MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng này cho phép bạn vay tiền và trả lại bằng ... rác

16-05-2016 - 14:13 PM | Tài chính quốc tế

Makassar và nhiều thành phố khác tại châu Á đều đang gặp phải vấn nạn số lượng bãi rác ngày càng tăng nhanh tại các vùng ven thành phố. Trước tình hình đó, ngân hàng rác đã được thành lập.

Chắc chắn cảnh tượng căn phòng chỉ có một chiếc ghế sofa xộc xệch đặt trên nền nhà nhem nhuốc và một chiếc lược dùng chung cho tất cả mọi người treo chơ vơ trên tường không phải là cảnh thường thấy ở một ngân hàng. Nhưng đó lại là địa điểm giao dịch tài chính cho Makassar - vùng đất nghèo nằm ở góc phía đông Indonesia. Khách hàng đến đây vay tiền và trả lại bằng rác.


Suryana, ngồi bên phải, đang thực hiện giao dịch với khách hàng, cô Sitinah. Ảnh: Dimas Ardian/Bloomberg

Suryana, ngồi bên phải, đang thực hiện giao dịch với khách hàng, cô Sitinah. Ảnh: Dimas Ardian/Bloomberg

Không chỉ ở Indonesia mà còn ở nhiều quốc gia mới nổi châu Á và châu Phi, ngân hàng rác là cách giải quyết hiệu quả lượng rác thải đang gia tăng nhanh chóng tại các bãi rác và cũng là cơ hội để những người nghèo nhất cũng có thể tiết kiệm và đi vay.

Makassar và nhiều thành phố khác tại châu Á đều đang gặp phải vấn đề số lượng bãi rác ngày càng tăng nhanh tại các vùng ven thành phố. Mỗi ngày thành phố 2,5 triệu dân thải ra 800 tấn rác – hầu hết được tập kết tại bãi rác cao bằng một tòa nhà 5 tầng, trải dài khắp một vùng bằng hai cái sân bóng gộp lại.

Trước tình hình đó, ngân hàng rác đã được thành lập. Người dân đem rác có thể tái chế như chai nhựa, giấy và chuyển đến nơi tập kết gọi là ngân hàng – nơi cân rác và định giá. Giống như một ngân hàng thông thường, khác hàng có thể mở tài khoản, gửi tiết kiệm bằng rác rồi đổi sang đồng rup và rút tiền theo kỳ.

Giới chức thành phố cam kết cam kết chi trả rác tại mức giá được niêm yết công khai tại ngân hàng, để đảm bảo mức giá ổn định. Rác tái chế sau đó được bán cho bên thu mua và cuối cùng được chuyển đến nhà máy tái chế ở đảo Java.

Nhiều ngân hàng rác khác trong thành phố cho phép chủ tài khoản có thể đổi trực tiếp rác thành gạo, thẻ điện thoại và trả tiền điện. Dự án Bài tập về nhà tại Ngân hàng rác Mutiara còn đặc biệt hơn, ở chỗ học sinh địa phương có thể giúp những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn làm bài tập về nhà và được trả công trực tiếp từ ngân hàng rác.

Khách hàng tại Mutiara hầu hết là phụ nữ tranh thủ thu gom rác vào thời gian rảnh rỗi nên có rất ít tiền tiết kiệm: khoảng 2.000 – 3000 rup (15-23 cent) mỗi tuần. Ngoài ra thì cũng có một số người chăm chỉ đi thu gom rác nên tiết kiệm được nhiều hơn. Nhiều người phải đi vay tiền, thường là để mua gạo nấu ăn cho cả tuần. Cuối tuần người chồng sẽ đến trả nợ và họ cứ thế vay rồi trả sống qua ngày.

Không có rủi ro vỡ nợ

Quản lý ngân hàng Mutiara – cô Suryana cho biết: “Ngân hàng được lập ra vì dân, do dân quản lý, tài sản cũng là của dân. Nhìn từ khía cạnh kinh tế, điều đó đã đem lại kết quả tuyệt vời.”

“Xhưa ai rơi vào tình huống vỡ nợ.” Suryana – 43 tuổi cho biết. Với một nền tảng giáo dục nghèo nàn, cô đã phải học kế toán và quản lý để đảm nhận vị trí điều hành tại ngân hàng Mutiara. “Cho đến khi nào người dân còn sống ở đây, họ sẽ trả. Chỉ cần chăm chỉ đi nhặt rác thì không sợ không có tiền trả nợ. Mà rác thì ở khắp mọi nơi.”

Đối với khách hàng như cô Sitinah – chủ cửa hàng nhỏ bán vật dụng hàng ngày, đồ uống và thuốc lá, ngân hàng rác là nơi cho vay duy nhất mà cô biết trên đời.

“Trước đây gần như tôi chưa bao giờ có tiền.” Cô trả lời phóng viên sau khi rút 50.000 rúp để mua một cái chảo mà cô dự định dùng trong việc kinh doanh hàng cơm. “Giờ đây tôi đã có thể dùng đến khoản tiền tiết kiệm mỗi khi cần đến.”

Một tuần vài lần, giới chức thành phố điều xe tải đến Ngân hàng rác Mutiara rồi chở rác đến Ngân hàng rác TW – nơi rác được phân loại để bán.

Giá cả ổn định

Ary Budianto – đối tác mua hàng tấn rác từ Ngân hàng rác TW cho biết: “Đây là một ngành nghề kinh doanh lý tưởng. Bằng cách tham gia vào thị trường, thành phố đảm bảo các nhà thu gom rác phải dùng một mức giá cố định. Sự khác biệt ở đây là khối lượng hàng hóa, nhưng họ thậm chí cũng không gian lận trong việc cân đo.”


Bìa cứng được phân loại, cân và định giá tại ngân hàng / Ảnh: Dimas Ardian/Bloomberg

Bìa cứng được phân loại, cân và định giá tại ngân hàng / Ảnh: Dimas Ardian/Bloomberg

Theo Bộ Lâm nghiệp và Môi trường Indonesia, nước này thải ra 64 triệu tấn rác mỗi năm, 70% được tập kết tại các bãi rác lộ thiên.

Thị trưởng Makassar cho biết, Mutiara là một trong số hơn 200 ngân hàng rác trong vùng. Mô hình rác của Makassar nổi lên đã trở thành tấm gương cho nhiều thành phố khác noi theo. Năm ngoái, cả Indonesia có tới 2.800 ngân hàng rác hoạt động rải rác tại 129 thành phố với 175.000 khách hàng.

Hỗ trợ từ chính phủ đóng vai trò cốt lõi dẫn tới thành công của mô hình ngân hàng rác. Sanjay K. Gupta – chuyên gia quản lý chất thải tại Skat Consulting – Thụy Điển, thành viên nghiên cứu dự án tại Indonesia và nhiều nơi khác nhận định.

“Mọi người không hứng thú với việc bán rác thải, nhưng họ cũng không muốn lưu giữ chúng, do đó ngân hàng rác là giải pháp tối ưu.” Ông cho biết thêm. “Nhưng ngân hàng rác không thể vận hành nếu không có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.”

Tổ chức phi chính phủ đứng đầu bởi Saharuddin Ridwan – cựu nhà báo và cũng là một cựu chiến binh - là phía hỗ trợ cho chính quyền Makassar. Tổ chức này nhận nguôn vốn từ PT Unilever Indonesia.

“Chúng ta – ai cũng phải có trách nhiệm với rác thải.”, Ridwan nói.

Thảo Trang

Bloomberg

Trở lên trên