Ngân hàng nào cho vay nhiều nhất hiện nay?
Tổng dư nợ cho vay của 10 ngân hàng đứng đầu chiếm trên 6,6 triệu tỷ đồng...
- 02-12-2021Tháng cuối cùng năm 2021, gửi tiết kiệm ngân hàng nào để có lãi suất cao nhất?
- 01-12-2021Nợ xấu tăng nhanh, hiện nay ngân hàng nào có nhiều nợ nhóm 5 nhất?
- 28-11-2021Ngân hàng nào có thị phần thẻ lớn nhất Việt Nam?
- 28-11-2021Ngân hàng nào hút tiền gửi nhất?
Thống kê từ báo cáo tài chính III cho thấy tổng dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm 30/9 của 28 ngân hàng đạt hơn 7,33 triệu tỷ đồng, tăng gần 8,7% so với cuối năm 2020.
Hiện Agribank chưa công bố cáo quý III, tuy nhiên nếu tạm tính theo số liệu đến ngày 30/6 thì tổng dư nợ cho vay của 29 nhà băng vào cuối tháng 9 đạt gần 8,564 triệu tỷ, tăng 7,6% so với cuối năm 2020.
Trong đó, BIDV tiếp tục là ngân hàng có quy mô cho vay lớn nhất với gần 1,328 triệu tỷ đồng, tăng 9,4%. Mặc dù chưa tính phần tăng thêm của quý III nhưng Agribank vẫn sở hữu danh mục cho vay gần 1,234 triệu tỷ, lớn thứ hai hệ thống.
Đứng ngay sau lần lượt là hai "ông lớn" VietinBank và Vietcombank với dư nợ cho vay khách hàng vào cuối tháng 9 đạt 1,084 triệu tỷ (+6,8%) và 936.343 tỷ đồng (+11,5%)
Như vậy, riêng dư nợ cho vay của bốn ngân hàng gốc quốc doanh này đã lên tới khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, tương đương 53,5% tổng dư nợ của 29 nhà băng được thống kê.
Bên nhóm tư nhân, Sacombank là ngân hàng có dư nợ cho vay lớn nhất với 356.440 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm trước. Trong khi dư nợ cho vay của SCB chỉ tăng 0,4% sau 9 tháng đầu năm, lên gần 352.913 tỷ đồng qua đó đánh mất ‘’ngôi vương’’ vào tay Sacombank.
Ngoài những ngân hàng kể trên, Top 10 về dư nợ cho vay còn sự góp mặt của những cái tên quen thuộc như SHB (339.406 tỷ đồng), MB (336.426 tỷ đồng), ACB (331.966 tỷ đồng) và Techcombank (321.042 tỷ đồng).
Tổng dư nợ cho vay của 10 ngân hàng đứng đầu này đạt trên 6,6 triệu tỷ, chiếm hơn 77% tổng dư nợ cho vay của 29 ngân hàng được khảo sát.
* Số liệu Agribank ước tính đến thời điểm 30/6/2021. (Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp)
Trong 3 quý đầu năm ghi nhận 27/29 ngân hàng ghi nhân dư nợ cho vay tăng trưởng dương so với cuối năm 2020. Và chỉ có hai nhà băng thu hẹp quy mô cho vay là Bac A Bank (-1,5%) và Saigonbank (-2,5%).
Về tốc độ tăng trưởng, MSB có dư nợ cho vay tăng nhanh nhất lên tới 23,5%. Trước đó, đến cuối quý II, tăng trưởng cho vay của ngân hàng này mới chỉ ở mức 15,2%.
Theo SSI Research, trong quý III, tăng trưởng cho vay của MSB chủ yếu đến từ nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (+23,8% so với quý trước). Cho vay khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp lớn tăng trưởng khiêm tốn, lần lượt tăng +2,58% và +1,32% so với quý trước. Vào cuối quý III/2021, tính cả cho vay mua nhà của khách hàng cá nhân (11,9%), chuỗi giá trị bất động sản và vật liệu xây dựng chiếm 38,6% tổng dư nợ.
Cùng với MSB, một số ngân hàng cũng có mức tăng trưởng cho vay ở mức hai con số trong 9 tháng đầu năm như Techcombank (15,7%), MB (12,8%), Viet Capital Bank (12,6%), Vietcombank (11,5%)....
* Số liệu Agribank ước tính đến thời điểm 30/6/2021. (Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp)
Lưu ý rằng, tăng trưởng cho vay thường thấp hơn tăng trưởng tín dụng do một lượng lớn vốn cho vay được các ngân hàng đẩy qua kênh trái phiếu.
Theo tính toán của Chứng khoán BSC, tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng của MB đạt 14,2% trong khi tăng trưởng cho vay khách hàng chỉ ở mức 12,8%; còn Techcombank đã chạm trần tín dụng 17,1% trong khi dư nợ cho vay mới tăng 15,7%. Tương tự, tăng trưởng cho vay của BIDV chỉ ở mức 9,4% nhưng tăng trưởng tín dụng lên tới 10,7%.
Sự tăng tốc của hoạt động cho vay và mảng trái phiếu khiến nhiều ngân hàng đã tiến sát mức trần tăng trưởng tín dụng được cấp chỉ sau 9 tháng đầu năm.
Trong báo cáo triển vọng ngành mới công bố, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết nhiều ngân hàng vừa được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong quý 4/2021.
Cụ thể, TPBank là nhà băng được nới room tín dụng cao nhất, lên đến 23,4%; ba ngân hàng khác được nới lên trên 21% bao gồm Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). Các ngân hàng khác cũng được nới mạnh room tín dụng: VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%), OCB (15%), ACB (13,1%), VietinBank (12,5%), BIDV (12%),...Tính chung, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%.
Giới phân tích kỳ vọng với hạn mức tăng trưởng tín dụng mới, các ngân hàng có thêm dư địa tăng cho vay thêm trong thời gian tới; đặc biệt là dịp cuối năm khi nhu cầu vay vốn tăng cao.
Thực tế, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đã bật tăng mạnh mẽ trong tháng 10 và tháng 11 khi các quy định giãn cách xã hội dần được gỡ bỏ.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 25/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng khoảng 10,1% so với cuối năm 2020. Con số này tại thời điểm cuối tháng 9 mới chỉ đạt 7,88%. Như vậy, chỉ trong chưa đầy hai tháng, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 2,22 điểm %, tương ứng với lượng tín dụng được bơm thêm ra nền kinh tế là khoảng 204.000 tỷ đồng.