MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng nào kiếm đậm nhất từ hợp tác độc quyền với bảo hiểm?

20-03-2021 - 09:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng nào kiếm đậm nhất từ hợp tác độc quyền với bảo hiểm?

Đa số ngân hàng không công bố cụ thể giá trị các thương vụ bancassurance, song nhiều nguồn tin tiết lộ đó đều là con số khủng hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng.

Mới đây, ngân hàng MSB đã chính thức ký kết thỏa thuận phân phối độc quyền bảo hiểm với Prudential. Thỏa thuận bancassurance giữa 2 bên có thời hạn 15 năm.

Theo chứng khoán Vietcombank (VCBS), mức phí trả trước (Upfront fee) mà MSB nhận được từ thương vụ trên có thể lên đến 3.500 tỷ đồng. Nhiều khả năng MSB sẽ lựa chọn cách thức hạch toán dần số tiền trên trong 3-5 năm để tránh ảnh hưởng lớn tới vốn chủ sở hữu của ngân hàng và kế hoạch kinh doanh các năm sau đó.

Không những vậy, VCBS còn kỳ vọng hợp tác bancassurance này có thể mang lại nguồn thu đều đặn và đáng kể cho MSB những năm tới, ước tính doanh thu từ phí bảo hiểm của nhà băng này sẽ tăng khoảng 30-40% hàng năm trong vòng 5 năm tiếp theo.

Trong khi đó, SSI Research ước tính MSB có thể nhận khoảng 80-90 triệu USD phí trả trước, tương đương khoảng 1.900-2.100 tỷ đồng.

Trước MSB, trong năm 2020, 2 ngân hàng lớn là ACB và VietinBank cũng đã chính thức có thỏa thuận độc quyền bancassurance.

Cụ thể, ngày 16/12/2020, VietinBank đã ký thoả thuận độc quyền phân phối bảo hiểm với Manulife, thời hạn hợp tác 16 năm. Theo đó, Manulife Việt Nam sẽ phân phối độc quyền các giải pháp bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng VietinBank tại Việt Nam. Một phần của giao dịch, Tập đoàn Tài chính Manulife Châu Á cũng sẽ mua lại Công ty TNHH Bảo Hiểm Nhân Thọ Aviva Việt Nam (Aviva Việt Nam). Giá trị thương vụ không được công bố, trong khi hồi tháng 6/2020, nguồn tin của Bloomberg cho biết thỏa thuận giữa VietinBank và Manulife có thể được định giá vài trăm triệu USD.

Trong khi đó, SSI ước tính mức phí trả trước của thương vụ là khoảng 350 triệu USD. Đồng thời ước tính thu nhập từ bancassurance của ngân hàng sẽ tăng 30-50% trong 5 năm tới.

Mặt khác, VCBS cho rằng hợp thương vụ này có mức phí trả trước ước đạt khoảng 8.000 tỷ đồng (tương đương với ước tính của SSI). Tuy nhiên, VCBS có thể chỉ nhận được một phần trong 8.000 tỷ đồng này do còn điều khoản liên quan đến AVIVA. Được biết đến hiện tại, VietinBank vẫn chưa ghi nhận thu nhập này vào kết quả kinh doanh.

Ngày 17/11/2020, ACB cũng đã ký kết hợp đồng đại lý độc quyền phân phối các sản phẩm bảo hiểm cho Sun Life Việt Nam trong thời hạn 15 năm. Trước đó, ACB phân phối các sản phẩm bảo hiểm cho Manulife, AIA, FWD.

Theo VCBS, thương vụ của ACB và Sun Life có mức phí trả trước lên tới 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.500 tỷ đồng), cao hơn nhiều so với các ngân hàng có cùng quy mô nhận được từ hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền. Dễ hiểu khi doanh thu từ bảo hiểm của ACB đứng thứ 6 toàn hệ thống trong năm 2019 và tăng mạnh, vươn lên vị trí thứ 3 trong 6 tháng đầu năm 2020 (theo thông tin từ hiệp hội các doanh nghiệp bảo hiểm).

