MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Mỹ chứng kiến cổ phiếu giảm 95%, đối diện nguy cơ đóng cửa như SVB: Có thể 'bán mình' với giá 0đ nhưng tại sao không ai ngỏ lời thâu tóm?

28-04-2023 - 21:38 PM | Tài chính quốc tế

Ngân hàng Mỹ chứng kiến cổ phiếu giảm 95%, đối diện nguy cơ đóng cửa như SVB: Có thể 'bán mình' với giá 0đ nhưng tại sao không ai ngỏ lời thâu tóm?

Nếu một ngân hàng khác quyết định mua lại First Republic Bank, họ vẫn có thể phải trả hàng chục tỷ USD dựa theo các quy tắc kế toán sáp nhập.

Những vấn đề xảy ra ở FRB đang khiến nhiều người lo ngại rằng đây sẽ là ngân hàng kế tiếp sau SVB đóng cửa. Lượng tiền gửi trong FRB giảm hơn 40%, từ 176,4 tỷ USD vào ngày 31/12 xuống còn 104,5 tỷ USD vào cuối quý I/2023. Trong quý đầu tiên, các ngân hàng lớn bao gồm JPMorgan đã hỗ trợ FRB 30 tỷ USD và theo đó có thể thấy ngân hàng này mất khoảng 100 tỷ USD tiền gửi.

Trong nhiều năm, FRB nổi tiếng là một nhà cho vay có tốc độ tăng trưởng nhanh, tập trung vào nhóm khách hàng được coi là “đáng mơ ước” đó là những người giàu có. Nhiều người có thể cho rằng, việc bán lại thương hiệu này sẽ phù hợp với các ngân hàng đang tìm cách phát triển những mảng như quản lý tài sản.

Tài sản của FRB chủ yếu cũng là những tài sản ổn định, như chứng khoán chính phủ và các khoản thế chấp. Song, với mức vốn hoá đang ở khoảng 1 tỷ USD, giảm khoảng 95% so với đầu năm nay, thì không có người mua tiềm năng nào muốn nghĩ đến việc này.

Ngân hàng Mỹ chứng kiến cổ phiếu giảm 95%, đối diện nguy cơ đóng cửa như SVB: Có thể 'bán mình' với giá 0đ nhưng tại sao không ai ngỏ lời thâu tóm? - Ảnh 1.

FRB có thể hy vọng rằng họ sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại, chờ đợi trái phiếu và các khoản vay đáo hạn hoặc được hoàn trả toàn bộ. Tuy nhiên, bất kỳ ai mua lại ngân hàng này sẽ không thể làm được điều đó. Theo các quy định sáp nhập ở Mỹ, bên mua sẽ phải ngay lập tức hạ giá tài sản mà họ đang mua về giá trị hợp lý.

Trong báo cáo quý I, ngân hàng này không đưa ra thông tin cập nhật về ước tính giá trị hợp lý của tài sản. Vì vậy, có khả năng giá trị tài sản của họ đã cải thiện phần nào, do lợi suất trái phiếu chính phủ giảm trong 3 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, tính đến cuối năm ngoái, FRB lại đang chịu khoản lỗ chưa thực hiện đối với các trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn là khoảng 4,8 tỷ USD.

Ngoài ra, giá trị hợp lý của các khoản vay được đảm bảo bằng bất động sản thấp hơn khoảng 19 tỷ USD so với giá trị thực. Nhiều trong số các khoản thế chấp này đang có mức lãi suất cố định trong vô thời hạn hoặc trong vài năm tới. Trong khi đó, mức lãi suất hiện tại đang tương đối thấp.

Ngay cả khi những khoản lỗ tính theo giá trị thị trường đó đã thấp hơn vài tỷ USD sau khi điều chỉnh về giá hợp lý đối với người mua, thì quy tắc bút toán giảm cũng có thể khiến họ phải huy động thêm hàng tỷ USD để giữ tỷ lệ vốn đạt đúng mức quy định khi bổ sung tài sản vào bảng cân đối kế toán.

Nhà phân tích David Smith của Autonomous Research cho hay: “Bên mua có thể mất 30 tỷ USD để đáp ứng quy định vốn cổ đông khi mua lại ngân hàng FRB miễn phí.”

Ngân hàng Mỹ chứng kiến cổ phiếu giảm 95%, đối diện nguy cơ đóng cửa như SVB: Có thể 'bán mình' với giá 0đ nhưng tại sao không ai ngỏ lời thâu tóm? - Ảnh 2.

Thông thường, trong một thương vụ mua bán ngân hàng, bên thâu tóm có thể lấy tài sản vô hình để bù đắp cho khoản lỗ đối với giá trị của trái phiếu và các khoản cho vay. Ví dụ, bên mua có thể ghi nhận giá trị bổ sung đối với các khoản tiền gửi của ngân hàng được mua lại. Còn trong bối cảnh những vấn đề về tiền gửi vẫn căng thẳng ở hệ thống ngân hàng Mỹ, giá trị tiền gửi ở FRB khó có thể xác định. Ngoài ra, những tài sản vô hình như thế này không được tính vào vốn điều lệ cần thiết để vận hành một ngân hàng.

Song, bên mua có thể thực hiện một số bước để bù đắp. Một ngân hàng mua tài sản với giá trị hợp lý sau đó có thể nhanh chóng bán chúng để thanh toán các khoản vay từ chính phủ và 30 tỷ USD từ các ngân hàng lớn. Việc này sẽ làm giảm quy mô và nhu cầu vốn của ngân hàng. Bên mua cũng có thể hưởng lợi khi tài sản họ mua tăng giá trị hoặc thanh toán hết.

Theo Reuters, Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tổ chức các cuộc họp với nhiều định chế tài chính để tìm cách giải cứu FRB. Hiện vẫn chưa rõ liệu chính phủ Mỹ có trực tiếp tham gia vào thương vụ này hay không, song giới chức vẫn đang trong quá trình tìm ra hướng đi nhằm tránh việc FRB được các cơ quan quản lý tiếp quản.

Tham khảo WSJ

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên