MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng nào đi đầu về áp dụng Basel?

19-10-2022 - 08:37 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng nào đi đầu về áp dụng Basel?

Bên cạnh Basel II, nhiều ngân hàng cũng đã áp dụng Basel III, IFRS 9. Các chuẩn mực quốc tế giúp ngân hàng nâng cao quản trị rủi ro và cạnh tranh hơn so với các đối thủ cùng ngành. Điều này cũng góp phần giúp hệ thống TCTD nói chung phát triển hiệu quả, bền vững.

Cách đây 7 năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt đầu ban hành nhiều quy định theo định hướng áp dụng Basel II cho hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Trong đó, theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN, các ngân hàng áp dụng và tuân thủ quy định về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo tiêu chuẩn của Basel II.

Nhìn lại quá trình đi đến Basel II, dù Thông tư 41 được đưa ra năm 2016 nhưng các ngân hàng Việt mới chỉ bắt đầu đáp ứng được từ đầu năm 2019. Những ngân hàng đầu tiên “tốt nghiệp” Base II tại Việt Nam là Vietcombank và VIB, được NHNN tổ chức lễ công nhận vào tháng 11/2018 và chính thức áp dụng từ 01/01/2019. Ngay sau VIB và Vietcombank, nhiều ngân hàng khác cũng bắt đầu áp dụng Thông tư 41 như OCB (12/2018), ACB, TPBank, MB, VPBank (tháng 4/2019),… và sau 3 năm, đến nay đã có hơn 20 ngân hàng đáp ứng được quy định này.

Tuy nhiên, Thông tư 41 mới chỉ quy định về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và yêu cầu về minh bạch thông tin và kỷ luật thị trường – trụ cột 1 và 3 của Basel II và hành trình hoàn thiện trụ cột 2 vẫn tiếp tục (Trụ cột 2 đánh giá nội bộ về mức đủ vốn). Tháng 11/2019, VIB là ngân hàng đầu tiên công bố hoàn tất 3 trụ cột này. Tiếp đến là các ngân hàng như Vietcombank, VPBank, TPBank và MSB,…

Ý thức được tầm quan trọng của quản trị rủi ro, dù Basel II là yêu cầu cao nhất của cơ quan quản lý tại Việt Nam hiện nay nhưng nhiều ngân hàng cũng đã bắt tay vào việc triển khai Basel III với nhiều tiêu chí khắt khe hơn. Được biết, Basel III nhằm bổ sung, khắc phục những hạn chế của Basel II, chủ yếu là về quản trị thanh khoản, giúp ngân hàng chống chịu trước các rủi ro và ngăn ngừa tổn thất hệ thống. Các ngân hàng từng tiên phong trong Basel II cũng tiếp tục dẫn đầu triển khai Basel III.

Chẳng hạn như VIB đã triển khai áp dụng các chỉ số quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel III từ 2020. VIB cùng với Vietcombank cũng là những ngân hàng tiên phong trong việc triển khai bộ tiêu chuẩn củng cố chất lượng về vốn và đặc biệt là năng lực thanh khoản. Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác như TPBank, MSB, SeABank, MSB,… cũng đã tích cực áp dụng Basel III thời gian qua và một số đã công bố hoàn thành được hết các yêu cầu.

Bên cạnh các hiệp ước Basel, các nhà băng cũng tiến tới áp dụng các chuẩn mực quốc tế khác như Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế IFRS. Trong đó, VIB và Techcombank là hai ngân hàng đã tiên phong hoàn thành báo cáo tài chính năm 2020 theo chuẩn mực này trong nửa đầu năm 2021. TPBank cũng công bố hoàn thành các yêu cầu IFRS 9 vào cuối tháng 9 vừa qua.

Những chuẩn mực quốc tế này giúp ngân hàng đối phó với các tình huống rủi ro về tài chính, kinh tế và mở ra cơ hội tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế. Không thể chối cãi những lợi ích to lớn từ việc áp dụng IFRS hay Basel III, nhưng việc thực hiện các tiêu chuẩn khắt khe lại không dễ dàng với đại bộ phận các ngân hàng. Như đã thấy, chỉ một số ít nhà băng đã triển khai và áp dụng thành công một hoặc cả hai tiêu chuẩn này, hoặc đang trong quá trình áp dụng.

Nhưng cũng nhờ chú trọng quản trị rủi ro mà những ngân hàng đi đầu về Basel II, Basel III, IFRS đang là những ngân hàng thuộc top đầu khả năng sinh lời, top đầu chất lượng tài sản tốt và được xếp hạng cao không chỉ trong nước mà quốc tế. Từ đó, các ngân hàng có cơ hội thu hút dòng vốn từ nước ngoài, nâng cao uy tín đối với khách hàng và nhà đầu tư.

Chẳng hạn, Techcombank đã huy động được hơn 1 tỷ USD khoản vay hợp vốn từ nước ngoài trong tháng 7. Trước đó, ngân hàng này cũng đã tiếp cận thị trường cho vay hợp vốn quốc tế vào tháng 10 năm ngoái, với khoản vay trị giá 800 triệu USD. Hồi tháng 4, VPBank cũng thông báo đã rút vốn thành công toàn bộ khoản vay hợp vốn quốc tế trị giá 600 triệu USD, kỳ hạn 3 năm.

Trước đó, VIB cũng đã huy động được 260 triệu USD khoản vay hợp vốn quốc tế. Trong đợt công bố tháng 8 vừa qua, VIB là một trong số các ngân hàng thương mại được xếp hạng Top đầu bởi NHNN cho năm 2021, dựa trên kết quả đánh giá với điểm số cao về an toàn vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh và khả năng thanh khoản.

Mới đây, Tổ chức xếp hạng Moody's Investors Service (Moody’s) cũng đã nâng xếp hạng của 12 ngân hàng Việt Nam, trong đó đều là những cái tên tiên phong trong quản trị rủi ro tại thị trường Việt Nam. Điều này khẳng định, uy tín của nhiều ngân hàng Việt trên thị trường quốc tế đang ngày càng được củng cố và nâng cao.

Ánh Dương

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên