Ngân hàng nào đang cho vay USD nhiều nhất?
Tuy có sự sụt giảm trong quý 3 song tín dụng ngoại tệ trong 9 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng mạnh, cho thấy các nhu cầu vay USD của các doanh nghiệp vẫn còn lớn.
Vietcombank đang là ngân hàng huy động lượng tiền gửi bằng USD lớn nhất, quy đổi theo VND đạt 141.136 tỷ đồng. Theo sau lần lượt là VietinBank và BIDV với lượng tiền gửi bằng USD khá cách biệt với Vietcombank, lần lượt đạt 46.833 tỷ đồng và 37.852 tỷ đồng.
Cùng với việc dẫn đầu huy động, Vietcombank cũng đang là ngân hàng cho vay bằng USD nhiều nhất, quy đổi ra VND là 97.443 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2018. VietinBank đứng thứ hai với 91.014 tỷ đồng. Trước đó, cuối tháng 6/2018, VietinBank còn đang là ngân hàng dẫn đầu về cho vay ngoại tệ trong hệ thống.
Nhóm ngân hàng tư nhân có dư nợ cho vay USD lớn còn có MB với hơn 22 nghìn tỷ, các ngân hàng Sacombank, HDBank, Eximbank, Techcombank từ 9 nghìn tỷ đến 10 nghìn tỷ.
Tỷ lệ cho vay USD ở các nhà băng hiện khá thấp. Ngay cả Vietcombank, tỷ lệ này chỉ ở mức 15%. Ở những ngân hàng khác, VietinBank chỉ chiếm 10%, ở MB là 11%,…còn những ngân hàng tầm trung, quy mô nhỏ thì tỷ lệ này còn thấp hơn, như VIB là 6%, Techcombank là 5,6%,..
Quan sát cho thấy, trong nửa đầu năm 2018, khi tỷ giá trên thị trường khá ổn định, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tỏ ra ưa chuộng hơn trong việc đi vay USD. Dư nợ cho vay bằng USD tại nhiều ngân hàng tăng mạnh, cụ thể, Vietcombank tăng 16%, tại VietinBank tăng tới 24%, tại ACB tăng 17%,…trong 6 tháng đầu năm. Mức tăng trưởng này cao hơn so với cho vay tiền đồng ở hầu hết các ngân hàng.
Tuy nhiên, những dấu hiệu bất ổn bắt đầu xuất hiện từ quý 3 khi các chỉ số vĩ mô trong nước chịu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chính sách tăng lãi suất của FED,…, tỷ giá trong nước đã có bước tăng đột biến. Các doanh nghiệp bắt đầu dè dặt hơn trong việc đi vay USD bởi nếu đồng USD lên giá quá nhanh thì sẽ không còn được hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất VND và USD như trước, chưa kể, rủi ro tỷ giá vẫn còn hiện hữu trong thời gian tới.
Biểu hiện dễ thấy là dư nợ cho vay bằng USD ở các ngân hàng có sự sụt giảm trong quý 3 vừa rồi. Dư nợ cho vay bằng USD tại VietinBank giảm mạnh từ gần 110 nghìn tỷ xuống còn 91 nghìn tỷ, tương đương giảm 17%. Các ngân hàng khác cũng tương tự, chẳng hạn ACB giảm 17% xuống còn 8.133 tỷ đồng dư nợ cho vay bằng USD trong quý 3, Vietcombank giảm 16%, BIDV giảm nhẹ 6%,…
Dẫu có sự sụt giảm tín dụng ngoại tệ trong quý 3, nhìn chung trong toàn bộ 9 tháng, dư nợ cho vay USD ở các ngân hàng vẫn tăng so với thời điểm đầu năm, cho thấy đi vay USD thay vì VND vẫn hấp dẫn các doanh nghiệp do chênh lệch lãi suất cho vay USD và VND vẫn còn lớn.
Theo cập nhật mới nhất của NHNN, tuần đầu tiên của tháng 11, lãi suất cho vay bằng VND phổ biến từ 6-9%/năm đối với ngắn hạn, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Trong khi đó, lãi suất cho vay bằng USD thấp hơn rất nhiều, đối với kỳ hạn ngắn phổ biến 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 4,5-6%/năm.
Theo thông tư 18/2017/TT-NHNN, hoạt động cho vay ngoại tệ ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu sẽ được kéo dài tới hết ngày 31/12/2018. Ngoài ra, Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Chủ trương siết tín dụng ngoại tệ trong thời gian gần đây đang khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng không còn được vay nguồn vốn chi phí thấp. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay khi cuộc chiến thương mại leo thang, Việt Nam vừa tham gia nhiều vào các hiệp định thương mại, vẫn cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Trí Thức Trẻ