Ngân hàng ngày càng vất vả xử lý nợ xấu
Theo báo cáo của NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống tính tới cuối tháng 7/2023 là 3,56%, gấp đôi so với con số 1,69% vào cuối năm 2020; tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD là 6,16%.
- 10-12-2023Công ty của đại gia Huy 'máy nổ' dính nợ xấu tại ngân hàng, tài sản thế chấp là khu nhà gỗ 650 tỷ nổi tiếng Đà Nẵng
- 07-12-2023Một doanh nghiệp BĐS trên sàn dính nợ xấu 6 năm tại ngân hàng: Báo lỗ liên tục, gần 1/3 cổ phần bị tòa án phong tỏa
- 05-12-2023Dự án điện gió đầu tiên tại Việt Nam bị ngân hàng siết nợ: Chủ đầu tư nợ xấu hơn 1.200 tỷ tại Agribank
Nợ xấu tăng, tài sản thanh lý “ế”
Giới chuyên môn nhận định tình hình nợ xấu của các ngân hàng là đáng lo. Nhất là sau khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ hết hiệu lực có thể khiến nợ xấu cao hơn hiện tại. Nợ xấu cũ chưa được xử lý xong lại chồng chất thêm nợ xấu mới, điều này sẽ gây áp lực đến tình hình tài chính của các NHTM.
Chính vì vậy, các ngân hàng phải đẩy nhanh tốc độ xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Từ đầu năm đến nay, nhất là giai đoạn cuối năm, các ngân hàng tăng tốc rao bán các loại tài sản thế chấp để thu hồi, xử lý nợ xấu. Với tổng trị giá bất động sản thế chấp tại các ngân hàng chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay, thậm chí tỷ lệ này tại một vài nhà băng lên đến 80-90%, do đó bất động sản thường là tài sản được các ngân hàng đem ra phát mãi nhiều nhất.
Đầu tuần này, Agribank Chi nhánh Tây Hà Nội vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Việt Nam. Đây là dự án điện gió đầu tiên bị ngân hàng rao bán thu hồi nợ. Theo Agribank, tổng giá trị khoản nợ tính đến hết 30/11/2023 quy đổi là hơn 1.205 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ này là toàn bộ công trình xây dựng Nhà máy Phong điện 1 - Bình Thuận. Agribank đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ này là hơn 1.205 tỷ đồng - bằng giá trị khoản nợ tính đến ngày 30/11.
VietinBank cũng đang tiến hành các thủ tục để đấu giá công khai khoản nợ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà (Công ty Võ Thị Thu Hà) để thu hồi nợ. Tổng giá trị khoản nợ tạm tính đến hết ngày 31/10/2023 là hơn 1.494 tỷ đồng. Đảm bảo cho nghĩa vụ nợ hầu hết là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. VietinBank đưa ra giá khởi điểm bán đấu giá của khoản nợ này chỉ 142 tỷ đồng, tương đương chỉ 10% giá trị khoản nợ.
Trước đó, BIDV đấu giá quyền sử dụng hơn 1.130 m2 đất dùng để xây dựng khu thương mại, dịch vụ tại phường 12, quận 6, TP. Hồ Chí Minh với giá khởi điểm hơn 72,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là lần thứ 14 tài sản này được rao bán với mức giá có sự điều chỉnh.
Nhưng dù nhiều ngân hàng đã đưa ra giá “mềm” hơn, việc đấu giá vẫn “ế ẩm”. Nguyên nhân chính khiến cho hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng gặp khó là do thị trường bất động sản đang đóng băng và các vướng mắc về pháp lý liên quan đến bất động sản còn nhiều khiến người mua dè dặt hơn.
Một chuyên gia kinh tế cho biết, mua bất động sản phát mãi có thể là cơ hội để sở hữu món “hời”, thế nhưng đồng thời người mua cũng đối mặt rủi ro nếu tài sản đó bị mắc về pháp lý. “Đó cũng là lý do dù rao bán nhiều lần với mức chiết khấu ngày càng hấp dẫn, nhiều bất động sản phát mãi vẫn ít người mua”, vị này chia sẻ.
Nhiều rào cản khi thu hồi nợ
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng thừa nhận, việc thanh lý tài sản trong thời gian vừa qua rất khó khăn. Nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản trị giá lớn khó thanh lý do thị trường nhà đất gần như đóng băng. Tuy nhiên, theo ông Hùng, một lý do nữa khiến cho việc thanh lý tài sản của ngân hàng gặp khó là vì định giá phát mại tài sản nhiều khi không theo giá thị trường mà thường được tính gộp gốc và lãi, mỗi lần chiết khấu từ 5-10%, do đó có tài sản đấu giá trên 2 năm mới bán được.
Về khó khăn trong việc định giá tài sản trong xử lý nợ xấu, đại diện BIDV thông tin thêm, Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn cách thức thẩm định giá khoản nợ, việc này cũng gây nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro. Bởi khi bán nợ, việc thẩm định giá khoản nợ cơ bản dựa trên thẩm định giá tài sản đảm bảo, nhưng trong thời kỳ suy giảm của thị trường bất động sản, nhiều trường hợp giá trị tài sản xuống thấp hơn dư nợ gốc khiến ngân hàng e ngại khi ra quyết định phát mại tài sản vì sợ thất thoát vốn vay sau khi thu hồi nợ.
Đó là chưa kể việc phát mại, khởi kiện qua tòa án thường kéo dài, tốn kém nhiều chi phí. Trên thực tế, có nhiều khoản vay từ lúc khởi kiện đến lúc thi hành án, phát mại tài sản mất tới 2-3 năm, thậm chí lâu hơn mới hoàn tất việc thu hồi nợ.
Một vấn đề nữa cũng liên quan đến nợ xấu là các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hồi nợ. Đại diện một ngân hàng cho biết, hiện công tác đòi nợ và thu hồi nợ chưa được cơ quan pháp luật, chính quyền địa phương ủng hộ. Đáng lưu ý là tình trạng “bùng nợ” có tổ chức ngày càng gia tăng.
Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết, từ đầu năm đến nay ngân hàng giảm mất 3.000 nhân sự vì lo sợ bị đe dọa khi đi thu nợ. “Đề nghị các cơ quan, bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương hỗ trợ ngân hàng trong xử lý tài sản đảm bảo. Đây là vấn đề rất khó khăn của các ngân hàng. Nhất là, đề nghị phối hợp xử lý các hội nhóm “bùng nợ” với cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp”, ông Vinh chia sẻ.
Rủi ro hơn nữa, Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ rằng ông rất lo lắng khi Nghị quyết 42 đến 31/12/2023 là hết hiệu lực. Nếu sang năm, Luật Các TCTD sửa đổi được thông qua thì cũng phải cuối năm mới có hiệu lực. Với khoảng thời gian còn lại, ngân hàng sẽ rất khó để thu hồi nợ, kể cả với các khoản nợ có tài sản đảm bảo. Do vậy, ông Hưng bày tỏ mong muốn các bộ, ngành chung tay giúp các ngân hàng thu hồi nợ. Quyền của người cho vay được đảm bảo hơn thì ngân hàng mới dám cho vay, để tín dụng đen không hoành hành.
Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái cũng đề xuất, cần nghiên cứu cơ chế bảo vệ người cho vay khi có nợ xấu. Có như vậy mới đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu.
Thời báo ngân hàng