Ngân hàng nào “vô địch” trong cuộc đua CASA?
Cuộc đua tăng tỷ trọng tiền gửi CASA giữa các ngân hàng trở nên quyết liệt hơn trong năm 2019.
- 28-10-2019Lãnh đạo Techcombank: CASA của chúng tôi đã vượt qua 2 đối thủ Vietcombank, MBBank để đứng đầu thị trường
- 05-10-2019Vì sao nhiều nhà băng muốn nâng CASA, dù phải miễn phí chuyển tiền, hy sinh thu nhập phí dịch vụ?
- 31-08-2019So găng 3 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất: Vietcombank, Techcombank, MBBank
Trong bối cảnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn ngành có xu hướng chững lại, các quy định về vốn như Basel II, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trở nên chặt chẽ hơn, thì áp lực tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng cũng ngày càng lớn hơn.
Theo đó, bên cạnh việc đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi như hoạt động dịch vụ, bán chéo sản phẩm..., thì giảm thiểu chi phí vốn cũng là một trọng tâm mà các ngân hàng đang hướng tới.
Thực tế cho thấy, với bài toán kiểm soát chi phí vốn, thì việc nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (tỷ lệ CASA) đóng vai trò cực kỳ quan trọng, bởi đây là nguồn tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ từ 0,1-0,8%/năm.
Tỷ lệ CASA của ngân hàng càng lớn có nghĩa ngân hàng càng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ, tạo tiền đề cho việc cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM).
Mặt khác, tỷ lệ CASA càng cao càng phản ánh giá trị nền tảng mà mỗi ngân hàng thiết lập được trong chiến lược ngân hàng bán lẻ.
Năm 2019, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam chứng kiến cuộc đua quyết liệt hơn về tăng CASA, khi không chỉ một vài thành viên miễn phí dịch vụ như trước mà đã có nhiều hơn các chương trình, chính sách miễn giảm phí mở rộng để thu hút nguồn tiền gửi này.
Cùng đó, từ tháng 11/2019, chính sách tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước đã thay đổi (kết chuyển về Ngân hàng Nhà nước vào cuối ngày), cũng là một yếu tố tác động.
Khảo sát của BizLIVE tại 22 ngân hàng đã công bố BCTC quý IV/2019 cho thấy, bộ ba Vietcombank, Techcombank và MBB vẫn đang là những thành viên có tỷ lệ CASA dẫn đầu, tính theo tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi.
Hiện cả ba ngân hàng này đều có tỷ lệ CASA trên mức 30%, bỏ xa các nhà băng còn lại trong nhóm khảo sát.
Cụ thể, tỷ lệ CASA của MBB đang duy trì ở mức 33,86% vào cuối quý IV/2019, là mức cao trong nhóm và đang là ứng viên cạnh tranh "vô địch" của hệ thống.
Có được điều này là nhờ việc ngân hàng tận dụng được lợi thế đặc biệt từ lượng khách hàng tổ chức lớn thuộc quân đội như Viettel, Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty 36, Tổng công ty 319…
Bên cạnh đó, phần lớn các chi tiêu cho quốc phòng, từ doanh nghiệp đến cá nhân đều được thực hiện qua MBB, mang lại nguồn tiền gửi không kỳ hạn lớn cho ngân hàng.
Trong khi đó, Techcombank tiếp tục gia tăng được tỷ lệ CASA, "vô địch" với 34,5% tính đến 31/12/2019 theo tiền gửi không kỳ hạn và ký quỹ trên tổng tiền gửi.
Nếu như MBB đang tận dụng tốt lợi thế mối quan hệ đặc biệt với quân đội để tăng nguồn huy động giá rẻ, thì Techcombank lại nhấn mạnh vào sự gắn kết khách hàng thông qua các giải pháp thanh toán và số hóa, bao gồm việc đẩy mạnh sản phẩm thẻ tín dụng phục vụ nhu cầu thanh toán hàng ngày và miễn phí giao dịch trực tuyến để thúc đẩy giao dịch, cũng như thiết lập một hệ sinh thái khách hàng cá nhân với các đối tác lớn.
Đối với Vietcombank, thương hiệu vẫn đang là lợi thế lớn nhất, giúp ngân hàng thu hút được tệp khách hàng khổng lồ. Đồng thời, với định hướng "mua buôn, bán lẻ", chú trọng khai thác nguồn vốn bán buôn với giá trị lớn, chi phí thấp cũng giúp tỷ lệ CASA của ngân hàng luôn duy trì ở mức cao.
Đáng chú ý, Vietcombank tiếp tục duy trì được thế mạnh về CASA trong điều kiện tiền gửi Kho bạc Nhà nước bắt đầu có thay đổi, như trên.
Phát triển ngân hàng số, "hy sinh" phí dịch vụ để tăng CASA
Trong khi đó, tại các ngân hàng lớn khác như ACB, Sacombank, VietinBank hay BIDV, tỷ lệ CASA vẫn chỉ đang quanh ngưỡng từ 16% đến 18%.
Tỷ lệ này ở nhóm ngân hàng quy mô trung và nhỏ thậm chí còn "khiêm tốn" hơn nhiều.
Dù vậy, như đã nói ở trên, áp lực tăng trưởng lợi nhuận trong bối cảnh hiện tại đang khiến cuộc chạy đua tăng CASA ở các ngân hàng này cũng đang gay cấn không kém.
Báo cáo về tài chính cá nhân quý IV/2018 của Nielsen cho thấy, cùng với tính thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng thì phí giao dịch chính là một trong những yếu tố khách hàng quan tâm nhất với dịch vụ ngân hàng. Ngân hàng nào có phí càng thấp thì sẽ càng có lợi thế trong việc thu hút khách hàng.
Tại ACB, tỷ lệ CASA của ngân hàng cuối năm 2019 ở mức 18,19%. Ban lãnh đạo ngân hàng đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ CASA phải đạt mức 25% vào năm 2021.
Và để đạt được con số này, ACB kỳ vọng sẽ tăng được gấp đôi số tài khoản ngân hàng trong 2 năm tới, lên 5 triệu tài khoản thông qua việc mở rộng cả kênh vật lý và trực tuyến, đồng thời miễn phí chuyển tiền trên ứng dụng mobile banking.
Nhiều ngân hàng khác cũng quyết định "hy sinh" một phần thu nhập phí dịch vụ để thu hút khách hàng.
Từ tháng 8/2019, VPBank thực hiện miễn phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống, miễn phí đăng ký và miễn phí thường niên của dịch vụ VPBank online đối với tất cả các khách hàng doanh nghiệp mới đăng ký mở tài khoản.
Tương tự, HDBank cũng miễn phí hoàn toàn cho tất cả các giao dịch thanh toán nội địa, trong - ngoài hệ thống và ngoại tỉnh cho doanh nghiệp từ tháng 10/2019.
Ngân hàng SeABank cũng thực hiện miễn nhiều loại phí giao dịch như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nộp thuế điện tử cho doanh nghiệp từ tháng 8/2019.
Bên cạnh giảm, miễn các loại phí giao dịch, việc đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là phát triển hệ thống ngân hàng giao dịch và gia tăng các sản phẩm và chính sách tiện ích, thiết lập và kết nối những hệ sinh thái mở rộng...cũng là yếu tố trọng tâm.
Đây cũng chính là lý do khiến mảng ngân hàng số đang trở thành xu hướng được các ngân hàng Việt chú trọng phát triển.
BizLIVE