Ngân hàng nào cho vay thêm nhiều nhất quý đầu năm?
Các ngân hàng giải ngân thêm 202.066 tỷ đồng trong quý I, gấp 2,7 lần cùng kỳ 2020.
- 11-05-2021Doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ nhận được nhiều ưu đãi khi vay vốn tại TPBank
- 05-05-2021Bộ Tài chính yêu cầu xử lý việc "ép" mua bảo hiểm khi vay vốn
- 12-04-2021Đình chỉ nhân viên ngân hàng lừa thủ tục vay vốn
Theo thống kê của Người Đồng Hành với 27 ngân hàng, trong quý I, hơn 202.066 tỷ đồng được các nhà băng cho vay thêm ra thị trường, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ cho vay khách hàng gần 6,6 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm trước và cao hơn 10% so với cuối quý I/2020.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối quý I đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93%, so với cuối năm trước (cùng kỳ 2020 chỉ đạt 1,3%).
Quý I/2020, có 8/27 đơn vị giảm dư nợ cho vay khách hàng, trong khi năm nay chỉ có 3. Trong đó, BacABank giảm hơn 2.960 tỷ đồng dư nợ, tương đương 3,7%, xuống 76.479 tỷ đồng. Cho vay khách hàng của Saigonbank cũng giảm hơn 3%, tương đương gần 521 tỷ đồng xuống 14.926 tỷ đồng, VietABank cũng giảm gần 1,6% cho vay khách hàng.
Ở chiều ngược lại, MSB ghi nhận tăng trưởng tương đối cao nhất so với cuối năm 2020, ở mức 13%, nâng dư nợ lên 89.498 tỷ đồng. MB xếp thứ hai khi tăng 8,6%, Techcombank, ABBank cùng tăng gần 7%, Viet Capital Bank, HDBank, Nam A Bank, Sacombank cùng tăng khoảng 5% so với cuối năm trước.
Về giá trị tuyệt đối, Vietcombank là đơn vị giải ngân thêm nhiều nhất xét về giá trị tuyệt đối, với gần 32.150 tỷ đồng, tương đương tăng 4% so với cuối năm 2020. Qua đó tổng dư nợ cho vay tăng lên mức 871.937 tỷ đồng.
Theo sau, MB đưa ra thị trường 25.710 tỷ đồng, nâng khoản cho vay khách hàng lên 324.007 tỷ đồng, tương đương tăng, tăng 9% so với cuối năm trước. Các vị trí tiếp theo thuộc về BIDV với 19.250 tỷ đồng (dư nợ tăng 2%), Techcombank 18.766 tỷ đồng (tăng 7%), Sacombank 16.706 tỷ đồng (tăng 5%).
Thay đổi khoản cho vay khách hàng của các ngân hàng. Đơn vị: nghìn tỷ đồng.
Đầu năm, NHNN đã cấp hạn mức tín dụng lần một cho các nhà băng. Trong đó, các ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” năm nay 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%.
Một số ngân hàng TMCP như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5-11%. Nhìn chung, mặt bằng hạn mức tín dụng được cấp cho các TCTD thấp hơn so với năm trước.
Techcombank là ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng cao nhất trong số các ngân hàng với 12%. Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tỷ lệ đòn bẩy thấp và hệ số an toàn vốn cao (CAR) khoảng 15,8% của Techcombank là yếu tố giúp ngân hàng nhận được chỉ tiêu trên. Đơn vị này kỳ vọng ngân hàng này sẽ tiếp tục được cấp hạn mức cao trong những năm tới.
Hết quý I, có ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng tiệm cận hạn mức được giao. Ông Nguyễn Hoàng Linh, CEO MSB từng cho biết NHNN cấp chỉ tiêu 9%, ngân hàng đã thực hiện gần hết trong 3 tháng đầu năm.
|
Trong 3 năm gần đây, NHNN thường có 2 lần giao chỉ tiêu tín dụng mỗi năm. Sau khi đưa ra hạn mức tăng trưởng cho từng TCTD vào đầu năm, cơ quan này sẽ tiếp tục có đợt nới “room” lần hai vào nửa cuối năm. Nhiều TCTD đã sử dụng hết hạn mức từ giữa năm, hoặc quý III, trước khi NHNN xét duyệt nới thêm đợt hai. Đây có thể là lý do nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao trong năm nay.
Đơn cử, VIB đặt mục tiêu tín dụng tăng 31% trong khi, NHNN chỉ cấp hạn mức 8%. Chủ tịch HĐQT VIB, ông Đặng Khắc Vỹ từng chia sẻ các năm trước NHNN cũng giao chỉ tiêu lần đầu thấp, tuy nhiên sau đó phụ thuộc vào mức độ lành mạnh, chất lượng tín dụng, tính tuân thủ, quản trị minh bạch của VIB mà có sự thay đổi. Các năm qua, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 23 - 30% và đều đạt được.
Một số nhà băng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao có thể điểm tới như HDBank 26%, OCB 25%...
Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng ứng với tình hình diễn biến Covid-19. Kịch bản 1, tăng trưởng tín dụng 12-13%, tối đa có thể lên 14% nếu dịch Covid-19 dừng trong quý I và tiêm chủng vaccine đại trà. Kịch bản 2, mức tăng trưởng tín dụng là 10-12% trong trường hợp Covid-19 kéo dài đến tháng 6 và Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, phải chờ tiêm vaccine. Và kịch bản 3 là Covid-19 kéo dài đến hết năm, tín dụng tăng 7-8%.
Dù nhiều phân tích của các tổ chức tài chính như SSI Research, BSC... cho rằng mức tăng trưởng tín dụng năm nay có thể trên 12%, việc chọn mức tăng trưởng tín dụng 8% cho năm nay cho thấy sự thận trọng của NHNN, bởi nền kinh tế vẫn đang cần chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng hậu Covid-19.
Người đồng hành