Thương vụ bancassurance có giá trị cao nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này là Vietcombank và bảo hiểm FWD. Tháng 11/2019, 2 bên đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác độc quyền có thời hạn tương tự các ngân hàng khác là 15 năm. Một phần giao dịch, FWD đồng ý mua lại Liên doanh bảo hiểm nhân thọ Vietcombank – Cardif ("VCLI"), công ty liên doanh bảo hiểm nhân thọ giữa Vietcombank và BNP Paribas Cardif. 

Nguồn tin của Bloomberg cho biết, tập đoàn FWD của tỷ phú Richard Li sẽ thanh toán trước khoảng 400t riệu USD cho Vietcombank. Tuy nhiên, số tiền này có thể chỉ mới là "vé vào cửa", là khoản ký kết ban đầu và giá trị thực của thương vụ này theo ước tính trước đó lên tới khoảng 1 tỷ USD.

Trước đó, hàng loạt hợp đồng bancassurance độc quyền cũng đã diễn ra như Techcombank và Manulife Việt Nam (15 năm) ký năm 2017. Bảo hiểm AIA và VPBank ký thỏa thuận hợp tác phân phối độc quyền 15 năm; Dai-ichi Việt Nam ký hợp đồng độc quyền với SHB trong 15 năm. Năm 2018, NCB ký hợp đồng bancassurance độc quyền với Prévoir Việt Nam.

Chưa có thỏa thuận bancassurance độc quyền, các ngân hàng khác đang làm ăn thế nào từ bảo hiểm?

Trong khi những ngân hàng trên đã tìm được đối tác để phân phối bảo hiểm độc quyền thì vẫn còn một số ngân hàng lớn khác khai thác mảng bảo hiểm thông qua công ty con, công ty liên doanh. Chẳng hạn BIDV có công ty bảo hiểm BIC (BH phi nhân thọ), BIDV Metlife (BH nhân thọ); MBBank có công ty con bảo hiểm MIC (BH phi nhân thọ) và công ty liên doanh MB ageas (BH nhân thọ).

Không có thỏa thuận banca độc quyền nào nhưng MB vẫn ghi nhận thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm ấn tượng, đạt hơn 5.800 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 39% so với năm 2019. Năm 2020, MIC đứng top 6 thị phần bảo hiểm phi nhân thọ, tăng trưởng doanh thu bảo hiểm gốc cao gấp 3 lần thị trường. MB ageas có lợi nhuận trước thuế tăng 33% đạt 265 tỷ đồng trong năm qua, với doanh số bảo hiểm nhân thọ kênh bancassurance đứng thứ 5 thị trường. Hiện MB có tỷ lệ sở hữu 68,37% tại MIC và 61% tại MB Ageas.

BIC – công ty con mà BIDV đang sở hữu 51% cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận sau thuế đạt 373,3 tỷ đồng năm 2020, tăng 39% so với năm 2019. Hiện BIDV có tỷ lệ sở hữu 51% tại BIC, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ.

Đối với mảng bảo hiểm nhân thọ, BIDV đang góp vốn liên doanh tại công ty BHNT BIDV Metlife (tỷ lệ sở hữu 35%). Năm 2020, BIDV Metlife có tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 1.354 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2019.

Trong 3 ngân hàng TMCP quốc doanh hiện nay, chỉ còn mỗi BIDV chưa có kế hoạch đàm phán bancassurance. Tại ĐHĐCĐ thường niên gần đây, ông Phan Đức Tú – Chủ tịch BIDV cho biết trong ngắn hạn, mảng phi phân thọ vẫn được đặt kỳ vọng vào BIC và mảng nhân thọ tiếp tục triển khai thông qua BIDV Metlife. Mặc dù vậy, về dài hạn, BIDV cũng không loại trừ việc nghiên cứu hợp đồng bảo hiểm bancassurance, làm sao để đảm bảo hiệu quả hoạt động tốt nhất cho ngân hàng.

Thu Thủy

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên