …Trong lĩnh vực bất động sản, Xuân Lãm từng được giao làm chủ đầu tư nhiều dự án lớn như Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu dân cư và dịch vụ thương mại tại phường Trưng Vương (11,1ha); Dự án Khu đô thị tại phường Trưng Vương (23,57ha); Dự án Khu đô thị mới Chạp Khê, phường Nam Khê (37,4ha).
Một khoản nợ lớn khác đang được Agribank rao bán là khoản nợ của Công ty cổ phần Năng lượng Someco 1. Trong đó dư nợ gồm 141 tỷ đồng và hơn 3,7 triệu USD.
Khoản nợ được thế chấp bởi tài sản hình thành trong tương lai là công trình thủy điện Bắc Giang (bao gồm các hạng mục kiến trúc công trình, máy móc thiết bị, tư vấn giải phòng mặt bằng.... cấu thành nên dự án thủy điện Bắc Giang và các quyền khai thác, sử dụng công trình thủy điện và các quyền khai thác theo quy định của pháp luật đối với dự án thủy điện Bắc Giang) tại bản Đống Mác, xã Quý Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.
Giá khởi điểm của khoản nợ là 214 tỷ đồng, giảm 10% so với phiên đấu giá liền kề trước.
Tại Sacombank, nhà băng này đang rao bán nhiều dự án bất động sản lớn. Trong đó, mới đây ngân hàng thông báo rao bán khoản nợ gần 200 tỷ đồng (tính đến 15/10/2020) của Doanh nghiệp tư nhân Khách sạn Nhà hàng Thanh Hải. Tài sản bảo đảm là hợp đồng mua bán các căn hộ thuộc Dự án Happy Plaza, Lô A10 đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh, TP. HCM. Khoản nợ này được Sacombank đặt giá khởi điểm khá thấp so với số dư nợ cho vay, chỉ hơn 105 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sacombank cũng đang tiếp tục thanh lý một số sản phẩm thuộc dự án Xi Grand Court, địa chỉ 256-258 đường Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh. Tài sản thanh lý gồm có 870m2 diện tích sàn trung tâm thương mại tầng 5 của tòa nhà; 13.258m2 diện tích sàn tầng hầm B1 với giá 389,2 tỷ đồng; 2.243,96 m2 diện tích sàn thương mại dịch vụ tầng 7; 19 căn hộ thuộc dự án, có diện tích thông thủy 1.453,44m2.