Ngân hàng nào đang "ôm" nhiều nợ xấu nhất?
15 ngân hàng có tổng nợ xấu tuyệt đối đến hơn 62.000 tỷ đồng.
- 05-02-2018Xử lý nợ xấu tiếp tục khởi sắc
- 10-01-2018Xử lý 705 nghìn tỷ nợ xấu, cơ chế mới giúp hơn 50 nghìn tỷ
- 09-01-2018Đông Á, Sacombank đã xử lý được bao nhiêu nợ xấu?
Theo thống kê tại 15 ngân hàng gồm BIDV, VPBank, VietinBank, Sacombank, Vietcombank, HDBank, MBBank, ACB, Techcombank, LienVietPostBank, Eximbank, VIB, TPBank, NCB cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2017, tổng nợ xấu của các ngân hàng này là hơn 62,6 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 1,55% so với thời điểm đầu năm.
3 ngân hàng nhiều nợ xấu nhất hệ thống
BIDV hiện là ngân hàng có lượng nợ xấu cao nhất với gần 14.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tuy đã giảm hơn 1.700 tỷ đồng nhưng vẫn ở mức khá cao là 5.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV đến thời điểm cuối năm 2017 còn 1,61%, giảm nhẹ so với mức 1,99% hồi đầu năm.
Nợ xấu tại các Ngân hàng thương mại - số liệu: BCTC
Sau BIDV, mặc dù đã giảm tới hơn 4.476 tỷ đồng nợ xấu so với hồi đầu năm, khối nợ xấu tại Sacombank vẫn ở mức rất cao là 9.268 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cuối năm của ngân hàng này là 4,16%, tuy vẫn ở mức cao nhưng đã có nhiều bước tiến tích cực, giảm khá nhanh so với cuối năm 2016 (6,19%).
Nợ xấu tại Vietinbank đến ngày 31/12/2017 là 8.960 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước - mức tăng cao hơn so với tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của ngân hàng là 19%.
Còn tại Vietcombank, nhờ nhóm nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh từ 4.215 tỷ đồng xuống còn 1.940 tỷ đồng, tổng nợ xấu của ngân hàng cuối năm giảm 10% so với thời điểm đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này cũng được giữ ở mức khá thấp trong hệ thống là 1,11%, giảm 0,35 điểm phần trăm so với cuối năm 2016.
Chất lượng dư nợ cho vay tích cực hơn
Mặc dù tốc độ tăng trưởng của nhóm 15 ngân hàng kể trên trong năm 2017 là khá cao, trung bình đạt 19,9% nhưng tổng nợ xấu chỉ tăng nhẹ 1,55% so với cuối năm 2016. Điều đáng chú ý nữa là nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn giảm gần 6% so với thời điểm đầu năm, trong đó giảm mạnh ở Sacombank, Vietcombank, BIDV.
Tỷ lệ nợ xấu trung bình của 15 ngân hàng này cũng giảm từ 1,93% thời điểm đầu năm xuống còn 1,64% vào cuối 2017. Trong đó, 8/15 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm với những cái tên như Sacombank (giảm từ 6,91% xuống còn 4,16%), Eximbank (giảm từ 2,95% xuống còn 2,27%), Vietcombank (giảm từ 1,5% xuống còn 1,14%),…
Những ngân hàng còn lại, một số có tỷ lệ nợ xấu tăng lên nhưng không quá cao, ví dụ như HDBank tăng 0,06 điểm phần trăm lên 1,52%, Techcombank tăng 0,03% lên 1,61%,…
ACB hiện là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong 15 ngân hàng trên, giữ ở mức 0,71%. Nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này cũng tiếp tục ở mức thấp, giảm từ 0,64% xuống còn 0.4%/tổng dư nợ.
Như vậy, chất lượng tín dụng năm 2017 vừa qua đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ nợ nhóm 3,4,5 trên tổng dư nợ giảm ở nhiều ngân hàng. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhận xét, chất lượng tài sản hệ thống TCTD năm vừa qua đã tốt hơn.
Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD cuối năm 2017 (bao gồm cả các khoản nợ tiềm ẩn, nợ đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý...) khoảng 9,5%, giảm mạnh so với mức 11,9% cuối năm 2016, chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi giảm.